Tại buổi hội thảo chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Vì vậy, khiến nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn.
Theo ông Tuất, muốn có một nền công nghiệp ô tô thì đầu tiên cần có một nền công nghiệp khoa học kỹ thuật cơ bản vững chắc, tiếp nối đó là nền công nghiệp vật liệu (sản xuất ra thép hợp kim).
“Trên một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại (mã thép). Hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó. Chúng ta chỉ mới làm được cái ốc vít bắt biển số xe”, ông nói.
Chủ tịch VASI chỉ ra rằng hiện nay nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến chỉ có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số kể trên được đánh giá quá ít để thúc đẩy nền công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VASI cũng cho biết các tập đoàn sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thừa nhận rằng họ chưa thể dẫn dắt doanh nghiệp trong nước chế tạo những linh kiện cốt yếu, về cơ bản họ vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo ông Tuất, cái khó đang đeo bám ngành công nghiệp hỗ trợ lâu nay đó là khi bán sản phẩm cho các tập đoàn, hãng xe lớn thì họ yêu cầu phía doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có năng lực về tài chính, có năng lực về quản trị doanh nghiệp, có năng lực về thực hiện các hợp đồng quốc tế, về thời gian cung cấp…Để đáp ứng các yêu cầu này rất khó khăn. Nghịch cảnh này khiến các doanh nghiệp chế tạo linh kiện xe hơi chật vật tìm kiếm khách hàng.
Ngoài ra, mộ thách thức khác đối với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô hiện nay đó là Chính phủ vẫn chưa ban hành những chính sách phù hợp để khuyến khích nền công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển.
"Tôi lấy ví dụ, hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản đã ban hành những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ được họ chú trọng và hình thành từ giữa thế kỷ XX. Bước đệm này giúp nền công nghiệp ô tô tại hai quốc gia này phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới.
Trong khi đó, dù thị trường xe hơi tại Việt Nam đã được hình thành khoảng 30 năm, thế nhưng Bộ Luật về công nghiệp hiện mới bắt đầu trên đà soạn thảo, trong đó chỉ bao gồm một chương về Công nghiệp hỗ trợ. Sự trì trệ này khiến ngành công nghiệp hỗ trợ khó phát triển, trong khi đây là cốt lõi, linh hồn của nền công nghiệp nước nhà", ông Phan Đăng Tuất cho hay.
Chính vì vậy, Chủ tịch VASI đề xuất Chính phủ cần ban hành một đạo luật riêng dành cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó có quy định dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô để có định hướng, chỉ tiêu cụ thể và cân đối nguồn lực.
Đối với ngành vật liệu, bên cạnh các quy định hiện hành như Luật Đầu tư, Chính phủ cần xem xét và ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện, khả thi và đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy ngành vật liệu trong nước phát triển.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành đã vượt con số 500.000 chiếc trong năm 2022 – mốc được gỡ bỏ mác "thị trường nhỏ". Do đó, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... So với các quốc gia trong khu vực, những con số này rất khiêm tốn. Đơn cử như Thái Lan có gần 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 1 thì tại Việt Nam có chưa đến 100 doanh nghiệp. Đối với nhà cung cấp cấp 2, cấp 3, Việt Nam chỉ có chưa đến 150 doanh nghiệp, trong khi Thái Lan có khoảng 1.700 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.
Sắp diễn ra triển lãm thương mại quốc tế ngành công nghiệp ô tô
Trong năm 2023, một trong những Triển lãm thương mại đáng chú ý đó là Automechanika diễn ra tại TP.HCM. Đây là lần thứ 5 Triển lãm thương mại hàng đầu trong ngành ô tô (Automechanika) được tổ chức tại Việt Nam.
Sự kiện do Tập đoàn Messe Frankfurt và mạng lưới NC Network Việt Nam phối hợp tổ chức. Dự kiến sẽ có khoảng 400 doanh nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam cùng tham gia. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 23/6 đến 25/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (TP.HCM), dự kiến thu hút hơn 10 nghìn khách hàng từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Đây sẽ là cơ hội kết nối giao thương rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô trong và ngoài nước.
Điểm nhấn của triển lãm là các gian hàng trong lĩnh vực sản xuất ô tô và tự động hoá, dịch vụ ô tô/bảo trì/phụ kiện và tuỳ chỉnh, xe điện và IoT.
Bình luận