• Zalo

Hạn mức tín dụng cho 16 doanh nghiệp xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng

Tài chínhThứ Sáu, 28/10/2022 19:27:26 +07:00Google News

Trong khi Bộ trưởng Công Thương cho rằng doanh nghiệp xăng dầu khó tiếp cận vốn, Thống đốc NHNN khẳng định hạn mức tín dụng chưa sử dụng vẫn còn 44.000 tỷ đồng.

Giải trình vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu trong tiếp cận tín dụng tại phiên thảo luận chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá chi tiết, cụ thể, phân tích những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bất cập trong cung ứng xăng dầu để có giải pháp phù hợp.

Với hoạt động tín dụng của ngân hàng, bà Hồng cho biết NHNN rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Tại chỉ thị đầu năm, Thống đốc cho biết đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Hạn mức tín dụng cho 16 doanh nghiệp xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng - 1

Hiện thị trường xăng dầu vẫn còn nhiều bất ổn. (Ảnh: Hoàng Hà).

Vào tháng 3, trước sự biến động phức tạp của thị trường xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng phải đáp ứng.

"Qua tổng hợp nhanh số liệu từ các ngân hàng, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu trong năm là 103.000 tỷ đồng, tuy nhiên mới sử dụng khoảng 58.000 tỷ đồng và hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng chứ chưa phải là hết", Thống đốc nhận định.

Đối với việc cung ứng ngoại tệ, tư lệnh ngành cho biết vừa qua cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước. Riêng 9 tháng đầu năm, đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn, Tập đoàn xăng dầu lượng ngoại tệ bán ra phải 10 tỷ USD.

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, nói về lĩnh vực điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động.

Hạn mức tín dụng cho 16 doanh nghiệp xăng dầu còn 44.000 tỷ đồng - 2

Theo Bộ trưởng Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến đứt gãy nguồn cung. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Trước đó, sáng 28/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.

"Room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá giao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp", ông Diên nói.

Theo ông, hiện nay doanh nghiệp xăng dầu đang rất cần nới trần vay, ưu đãi về lãi suất, chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản mới có thể duy trì được hoạt động.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bơm tiền cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.

Trong đó, ông lớn Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay tổng cộng trên 6.000 tỷ đồng doanh nghiệp đang vay từ các ngân hàng này để nhập khẩu xăng dầu (Vietcombank 2.500 tỷ, BIDV 2.500 tỷ và VietinBank 1.000 tỷ đồng).

Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, VietinBank bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.

Đặc biệt, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất 6 ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở LC với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn