• Zalo

Ông Mai Liêm Trực: 'Ghế chủ tịch VFF không phải chỗ kiếm lời'

Thể thaoThứ Năm, 01/03/2018 21:09:00 +07:00Google News

Đó là quan điểm của ông Mai Liêm Trực - nguyên Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giai đoạn 2003-2005, người có câu nói nổi tiếng: "Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội".

Dự kiến đầu tháng 4 tới, Đại hội VFF nhiệm kỳ 2018-2022 sẽ diễn ra với nội dung quan trọng nhất là tìm ra người đứng đầu tổ chức này. Hiện các tổ chức, liên đoàn thành viên đã tiến cử ứng viên cho vị trí đứng đầu VFF, đang chờ hoàn thiện thủ tục xét duyệt hồ sơ trước khi được ra bầu tại đại hội chính thức.

Vấn đề tiêu chí xét chọn tân chủ tịch VFF trở nên được quan tâm đặc biệt, đồng thời là cơ sở để "cân-đo-đong-đếm" giữa các ứng viên trước giờ bỏ phiếu.

Doanh nhân hay chính khách?

Một vấn đề không mới nhưng tiếp tục trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng trước thềm đại hội VFF đó là việc nên chọn doanh nhân hay chính khách cho vị trí chủ tịch VFF. 

uy-vien-bch-vff-nguyen-hong-thanh-mot-tin-hieu-vui-tich-cuc4

Ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng doanh nhân hay chính khách đều được, miễn là xứng đáng. 

Đóng góp ý kiến với tư cách người hơn 50 năm lăn lộn cùng bóng đá nước nhà, chuyên gia Lê Thụy Hải nêu quan điểm: "Chủ tịch VFF nên chọn người có tiếng nói, tiếng nói chung về mọi mặt chứ không chỉ trong địa hạt thể thao. Bởi khi có tiếng nói với Bộ chủ quản, với Nhà nước thì danh nghĩa chủ tịch VFF mới có giá trị và bóng đá mới nhờ vả được".

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch CLB SLNA, cho rằng doanh nhân hay chính khách làm chủ tịch VFF đều được, miễn là xứng đáng. Song theo "Khổng Minh xứ Nghệ", đại hội lần này sẽ không đơn giản vì trước đó chủ tịch VFF là doanh nhân, chính khách đều đủ cả nhưng bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề không thể giải quyết. Điều này tác động không nhỏ tới các đại biểu khi cân nhắc bỏ phiếu.

Tìm người dám dấn thân mới khó

Ông Mai Liêm Trực - nguyên Chủ tịch VFF giai đoạn 2003-2005, nêu quan điểm người đứng đầu VFF phải chịu được áp lực và phải dấn thân.

Kể lại chuyện sau khi xin rút khỏi vị trí chủ tịch VFF, từng mời rất nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương ngồi ghế kế nhiệm song không thành, ông Mai Liêm Trực cho rằng nếu tìm tân chủ tịch VFF chỉ để chống chế thì dễ, còn tìm người có tâm, dám dấn thân vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam mới khó.

mai-liem-truc07-1511797225450

 Cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực.

"Ghế Chủ tịch VFF không phải là chỗ để kiếm lời, để kiếm chức, để tiến thân mà là chỗ để dấn thân, để đam mê và làm việc phục vụ xã hội, còn nếu cứ né tránh, đùn đẩy thì bóng đá mình không bao giờ phát triển được", cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực nhắn nhủ.

Theo thông tin hé lộ, hiện đã có 4 ứng viên được tiến cử gồm: Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên Nguyễn Công Khế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Quý Phượng và Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa.

Mỗi ứng viên đều có mặt mạnh cũng như hạn chế nhất định, song nhìn chung đều là những cái tên vốn đã quá quen thuộc với làng bóng Việt.

Người hâm mộ vẫn đang kỳ vọng vào sự mới mẻ, như việc xuất hiện một ứng viên nặng ký khác, có thể là một chính khách có uy tín trong xã hội do Bộ VH-TT&DL giới thiệu. Trước đó tại đại hội VII, Bộ VH-TT&DL từng giới thiệu Thứ trưởng Lê Khánh Hải ứng cử, tuy nhiên ông Hải sau đó xin rút và ông Lê Hùng Dũng "một mình một ngựa" về đích.

Theo đề án nhân sự VFF nhiệm kỳ 2018-2022, ứng viên chủ tịch đáp ứng các điều kiện: Thứ nhất, có hiểu biết và kinh nghiệm về bóng đá đỉnh cao, có điều kiện tham gia các hoạt động bóng đá, có tư cách đạo đức và trách nhiệm công việc cao. Thứ hai, tốt nghiệp đại học trở lên, tâm huyết với bóng đá, có tư duy cải cách, uy tín cao trong xã hội, có khả năng tập hợp các thành viên trong ban chấp hành và tập hợp các nguồn lực xã hội để phát triển bóng đá. Thứ ba, có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý.

(Nguồn: An ninh Thủ đô )
Bình luận
vtcnews.vn