• Zalo

Phải nhắm mắt đặt lệnh vì HoSE ‘đơ toàn tập’, nhà đầu tư chứng khoán nổi giận

Tài chínhThứ Tư, 09/06/2021 06:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dò dẫm, thậm chí là phải "nhắm mắt" đặt lệnh khi tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE triền miên xảy ra, nhiều nhà đầu tư mất hết kiên nhẫn, bày tỏ sự bức xúc cực độ.

Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, đưa thanh khoản tăng cao kỷ lục khiến hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nghẽn lệnh triền miên. Bảng điện tử “đứng hình”, số liệu chậm cập nhật khiến nhà đầu tư đặt lệnh chứng khoán như nhắm mắt đánh cược.

Tình trạng này không phải diễn ra một, hai ngày mà đã nhiều tháng nay, tuy nhiên, mật độ dày đặc nhất là từ hai tuần qua, thời điểm chứng khoán Việt tăng kỷ lục. Từ ngày 2/6, các công ty chứng khoán làm điều chưa từng có trong lịch sử, đó là tạm dừng tính năng huỷ/sửa lệnh với các mã giao dịch trên HoSE để giảm tải hệ thống. Nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc kỹ trước khi đặt lệnh, kiên nhẫn chờ kết quả khớp lệnh HoSE trả về.

Chính điều này khiến nhà đầu tư chứng khoán chịu thiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm lực tài chính của họ. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận đưa tiền, cổ phiếu vào cuộc đua khớp lệnh bằng mọi giá khi thấy cơ hội. Tuy nhiên, làm như vậy, nhà đầu tư có thể bị bán rẻ, mua đắt vì giá cổ phiếu thay đổi từng giây trên thị trường chứng khoán. Có người chỉ còn một cách duy nhất là nhắm mắt bán. Cứ đặt giá thị trường khớp được ở đâu thì khớp, chấp nhận thua lỗ để chạy thoát khỏi thảm cảnh này.

Bức xúc lên đỉnh điểm, trút giận vào lãnh đạo HoSE

Phiên giao dịch ngày 8/6 vừa khép cửa, chỉ số Vn-Index đã có một pha giảm điểm rất mạnh (mất gần 39 điểm, tương đương 2,86%). Hàng loạt các cổ phiếu tăng nóng thời gian qua, đặc biệt nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép giảm sàn la liệt.

Phải nhắm mắt đặt lệnh vì HoSE ‘đơ toàn tập’, nhà đầu tư chứng khoán nổi giận - 1

Chứng khoán giảm sốc trong khi sàn "tê liệt" khiến nhà đầu tư nổi giận. (Ảnh minh họa)

Nhưng, sự điều chỉnh của thị trường không phải là điều khiến nhà đầu tư thất vọng và nổi giận. Nguyên nhân chính là sự tê liệt toàn tập trong thời gian dài của phiên giao dịch khiến họ mất hết kiên nhẫn, không thể chờ đợi, đành nhắm mắt bán tháo mà không biết giá cổ phiếu trên thị trường đang ở mức nào. 

Cụ thể, hệ thống nhiều công ty chứng khoán ngày 8/6 bị gián đoạn, phải dừng hoạt động để sửa lỗi vào giữa phiên. Trong khi đó, việc gửi lệnh tới HoSE tiếp tục gặp tình trạng chậm phản hồi, khó khăn trong việc nhập lệnh.

Bảng giá các công ty chứng khoán cũng không phản ánh chính xác giao dịch của cổ phiếu, khi mức giá khớp lệnh sai lệch so với các lệnh mua bán hiển thị. Đồ thị không phản ánh xu hướng chính xác của thị trường, thay vào đó là những đường đi ngang, gấp khúc. VN-Index và thanh khoản của thị trường không nhảy số, chỉ số này đứng yên trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Hiện tượng bảng điện “đóng băng” đã khiến nhà đầu tư khó theo dõi diễn biến thị trường cũng như đặt lệnh giao dịch. 

Phiên giao dịch vừa kết thúc, trên khắp diễn đàn về chứng khoán, đâu đâu cũng thấy nhà đầu tư bày tỏ sự phẫn nộ. Thậm chí một số tài khoản kêu gọi Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) tạm ngừng giao dịch và lãnh đạo HoSE từ chức.

“Đề nghị ông Trà (Lê Hải Trà - Tổng giám đốc HoSE) từ chức. Chúng tôi không thể chấp nhận cách làm việc của ông với tư cách nhà đầu tư chứng khoán”, một nhà đầu tư đề nghị.

"Bảo cải thiện mà mãi không được. Biết là khó thế thì dừng hệ thống vài tháng đi mà cải tiến?", nickname caotuantuvi đặt câu hỏi.

Trong khi đó, nhiều nhà giao dịch còn nêu vấn đề "việc không cho nhà đầu tư huỷ lệnh, sửa lệnh là đúng hay sai. HoSE và các công ty chứng khoán có trách nhiệm gì trong việc này?". Theo một số nhà giao dịch chuyên nghiệp, không cho nhà đầu tư huỷ lệnh, sửa lệnh là sai luật nhưng nhà đầu tư vẫn phải cắn răng mà chịu vì nếu có phản ánh cũng theo kiểu “được vạ má đã sưng”, hoặc “con kiến mà kiện củ khoai”.

Thực tế đây không phải lần đầu HoSE xảy ra tình trạng “đơ toàn tập”. Phiên giao dịch sáng 1/6, hệ thống giao dịch của HoSE cũng đã gặp trục trặc, bảng giá không hiển thị đúng giá trị và khối lượng cổ phiếu khớp lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc. Tình trạng nghiêm trọng đến mức phiên chiều, HoSE đã phải đóng cửa giao dịch vì quá tải.

Trước đó, theo ông Lê Hải Trà, hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020. Trong những phiên gần đây, lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh, gây ra tình trạng tắc, nghẽn. HoSE đang khẩn trương nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, thông suốt.

Tuy vậy, lập luận của lãnh đạo HoSE không làm thỏa mãn các nhà đầu tư. Họ cho rằng đây là “giải thích kiểu cho qua trong khi ảnh hưởng lớn đến uy tín và tiền bạc của nền kinh tế và hàng triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ”.

"Đây là một phần khiến chứng khoán Việt Nam giảm sức hấp dẫn với cá nhân, tổ chức nước ngoài, điển hình là việc bán ròng trong nhiều phiên gần đây của họ", một nhà đầu tư kết luận.

VN-Index hôm nay 9/6 thế nào?

Nhận định về thị trường hôm nay, Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, có một điều chắc chắn rằng các yếu tố rủi ro trên thị trường vẫn đang ở mức cao, mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu vẫn ở mức cao dù trải qua hai phiên điều chỉnh.

"Chúng tôi một lần nữa duy trì khuyến nghị giảm tỷ trọng, hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, sau hai giảm điểm vừa qua thì giá của nhiều cổ phiếu đã được chiết khấu khá sâu. Vì vậy, trong phiên giao dịch 9/6, nếu thị trường một lần nữa xuất hiện trạng thái hoảng loạn, chúng tôi kiến nghị nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh và chờ đợi thời điểm thị trường hồi phục để giảm tỷ trọng", chuyên gia CSI khuyến cáo..

Trong khi đó, chuyên gia của MBS dự đoán, thị trường đã giảm gần 60 điểm trong hai phiên vừa qua khi nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn trong giao dịch và chủ yếu phải dùng lệnh MP để đặt lệnh. Về kỹ thuật, sau nhịp giảm mạnh, thị trường thường có những phiên hồi kỹ thuật, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số tại vùng 1.300-1.315 điểm.

Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên tập trung cho các vị thế ngắn hạn và có thể mua trading một phần tỷ trọng khi điều chỉnh về lại hỗ trợ.

Theo nhóm chuyên gia đến từ Chứng khoán Asean SC, việc thị trường tăng nóng trong thời gian qua đã kích hoạt tâm lý chốt lời trên diện rộng trong phiên giao dịch.

Do đó trong phiên giao dịch tới, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần xung quanh MA20 ngày tại 1.300 – 1.310 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.280 – 1.290 điểm.

“Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, báo cáo của Asean SC viết.

Chốt phiên giao dịch 8/6, chỉ số VN-Index giảm 38,90 điểm, đóng cửa ở mức 1.319,88. Thanh khoản HoSE ở mức gần 925 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 30.300 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá 321 mã giảm trong khi chỉ có 94 mã tăng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. Trên HNX, HNX-Index giảm 12,24 điểm xuống 306,39 điểm. UPCoM-Index giảm 2,66 điểm xuống 86,4 điểm.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn