• Zalo

Ông Tập Cận Bình: Nỗ lực chống lũ ở Trung Quốc đang rất khó khăn

Thời sự quốc tếThứ Năm, 22/07/2021 10:26:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trên truyền hình quốc gia sau khi miền trung nước này hứng chịu lượng mưa của cả năm chỉ trong 3 ngày.

Các dịch vụ tàu xe bị đình chỉ trên khắp Hà Nam - một tỉnh trung tâm hậu cần của Trung Quốc với dân số khoảng 100 triệu người. Các đường cao tốc cũng bị đóng cửa và các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy.

Ít nhất 25 người chết tại khu vực do lũ lụt tính đến nay, trong đó 12 người là hành khách trên tàu điện ngầm.

Trong khi đó, nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống đang trở nên cạn kiệt cho hàng trăm hành khách bị mắc kẹt trên chuyến tàu dừng ngay ngoài giới hạn thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam hôm 20/7.

Hàng chục thành phố khác của tỉnh cũng đang ngập nặng.

Ông Tập Cận Bình: Nỗ lực chống lũ ở Trung Quốc đang rất khó khăn - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: CNBC)

"Các nỗ lực phòng chống lũ lụt đã trở nên rất khó khăn", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết. Ông yêu cầu các cơ quan chức năng ưu tiên sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời hết sức ngăn chặn các thảm họa tiếp theo có thể xảy ra.

Hàng chục hồ chứa, đập ở khu vực đã bị vỡ mức độ nguy hiểm.

Chính quyền địa phương cho biết lượng mưa gây ra vết thủng 20 mét ở đập Yihetan, thành phố Lạc Dương, phía tây Trịnh Châu và con đập có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Hồ chứa Guojiazui cũng đã bị vỡ nhưng vẫn chưa xảy ra sự cố vỡ đập.

Các công ty Trung Quốc, hãng bảo hiểm và một ngân hàng do nhà nước hậu thuẫn cho biết họ đã quyên góp và viện trợ khẩn cấp cho chính quyền địa phương ở Hà Nam lên tới 1.935 tỷ nhân dân tệ (299 triệu USD).

Thảm họa tàu điện ngầm

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về vụ 12 người chết và hơn 500 người được sơ tán sau khi một đường hầm tàu ​​điện ngầm bị ngập. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những người đi tàu chìm trong làn nước sâu đến ngực trong bóng tối và một nhà ga biến thành vũng nước lớn.

"Nước ngập đến ngực tôi", một người sống sót viết trên mạng xã hội. "Tôi thực sự sợ hãi, nhưng điều đáng sợ nhất không phải là nước, mà là nguồn không khí giảm dần trong toa".

Ông Tập Cận Bình: Nỗ lực chống lũ ở Trung Quốc đang rất khó khăn - 2

Hành khách đi tàu điện ngầm bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: Sky News)

Do mưa lớn, một số dịch vụ xe buýt tại thành phố 12 triệu dân đã ngừng chạy, theo Guo, một người dân phải ngủ ở văn phòng. "Đó là lý do tại sao nhiều người đi tàu điện ngầm, và thảm kịch đã xảy ra", Guo nói.

7 người khác đang mất tích trong các trận lũ lụt.

Theo dự báo, mưa vẫn sẽ tiếp tục trút xuống, nhiều hơn, trên khắp Hà Nam trong 3 ngày tới. Quân đội Trung Quốc đã cử hơn 5.700 binh sĩ và nhân viên đến tìm kiếm cứu nạn.

Cơ quan thời tiết Trịnh Châu cho biết lượng mưa trong 3 ngày qua có thể nói là "một nghìn năm mới có một lần".

Trường học, bệnh viện mất điện

Các trường học và bệnh viện bị mất điện và người dân kéo đến trú ẩn trong các thư viện, rạp chiếu phim và viện bảo tàng.

Một nhân viên họ Wang tại Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Trịnh Châu cho biết: “Chúng tôi có tới 200 người ở mọi lứa tuổi đang tìm tới trú ẩn tạm thời. Chúng tôi đã cho họ mì gói và nước nóng. Họ đã qua đêm trong một phòng họp lớn".

Sau khi Bệnh viện số 1 Trịnh Châu, bệnh viện lớn nhất của thành phố, mất điện toàn bộ, các quan chức đã phải chạy đua để tìm phương tiện vận chuyển khoảng 600 bệnh nhân nặng.

Ông Tập Cận Bình: Nỗ lực chống lũ ở Trung Quốc đang rất khó khăn - 3

Hà Nam, Trung Quốc hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong nhiều năm. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tỉnh Hà Bắc lân cận trong khi đó đang ban hành cảnh báo bão cho một số thành phố, bao gồm cả Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh, với mức cảnh báo mưa vừa đến mưa to từ hôm 21/4.

Giống như các đợt nắng nóng gần đây ở Mỹ và Canada và lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Âu, lượng mưa ở Trung Quốc gần như chắc chắn có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu, các nhà khoa học nói với Reuters.

Johnny Chan, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Thành phố Hong Kong cho biết: “Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai. Điều cần thiết là các chính phủ phải phát triển các chiến lược để thích ứng với những thay đổi như vậy".

Phương Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp