Hôm nay- siêu thứ 3 (3/3/2020), 14 bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ. Đây là tiền đề để cử tri lựa chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ ra thách thức Tổng thống Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Để trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, ứng viên phải phải giành được ít nhất lá phiếu ủng hộ từ 1.991 đại biểu cam kết trong tổng số 4.750 đại biểu tại đại hội đảng diễn ra vào tháng 7.
1/3 trong số này sẽ xuất hiện trong ngày Siêu thứ 3.
Siêu thứ 3 có thể tạo ra một ứng viên áp đảo, đồng nghĩa bất cứ ai làm tốt trong ngày này sẽ khiến các đối thủ khó bắt kịp.
Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đang được xem là người nắm ưu thế. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden nối gót phía sau nhờ chiến thắng ấn tượng ở Nam Carolina. Các cuộc thăm dò sẽ kéo dài từ 19h đến 23h ngày 3/3 giờ Mỹ (tức 7h-11h sáng 4/3 giờ Việt Nam).
Các bang tổ chức bỏ phiếu sơ bộ trong ngày 3/3 là Alabama, Arkansas, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Virginia và Vermont, American Samoa - một vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.
Ai sẽ chiến thắng ở California và Texas?
California và Texas được coi là 2 bang "đinh" trong ngày Siêu thứ 3 vì số lượng lớn các đại biểu của mỗi bang này. California có 415 trong khi Texas có 228, chiếm gần một nửa trong số 1.357 đại biểu được chọn trong ngày Siêu thứ 3.
Kết quả của 2 bang này có thể làm thay đổi đáng kể cục diện ở hiện tại. Nó có thể làm mất uy tín của ông Sanders hoặc làm tan vỡ hy vọng của ông Biden.
Khoảng cách giữa các ứng viên
Khoảng cách giữa các lãnh đạo trong đảng Dân chủ trong Siêu thứ 3 sẽ vạch rõ hơn con đường mà đảng này theo đuổi trong thời gian tới.
Nếu một người tiên phong xuất hiện, đảng Dân chủ sẽ đoàn kết, ủng hộ cá nhân này và tập trung vào chiến dịch chống lại Tổng thống Trump.
Nhưng nếu người này không xuất hiện, các ứng viên sẽ tiếp tục đối đầu tới đảng hội đảng toàn quốc vào tháng 7, như kịch bản năm 2016 với 2 ứng viên Hillary Clinton và Bernie Sanders.
Theo chuyên gia Elaine Kamarck tại Viện nghiên cứu Brookings, nếu 3 hoặc nhiều hơn ứng viên đảng Dân chủ chia nhau vị trí dẫn đầu với cách biệt không quá lớn trong Siêu thứ 3, họ sẽ ở lại cuộc đua và giành giật lá phiếu đại điện đảng. Nếu 2 ứng viên giành được ưu thế, những người thua cuộc sẽ phải đứng trước áp lực rời cuộc chơi và chọn phe.
"Nếu ứng viên dẫn đầu có cách biệt lớn so với những người khác, ông ấy/bà ấy sẽ khó dừng lại", chuyên gia này cho hay.
Tỷ phú Bloomberg xuất trận
Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg sẽ có tên trên lá phiếu đầu tiên vào Siêu thứ 3 sau khi ông bỏ qua 4 cuộc đua đầu tháng 2.
Ông trùm truyền thông này dành một số tiền khổng lồ cho chiến dịch tranh cử của mình và hiện đứng thứ 3 trong cuộc thăm dò các ứng viên trên toàn nước Mỹ.
Siêu thứ 3 sẽ là bài kiểm tra đầu tiên với Bloomberg về việc có bao nhiêu cử tri thực sự ủng hộ ông.
Những người ở chiếu dưới
Theo quy định của đảng Dân chủ, các ứng viên cần giành ít nhất 15% số phiếu của một tiểu bang để nhận được số lượng tương ứng các đại biểu của tiểu bang đó. Nếu không đạt được ngưỡng này, ứng viên sẽ không giành được bất cứ đại biểu nào từ tiểu bang.
Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren đang được đánh giá là khá yếu thế so với các đối thủ. Bà không giành được bất cứ đại biểu nào kể từ cuộc bỏ phiếu tại Iowa hôm 3/2 và thậm chí không giành nổi chiến thắng tại quê nhà Massachusetts.
Cựu thị trưởng thành phố South Bend (bang Indiana) Pete Buttigieg tuyên bố từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi có kết quả ở Nam Carolina. Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Minnesota Amy Klobuchar cũng rời cuộc đua và giành sự ủng hộ cho cựu Phó tổng thống Joe Biden.
Nữ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Hawaii, Tulsi Gabbard vẫn sẽ tham gia vào Siêu thứ 3 tới dù chưa giành được bất cứ đại biểu nào.
Video: Ứng cử viên đảng Dân chủ Sanders giành chiến thắng tại bang Nevada
Bình luận