• Zalo

Phát hiện chấn động ở Tuyên Quang: Đàn hổ hoang dã sống cạnh dân

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 25/03/2015 06:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - Anh Hoản chết đứng khi cách anh chừng 20m, là con hổ vằn, to như con bê, đứng bên tảng đá mép hồ.

(VTC News) - Anh Hoản chết đứng khi cách anh chừng 20m, là con hổ vằn, to như con bê, đứng bên tảng đá mép hồ.

Kỳ 1: Người lái đò giáp mặt hổ


Mới đây, trong bữa nhậu với một đại gia khai khoáng, hiện sống ở Thành phố Tuyên Quang, trong lúc ngà ngà say, vị đại gia này tiết lộ: “Thưa với chú em rằng, ở rừng Tuyên Quang vẫn còn hổ. Anh dùng cao hổ nuôi của Thái Lan, Lào, nhưng thấy chất lượng kém lắm, nên anh chỉ chuộng hổ hoang dã thôi.

Anh có mấy đệ tử là thợ săn lão luyện. Bọn nó lang thang khắp rừng Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, sang cả Lào để săn hổ hoang dã cho anh. Hổ giờ hiếm lắm, nên chi phí cho đám thợ săn có khi còn tốn kém hơn cả việc mua thẳng con hổ.

Nhưng anh cẩn thận thế là vì nếu mua nấu cao cũng chẳng biết hổ nào nuôi, hổ nào hoang dã. Cứ đi xa tìm hổ, nhưng ai ngờ, ngay ở Tuyên Quang, trong rừng còn rất nhiều hổ. Thợ săn của anh giáp mặt hổ rồi, nhưng chưa bắn được.

Bây giờ, có cái dự án bảo vệ voọc, nên không vào rừng săn hổ được nữa. Với lại, kiểm lâm làm việc gắt gao lắm, nhổ cái cây cỏ nhung bằng que tăm còn đi tù, nên anh hãi lắm, rút hết quân về, không dám bắn hổ nữa”.
Một góc rừng phòng hộ ở Lâm Bình 
Nghe anh bạn đại gia này tiết lộ thông tin về đàn hổ trong rừng ở xứ Tuyên, tôi quả thực kinh ngạc. Làm báo, mê khám khá, đi nhiều rừng rú, hang sâu, nhưng tuyệt nhiên chẳng mấy khi nghe kể về cọp hoang dã. Loài vật ấy cứ như thể đã đi vào truyền thuyết rồi.

Cách đây hơn 10 năm, một chiếc bẫy ảnh đã “tóm” được bóng dáng một chú cọp ở Mường Lát (Thanh Hóa), trong một khu bảo tồn, tức thì tấm ảnh và câu chuyện ấy chấn động cả nước. Các nhà khoa học quốc tế cũng phải bay đến Việt Nam, để tận mắt bức ảnh, rồi luồn rừng tìm xem có thấy dấu chân hổ hay không.

Chục năm trước, các nhà khoa học tự nhiên dự đoán rằng, ở Việt Nam còn khoảng 200 con hổ hoang dã, nhưng lúc chúng ở Việt Nam, lúc di cư sang Lào.

Bây giờ, chẳng ai có thể đưa ra được con số dự đoán về hổ hoang dã. Có thể chẳng còn con nào ở Việt Nam cả. May chăng, ở vùng giáp biên với Lào, thi thoảng có hổ từ rừng Lào rẽ sang lãnh thổ Việt Nam du ngoạn mà thôi.
Đoàn thám hiểm vào rừng Thượng Lâm tìm dấu vết hổ 
Tôi cùng người rừng Trần Ngọc Lâm, từng đi khắp Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, nơi núi đồi hình yên ngựa, từng là lãnh địa của cọp, nhưng đi đến đâu, cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu của đám thợ săn: “Hai mươi năm nay không thấy ông cọp nào cả”.

Ông Lâm bảo, khắp rừng Mường Nhé là dấu chân lợn, thi thoảng lại gặp hang ổ tê tê, thì nhất định không có cọp.

Dài dòng một chút như vậy, để bạn đọc hiểu rằng, thông tin có hổ hoang dã trong rừng thẳm ở Tuyên Quang, vùng đất không xa lắm, núi đồi không quá hiểm trở, thì quả là khó tin. Biết đâu, đó chỉ là lời đồn, hay chỉ là nhìn gà hóa quốc của đám thợ săn kia.

Cũng có thể họ thông tin bịa đặt như vậy, để đại gia tiếp tục chi tiền cho đám thợ săn vào rừng lùng chúa tể rừng xanh.

Huyện Lâm Bình tách ra từ mấy xa sâu xa, nghèo nhất của hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa, nơi đầu nguồn của hồ thủy điện Na Hang, giáp với vùng Bắc Mê núi đá hoang thẳm của Hà Giang.

Video đánh nhau với hổ

Đường lên Lâm Bình giờ rải nhựa phẳng phiu, xe chạy phăm phăm vài giờ là đến. Xã Thượng Lâm như miền cổ tích, với núi đá nhấp nhô, rừng rú hoang rậm. Những thân nghiến ngàn năm tuổi bấu vào đá, trồi lên như những quả nấm xanh thẫm.

Điều khá ngạc nhiên, là vùng đất này núi đá vôi không cao, chỉ nhô lên so với mặt nước biển vài trăm mét, đường đi cũng thuận tiện, mà rừng rú thì lại hoang rậm như thế.

Tôi chợt nhớ đến lời ông Nguyễn Sáng Vang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang (hiện là Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương), khi mỗi lần về Lâm Bình quê ông, về với đồng bào bản làng, ông thường mang theo câu nói quen thuộc: “Chúng ta có cạo trọc rừng thì chúng ta cũng không thể giống đồng bằng được. Chúng ta muốn sống được ở trên núi, thì phải giữ được rừng. Mất rừng thì hết đất sống”.

Về Lâm Bình, tôi lại được nghe chuyện kể từ anh Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, rằng năm 2014, huyện đã xử lý hình sự mấy vụ nhổ cỏ nhung. Ở nơi khác, người dân vào rừng nhổ cỏ nhung, còn gọi là cỏ kim cương thoải mái, nhưng ở Lâm Bình, bất kỳ ai vào rừng, dù nhổ cây cỏ bằng cái tăm, cũng bị xử lý hình sự.

Chuyện giữ rừng nghiêm túc như ở Tuyên Quang, có vẻ như chuyện trong cổ tích ở xứ Việt mình. Nhờ sự kiên quyết của chính quyền, mà hiện rừng ở Tuyên Quang có độ che phủ trên 60%, nhiều nhất Việt Nam.

Dù rừng rú có hoang rậm, việc bảo vệ rừng có nghiêm túc thế nào, thì chuyện có hổ ở Tuyên Quang, vùng núi không cao lắm, cũng vẫn rất khó tin.

Đặc biệt, khi hỏi các cán bộ rừng phòng hộ Lâm Bình, về loài hổ, tôi đều nhận được những cái lắc đầu: Không có, không biết.

Dò hỏi suốt một ngày, ở các cơ quan kiểm lâm, không có thông tin gì về hổ, tôi xuống thuyền du ngoạn dọc hồ Na Hang, xuyên lên tận vùng Bắc Mê thuộc đất Hà Giang.

Đang lênh đênh hồ, thấy tôi trò chuyện về hổ báo, anh Chẩu Văn Hoản, người lái đò bảo: “Các anh đi tìm hổ à? Giời ạ! Tôi vừa suýt mất mạng vì hổ đây. Thề có ông bà tổ tiên, thần rừng, thần núi, con hổ to như con bê đứng ngay cạnh tôi”.

Lời kể của anh Hoản, cùng khuôn mặt lộ vẻ sợ hãi khiến câu chuyện thêm hào hứng.

Anh Chẩu Văn Hoản là người Tày, ở xã Thượng Lâm, làm nghề thả cạm đánh cá trên hồ thủy điện Na Hang, rỗi rãi thì dùng thuyền máy chở khách du ngoạn lòng hồ.

Vợ chồng anh dựng túp lều bên kia hồ, thuộc xã Khuôn Hà, rồi thả đàn dê, bò trên núi.
Căn lều và nhà nổi của anh Hoản trên hồ Na Hang, nơi anh giáp mặt hổ 
Hôm đó cận Tết âm lịch 2015, vào lúc sáng tinh sương, chưa đến 6 giờ, khi mặt hồ Na Hang lảng bảng sương khói, vợ chồng anh thức dậy xuống hồ nhấc cạm bẫy tôm cá.

Chui ra khỏi lều, mắt nhắm mắt mở, vươn vai, bỗng nghe tiếng “à ừm”. Nhìn sang bên phải, anh Hoản chết đứng khi thấy cách anh chừng 20m, là con hổ vằn, to như con bê, đứng bên tảng đá, mép hồ, đầu chúi xuống, nhìn anh gườm gườm.

Sau phút hoảng hốt, anh Hoản gọi vợ dậy. Khi vợ vừa ló đầu ra khỏi lều, thì anh cầm tay vợ giật mạnh, kéo nhau nhảy tót xuống thuyền, đẩy ra xa.

Chèo thuyền ra cách bờ chừng 20m, vợ chồng anh Hoản mới hoàn hồn. Mãnh chúa rừng xanh tiếp tục uống nước, rồi đi một vòng quanh túp lều, nơi hai vợ chồng anh cư ngụ. Nó đạp đổ cả lọ nhớt, dẫm lên nhớt, rồi lững thững đi vào rừng sâu.

Đợi con cọp đi hẳn, anh Hoản mới chèo thuyền vào bờ. Nhìn dấu chân hổ dính nhớt theo hướng vào rừng sâu mà anh Hoản hãi hùng không tin được.

Theo lời anh Hoản, mấy ngày trước dấu chân và dấu nhớt do con hổ bôi ra vẫn còn, nhưng sau mấy trận mưa thì nhòe nhoẹt rồi biến mất hẳn.

Anh Hoản bảo: “Lâu nay, thi thoảng anh em chèo thuyền, đánh cá dưới hồ thủy điện Na Hang vẫn bảo nhìn thấy bóng dáng cọp trong rừng, lúc ở xã Khuôn Hà, lúc ở xã Thượng Lâm, nhưng tôi không tin lắm. Ai ngờ, chính tôi được tận mắt, được giáp mặt con cọp này. Giờ thì tôi khẳng định trong rừng vẫn còn cọp.

Sau hôm gặp cọp, chỉ có ban ngày tôi mới dám sang xã Khuôn Hà để kiểm đếm dê, bò, chứ đêm thì về Thượng Lâm ngủ, không dám ở túp lều bên kia hồ nữa. Cũng lạ là con hổ này chưa bắt dê, bò nhà tôi lần nào”.

Còn tiếp…

Video hổ hoang dã bay lên lưng voi vồ người

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn