Trước thềm Đại hội VFF khóa VIII, VTC News phỏng vấn ông Ngô Tử Hà, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Trưởng ban tổ chức V-League nhiệm kỳ 3 (1997-2001), người đã tham gia điều hành bóng đá Việt Nam từ khi chưa có VFF.
PV - Trước thềm đại hội VFF khóa VIII, vấn đề nhân sự đang rất nóng và phức tạp?
Ông Ngô Tử Hà: Đúng là những câu chuyện bên lề đang tạo ra cảm giác khá lộn xộn. Các ông bầu nên đoàn kết lại, bắt tay nhau vì cái chung chứ đừng vì cá nhân mà gây bất bình. Tiếng nói của các anh rất có trọng lượng, hãy dùng tiếng nói đó để phát triển bóng đá.
- Chúng tôi từng liên hệ với đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch để hỏi về vấn đề nhân sự của Đại hội VFF khóa VIII nhưng Bộ không đưa ra bình luận gì. Ông nghĩ sao về điều này?
Tại hội thảo Phát triển bóng đá Việt Nam dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tôi đã nêu, Đại hội VFF khóa VIII phải tăng cường việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Lúc này Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tổng cục TDTT mà “né” thì không nên.
Tất nhiên, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Nhà nước không can thiệp sâu nhưng có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của VFF. Khi VFF sai lệch, phải uốn nắn vì bóng đá có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội Việt Nam. Thời anh Hà Quang Dự làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT, phát huy tốt điều này.
Cả 7 nhiệm kỳ vừa qua, các cán bộ chủ chốt của Liên đoàn đều do ngành TDTT giới thiệu ra tranh cử và thực chất số cán bộ này luôn là nòng cốt và hoàn thành tốt vai trò của mình.
- Để có được bộ máy VFF mới hoạt động hiệu quả, Đại hội lần này phải làm gì, thưa ông?
Thành phần đại biểu quyết định kết quả bầu cử. Hiện nay có 66 đại biểu và cho đến lúc này không khó đếm trên đầu ngón tay, ai sẽ bỏ phiếu cho ai.
Về cơ cấu ban chấp hành phải có sự cân đối. Hiện nay, thành phần không có chuyên môn bóng đá rất nhiều, còn những người có chuyên môn bóng đá quá ít. VFF cần có sự tham gia của các thành phần trong xã hội như doanh nhân, luật sư… nhưng yếu tố nghề nghiệp vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra, Chủ tịch VFF và các Phó Chủ tịch phải là một ê kíp đồng nhất, đoàn kết cao, bổ sung, hợp tác vì mục đích chung là phát triển bóng đá Việt Nam. Chứ bây giờ Chủ tịch và Phó Chủ tịch bất đồng, thiếu hợp tác thì làm việc sao được. Điều này từng xảy ra rồi.
Thời gian vừa qua, có nhiều điều tiếng xung quanh các ứng viên Phó Chủ tịch. Theo tôi, tân Chủ tịch VFF cần phải quyết tâm thay máu những vị trí này. Những người già cỗi, trên dưới 70 tuổi, từng gặp điều tiếng, nên nghỉ cho lớp trẻ làm.
- Theo ông, VFF nhiệm kỳ VIII cần Chủ tịch như thế nào? Người nhà nước hay doanh nhân?
Trong 7 nhiệm kỳ vừa qua, có 6 nhiệm kỳ, Chủ tịch VFF là người nhà nước. Từ ông Trịnh Ngọc Chữ, ông Đoàn Xê, ông Mai Văn Muôn, ông Hồ Đức Việt, ông Mai Liêm Trực đến ông Nguyễn Trọng Hỷ. Duy nhất khóa 7, ông Lê Hùng Dũng là doanh nhân nhưng cũng xuất thân là người nhà nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch VFF kỳ này là người nhà nước hay doanh nhân không quan trọng mà cốt yếu phải là người chững chạc, có uy tín lớn trong xã hội cùng kinh nghiệm quản lý dày dạn. Thêm vào đó, khả năng vận động tài trợ, tập hợp nguồn lực để phát triển bóng đá Việt Nam, sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch VFF, vì thế, phải đủ quyết tâm thực hiện bằng được những mục tiêu đề ra. Thậm chí, dũng cảm từ chức khi thất bại.
Nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà
Chưa bao giờ cuộc đua cho vị trí lãnh đạo VFF lại đáng chú ý như hiện nay. Các ứng cử viên đa dạng, có trình độ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trước và trong đại hội, họ cần thể hiện rõ quan điểm và kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam lâu dài cũng như trong từng giai đoạn thật rõ ràng để các đại biểu tham khảo, đưa ra lựa chọn chính xác.
Từ đó, ban chấp hành VFF và bóng đá Việt Nam sẽ có cơ sở để so sánh, đánh giá kết quả thực tiễn với những lời hứa ngày nhậm chức.
Chủ tịch VFF, vì thế, phải đủ quyết tâm thực hiện bằng được những mục tiêu đề ra. Thậm chí, dũng cảm từ chức khi thất bại. Đó sẽ là bước tiến đáng ghi nhận cho Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ VIII.
Thời bao cấp, chúng tôi ví bóng đá như thùng lương khô. Bây giờ, nhiều người coi bóng đá là miếng phô mai. Có người vào để kiếm lợi ích vật chất. Lại có người vào lấy danh. Song quá ít người có đóng góp thực sự để phát triển bóng đá Việt Nam. Giống những gì tôi từng viết trong cuốn tự truyện “Trái bóng lăn giữa đời tôi”, rằng “những người làm bóng đá hiện nay, thợ vẽ quá nhiều còn thợ xây quá ít”.
Mong nhiệm kỳ tới, sẽ thật nhiều thợ xây.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận