• Zalo

PGS Văn Như Cương lo lao động Việt Nam mất việc ngay trên ‘sân nhà’

Giáo dụcThứ Ba, 12/01/2016 12:16:00 +07:00Google News

PGS Văn Như Cương cho rằng khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT đề xuất vẫn chưa giải quyết được vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”

(VTC News) – PGS Văn Như Cương cho rằng khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT đề xuất vẫn chưa giải quyết được vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” ở Việt Nam những năm qua.

Sau khi Bộ GD-ĐT trình Chính phủ Đề án Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân,  trao đổi với VTC News, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng những thay đổi này còn quá ít ỏi, trong khi việc phân luồng không thể hiện rõ nét.
Bộ GD-ĐT đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới
Bộ GD-ĐT đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới  

PGS Văn Như Cương cho rằng việc đề xuất giáo dục đại học khi đề giảm thời gian học đại học chỉ còn từ 3-4 năm, bậc cao đẳng còn từ 2-3 năm là phù hợp với chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, sự thay đổi này còn rất ít ỏi.

Trong khi đó, giáo dục phổ thông từ tiểu học tới THPT cơ bản vẫn giữ nguyên số năm học. Bậc tiểu học và THCS là bậc cốt lõi giống nhau thống nhất trong toàn quốc.

Riêng bậc THPT có sự phân hóa, được chia thành ba hướng “định hướng chung”, “định hướng kĩ thuật-công nghệ”, “định hướng năng khiếu”.

Ông Cương cũng đặc biệt chú ý tới nội dụng: “Với những học sinh muốn ra đời sớm thì có thêm hệ thống trường trung cấp dạy nghề, cao đẳng dạy nghề (ra nghề sớm hơn so với hiện tại).

“Tuy nhiên, số  học sinh học phổ thông ra nghề sớm thì định hướng tỉ lệ bao nhiêu là phù hợp?” PGS. Văn Như Cương băn khoăn.
PGS Văn Như Cương cho rằng cần phải phân luồng tỷ lệ cụ thể hơn nữa
PGS Văn Như Cương cho rằng cần phải phân luồng tỷ lệ cụ thể hơn nữa 

Việc phân luồng sau bậc THCS cần phải làm rõ hơn. Trong đó, cơ cấu hệ thống  cần định ra tỷ lệ nhiêu học hết cấp THCS để có thể tiếp tục học cấp THPT theo theo ba hướng  “định hướng chung”, “định hướng kĩ thuật-công nghệ”, “định hướng năng khiếu”.

Số lượng còn lại đi học nghề để đào tạo ra công nhân có tay nghề cũng cần phải làm rõ tỷ lệ.

Trong khi đó, trong bậc THPT đi theo ba hướng thì hướng “định hướng chung”, hướng “kĩ thuật công nghệ” hướng “năng khiếu” cũng cần quy định cụ thể tỷ lệ.

PGS Văn Như Cương lo lắng nếu không có sự phân luồng cụ thể thì rất ít học sinh đi học nghề vì tâm lý vẫn chuộng “phải vào được đại học”. Ông Cương lưu ý trước đây hệ thống giáo dục cũng đã phân ban, có ban A, ban B, ban C nhưng đã thất bại.

Vị Chủ tịch hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng cần phải tham khảo hệ thống giáo dục của Đức. Ngay sau bậc THCS, học sinh ở Đức được chia thành hai luồng, luồng học lên phổ thông và luồng đi vào học nghề. Những học sinh học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn và vẫn được học lên bậc cao nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, khung cơ cấu hệ thống giáo dục của Bộ GD-ĐT mới đề xuất không thể hiện rõ điều đó.

Vì vậy, thực trạng được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây là hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp trong khi đó Việt Nam vẫn thiếu những lao động có tay nghề. Khi hội nhập vào cộng đồng ASEAN, lao động Việt Nam chỉ làm được những công việc lao động đơn giản trong khi lao động ở Singapore, Malaysia, Thái Lan… sẽ chiếm được những công việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao, thu nhập cao hơn.

“Lao động Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi lao động các nước ASEAN tràn sang”, PGS Văn Như Cương cảnh báo.

Vì vậy, ông Cương cho rằng khi đề xuất khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cũng cần phải giải quyết được vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ” đang xảy ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn