Olympic Việt Nam không phải ông lớn
ASIAD 2018 là kỳ Á vận hội lần thứ 18 trong lịch sử, nhưng bóng đá nam Việt Nam tham gia sân chơi này mới là kỳ thứ 6. Trong 20 năm qua, kể từ ngày bước chân vào ngôi nhà thể thao châu lục, thành tích tốt nhất mà Olympic Việt Nam có được ở môn bóng đá nam là xếp hạng 12/29. Đây là thành tích được Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Miura tạo ra cách đây 4 năm sau khi giành vé vào vòng 1/8 với tư cách đội nhất bảng.
Nên nhớ, Olympic Việt Nam phải mất 2 kỳ (8 năm) mới ghi nổi bàn thắng đầu tiên ở sân chơi này. Đó là pha lập công của Công Vinh trong trận thua 1-2 trước Bahrain ở vòng bảng ASIAD 2006.
Rõ ràng, thành tích của bóng đá Việt Nam tại đấu trường ASIAD chẳng có gì để vỗ ngực. Và cũng không cần phải nói rộng tới châu lục, ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, chúng ta chưa có gì để… khoe.
Bóng đá Myanmar từng hai lần giành HCV Á vận hội vào năm 1966 và 1970 cùng một tấm HCĐ vào năm 1954. Malaysia 2 lần giành HCĐ vào năm 1962 và 1974. Indonesia cũng từng giành HCĐ vào năm 1958. Còn Thái Lan, 4 năm trước, họ chính là một trong bốn đội bóng lọt vào bán kết, tái lập kỳ tích của Á vận hội 2002.
Bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ trẻ tài năng bật nhất lịch sử. Ngôi Á quân giải U23 châu Á đã khẳng định điều đó. Thành tích ấy cho chúng ta tự hào, tự tin nhưng đừng vội lấy đó để tự xưng: mình là ông lớn của châu lục.
Chính HLV Park Hang Seo khẳng định, ông và các học trò phải làm việc 200% mới mong giữ được những gì đã có, đồng thời ông nhấn mạnh, từ U23 của giải châu lục hồi đầu năm đến U23+3 ở ASIAD tháng 8 này có sự khác biệt rất lớn. Bởi vậy, ông chỉ đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng rồi mới tính tiếp ở vòng knock-out.
Nhưng gánh triệu kỳ vọng trên vai
“U23 Việt Nam đã mang lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Nó như tình yêu đầu đời vậy. Chúng ta có quyền hy vọng và đặt ra mục tiệu giành huy chương môn bóng đá tại ASIAD tới!”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn từng chia sẻ.
Nhưng ông Phấn cũng thừa hiểu rằng, việc giành huy chương ở sân chơi khắc nhiệt như ASIAD không dễ chút nào. Thực tế chứng minh, 2 kỳ ASIAD gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành 1 tấm HCV (võ sĩ karate Bích Phương năm 2010 và Thúy Vi môn wushu năm 2014). Riêng với bóng đá nam, giành huy chương khó hơn gấp bội.
“Sau giải U23 châu Á, chúng em đều có thêm tự tin khi gặp các đối thủ mạnh của châu lục. Người hâm mộ Việt Nam cũng có thêm niềm tin và kỳ vọng với các cầu thủ”, thủ quân U23 Việt Nam Lương Xuân Trường nói.
“Giải đấu nào cũng có áp lực. Là HLV trưởng, tôi chịu áp lực nhiều nhất. Và sau giải U23 châu Á, tôi và các cầu thủ đều hiểu rằng, mong mỏi của người Việt Nam bây giờ cao như thế nào. Để đáp lại mong mỏi ấy, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình”, HLV Park Hang Seo chia sẻ.
4 năm trước, đoàn quân của HLV Miura hành quân sang Hàn Quốc dự Á vận hội trong sự lặng lẽ. Thời điểm ấy, người hâm mộ đang bị cuốn vào “cơn bão” U19 Việt Nam của lứa Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải… trên sân Mỹ Đình (giải U19 Đông Nam Á).
Cũng bởi vậy, những Mạc Hồng Quân, Trần Phi Sơn, Võ Huy Toàn, Ngô Hoàng Thịnh… không chịu nhiều áp lực. Và chính sự thoải mái đã giúp Olympic Việt Nam chơi tự tin, thăng hoa để rồi vùi dập ông lớn Iran 4-1 ngay trong trận ra quân, tạo nên cơn địa chấn của giải đấu.
Ngược lại, cách đây 1 năm, những tài năng trong “tâm bão U19” năm nào được kỳ vọng giành HCV SEA Games 29 song rút cuộc họ không vượt qua được áp lực và bị loại ngay từ vòng bảng.
Và cũng chính những tài năng ấy khi niềm tin (sau thất bại SEA Games) xuống thấp, kỳ vọng được vứt khỏi đôi vai đã thăng hoa để tiến đến ngôi Á quân châu lục.
Nhắc lại những điều ấy để người hâm mộ hiểu rằng, kỳ vọng đôi khi là thứ rào cản vô hình rất đáng sợ. Kỳ vọng lớn đặt trên những đôi vai nhỏ luôn trở thành gánh nặng.
Bình luận