Theo Sputnik, chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nối lại các chương trình hợp tác với Washington sau vụ bê bối AUKUS bất chấp những ý kiến phản đối trong dư luận nước này. Và lý do Paris đưa ra chính là hai quốc gia cần đến nhau trong việc "giải quyết" các vấn đề toàn cầu.
Gabriel Attal – người phát ngôn chính phủ Pháp cho biết: "Cần phải khởi động lại hợp tác song phương với người Mỹ, vì cả chúng ta và họ đều cần phải hợp tác để giải quyết các vấn đề chung, như biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống khủng bố".
Ông Attal cũng nhấn mạnh rằng hai nước sẽ cần khôi phục lòng tin vốn đã bị "hủy hoại" bởi thỏa thuận AUKUS, đồng thời thừa nhận rằng để mối quan hệ Pháp – Mỹ có thể quay lại như trước là "con đường" không hề dễ đi cũng như mất rất nhiều thời gian.
Quan hệ giữa một bên là Pháp và một bên là Mỹ, Anh và Australia đã giảm mạnh xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ sau khi thỏa thuận an ninh AUKUS được ký kết, cùng với đó là việc Australia từ bỏ hợp đồng hạt nhân trị giá 65 tỷ USD với Paris.
Theo đó, Australia quyết định mua các tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ hoặc Anh thay cho các tàu ngầm diesel-điện từ Pháp. Đáng nói hơn là Australia sẽ có quyền tiếp cận các công nghệ để chế tạo tàu ngầm hạt nhân từ đồng minh AUKUS.
Điều khiến Pháp thực sự tức giận là việc họ bị chính Mỹ và Anh qua mặt, Paris không hề được báo trước về việc Australia sẽ rút khỏi hợp đồng tàu ngầm. Ngay cả liên minh quân sự NATO cũng không được thông báo về việc này.
Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ rạn nứt, một số chính trị gia đối lập của Pháp đã thúc giục Paris nên cân nhắc đến việc rút khỏi NATO, bởi họ đã mất hết lòng tin sau "cú đâm sau lưng" từ chính đồng minh.
Được biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp sẽ có cuộc hội đàm bên thềm hội nghị thượng đỉnh G20, tại Rome vào thứ 6 (31/10) tuần sau.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cho rằng "sự thất vọng" của Paris đối với thỏa thuận AUKUS có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới, và cho biết Canberra hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ được bình thường hóa sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác đều tỏ ra lo ngại liên minh AUKUS sẽ tác động không tốt đến an ninh khu vực, khi thỏa thuận này có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.
Bình luận