• Zalo

Ô tô tranh chỗ người đi bộ ‘giày xéo’ vỉa hè, đá nào không vỡ

Ý kiếnThứ Tư, 03/01/2024 11:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vỉa hè đâu phải chỗ để ô tô “cày”, vậy mà nó bị loại xe này “giày xéo” khi tắc đường, hoặc bị biến thành bãi đỗ cho cả đoàn xe hơi, đá lát bền mấy cũng phải vỡ.

Đá lát vỉa hè mới thi công mấy năm đã nứt, vỡ là cảnh thường thấy ở Hà Nội. Có những đoạn đường, tuyến phố, người dân không nhớ đã là lần thứ mấy vỉa hè được bới lên để cải tạo, nhưng rồi chỉ ít lâu đã không còn nguyên lành. Người ta bàn nhiều về nguyên nhân, nào là chất lượng đá kém, thi công không chuẩn… nhưng còn một vấn đề nữa chắc chắn cũng góp phần khiến cho tuổi thọ của vỉa hè trở nên thê thảm: Dùng như phá.

Và ô tô chắc chắn là một trong những “lực lượng” phá vỉa hè mạnh nhất.

Cứ ra đường Hà Nội vào giờ cao điểm, ta sẽ dễ dàng gặp cảnh ô tô lao lên vỉa hè để len lên phía trước, mong mau chóng thoát ra khỏi vùng ùn tắc.

Có những đoạn vỉa hè oằn lưng cõng cả đoàn ô tô có khi dài hàng trăm mét bởi nó bị coi là bãi đỗ xe.

Liên tục bị hàng nghìn, hàng vạt lượt ô tô, mỗi cái nặng hàng tấn, giày xéo ngày này qua ngày khác, làm gì có loại đá nào chịu thấu mà đòi không nứt, không vỡ?

Việc tài xế ô tô leo lên vỉa hè để tăng tốc độ di chuyển chỉ là hành vi lén lút, tranh thủ lúc không có cảnh sát giao thông, hoặc những lúc cả cảnh sát giao thông cũng bất lực trước biển người, xe hỗn loạn giờ tan tầm. Còn vỉa hè bị biến thành bãi đỗ ô tô là chuyện ngang nhiên, công khai. Đây được coi là một giải pháp tình thế khi mà thành phố thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng.

Nhiều đoạn vỉa hè trở thành bãi đỗ xe. (Ảnh: Đắc Huy)

Nhiều đoạn vỉa hè trở thành bãi đỗ xe. (Ảnh: Đắc Huy)

Vỉa hè nhanh nát cũng có một phần nguyên nhân từ những chiếc ô tô. (Ảnh: Ngô Trần)

Vỉa hè nhanh nát cũng có một phần nguyên nhân từ những chiếc ô tô. (Ảnh: Ngô Trần) 

Nhưng vỉa hè đâu phải là chỗ cho ô tô “cày”. Chức năng của vỉa hè là tạo lối đi riêng cho người đi bộ dọc các tuyến đường, tách ra khỏi lối đi dành cho xe cộ, dù là xe thô sơ hay xe cơ giới, để giao thông thuận lợi và an toàn hơn. Với vỉa hè đô thị - nằm giữa lòng đường và dãy nhà chạy dọc phố, vỉa hè có thêm vài chức năng khác như chứa hạ tầng ngầm đô thị (điện, nước, cáp quang...) và cột đèn đường, cây xanh; làm không gian đệm, lối vào ra cho các ngôi nhà, cửa hiệu...

Được xây dựng với chức năng đó, vỉa hè làm sao chịu nổi áp lực từ các loại ô tô cứ giày xéo ngày đêm!

Bàn về chuyện chiếm dụng, lạm dụng vỉa hè trên các diễn đàn, nhiều chủ xe nói rằng cần phải thông cảm, ô tô không đỗ vỉa hè thì biết đỗ ở đâu. Câu chuyện này quả thật là một vòng luẩn quẩn, nhưng nhất định cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu quy hoạch đô thị phải tìm ra phương án giải quyết, chứ không thể “trăm dâu đổ đầu tằm”, bắt cái vỉa hè phải chịu đựng sức nặng ngàn cân để rồi bị bới lên bới xuống trong các cuộc sửa chữa, cải tạo.

Mặt khác, biến vỉa hè thành bãi đỗ xe là bất công với người đi bộ, với người dân sống xung quanh đó. Họ không những bị “đuổi” khỏi lối đi dành cho mình ở những đoạn vỉa hè ô tô đỗ kín và phải đối mặt với nguy hiểm khi bước xuống lòng đường, mà còn dễ vấp ngã nếu không để ý bước trên những viên đá vỡ. Vỉa hè nhanh hỏng nát vì trọng tải của ô tô cũng khiến người dân xung quanh luôn phải chịu cảnh cát bụi mịt mù, đất đá lổn nhổn, việc đi lại, kinh doanh bị cản trở trong quá trình cải tạo, tu sửa…

Không chỉ là lối đi hay vùng đệm giữa lòng đường và nhà dân, với người sống lâu năm ở Hà Nội, vỉa hè còn là một không gian văn hóa, nhưng chỉ khi nó là cảnh quan đẹp và yên bình. Đánh mất vẻ đẹp này, xâm phạm đến quyền lợi của người đi bộ, hay ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý của người dân xung quanh… vì sự tiện lợi của một số chủ xe ô tô, sự đánh đổi đó có vẻ không hợp lý.

Của bền tại người, cái vỉa hè là của chung, được làm từ tiền mồ hôi nước mắt của dân, lại càng cần được sử dụng đúng chức năng thì mới có thể bền đẹp lâu dài.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Nguyên Ninh
Bình luận
vtcnews.vn