Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil, mã OIL) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với kết quả kinh doanh kém khả quan. Theo đó, doanh nghiệp đứng thứ hai về thị phần xăng dầu trong nước lỗ hơn 373 tỷ đồng trong ba tháng 7, 8 và 9 trong khi cùng kỳ lãi 57 tỷ đồng.
Nguyên nhân theo PVOil, 6 tháng đầu năm nay, giá dầu thế giới liên tục tăng, đặc biệt kể từ khi xảy ra chiến sự giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên từ cuối 6 - 9/2022, giá dầu thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát. Phù hợp với diễn biến giá thế giới, Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý III làm cho lãi gộp của PV OIL giảm sâu, trong khi các chi phí gia tăng.
Lỗ nặng trong quý III nhưng doanh thu thuần của PVOil lại tăng mạnh, đạt 25.962 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PV OIL đạt doanh thu thuần 79.617 tỷ đồng, gấp 2,1 lần và lãi sau thuế hơn 431 tỷ đồng.
Vẫn theo báo cáo, quy mô tài sản cuối quý III của PVOIL là 27.365 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 3.453 tỷ đồng cuối kỳ, giảm 35% sau một quý nhưng tăng 34% so với đầu năm. PV OIL hiện ghi nhận tổng nợ phải trả tại ngày 30/9 là 16.192 tỷ, trong đó nợ đi vay là 4.095 tỷ, chủ yếu là ngắn hạn.
Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của PVOIL ghi nhận âm gần 495 tỷ đồng do gia tăng khoản tồn kho và phải thu, cùng kỳ âm 873 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư là 511 tỷ đồng, trong khi dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 1.013 tỷ khiến lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng âm 996 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của PVOIL cũng liên tục lao dốc, giảm 47,8% từ đầu năm (1/1 - 28/1), tương ứng mỗi cổ phiếu mất 7.986 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ông lớn chiếm thị phần số 1 thị trường xăng dầu trong nước là Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, mã PLX) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, kết quả kinh doanh hợp nhất nửa đầu năm, Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 152.002 tỷ đồng, tăng 78,6% nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận 308,51 tỷ đồng, giảm 86,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 9% về chỉ còn 3,4%.
Riêng công ty mẹ lỗ 703,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 1.137,65 tỷ đồng. Theo Petrolimex, nguyên nhân thua lỗ do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ công bố biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.
Để đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thiết yếu của người dân cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh của doanh nghiệp, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng và trong các chu kỳ giá thế giới tăng cao Petrolimex đã phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp cho thiếu hụt từ nguồn cung ứng trong nước.
Thêm nữa, do giá bán xăng dầu trong nước từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn. Để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho nhà đầu tư, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thời điểm 30/6 trên cơ sở giá trị thuần có thể thực hiện được của lượng hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính với giá trị trích lập dự phòng là 1.259 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh gặp nhiều khó khăn song Petrolimex mới đây thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức 2021 bằng tiền với tỷ lệ 12%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng. Với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính PLX sẽ chi ra hơn 1.524 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán dự kiến từ 29/11.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp hiện đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 75,87%, tương ứng gần 982 triệu cổ phiếu. Cổ đông này sẽ nhận về gần 1.180 tỷ đồng tiền cổ tức từ PLX.
Trên thị trường, giá cổ phiếu PLX đứng mức 29.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm (1/1 - 28/10), cổ phiếu PLX giảm 46,2%, tương đương mỗi cổ phiếu "bay" 24.900 đồng. Với hơn 1,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường PLX bị "cuốn trôi" hơn 30.500 tỷ đồng.
Bình luận