Chỉ mong mẹ khỏe
Tấm HCV bóng đá nữ SEA Games 29 hứa hẹn giúp Thùy Trang nhận được số tiền thưởng hơn 100 triệu đồng từ VFF. Cộng thêm tiền thưởng theo quy định nhà nước, của tỉnh nhà, coi như những giọt mồ hôi mà Thùy Trang đổ xuống vì màu cờ sắc áo đội tuyển cũng được đền đáp phần nào. Đặc biệt, với thu nhập ít ỏi của nghề bóng đá nữ chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, đó là một khoản tiền mà Thùy Trang mong chờ để dành dụm sửa lại căn nhà của gia đình ở huyện Đại Lộc.
"Nhà của gia đình sau nhiều năm cũng đã xuống cấp lắm rồi. Một phần khoản tiền thưởng tôi sẽ dành để sửa nhà cho các thành viên trong gia đình yên tâm hơn về cuộc sống. Phần tiền còn lại, tôi dành hết để xạ trị cho mẹ" - Thùy Trang kể.
Nỗi buồn vẫn còn hiển hiện trên khuôn mặt Trang khi nhớ lại buổi chiều cuối năm 2016, vừa đi tập về, Trang nhận được điện thoại của chị gái nói mẹ bị ung thư. Nữ tiền vệ mạnh mẽ trên sân cỏ chỉ biết ôm mặt khóc. HLV Đoàn Thị Kim Chi phải an ủi rất nhiều, rồi cho phép Trang được nghỉ tập để về Quảng Nam thăm mẹ. Về nhà, việc đầu tiên, Trang rút toàn bộ tiền tích cóp sau 7 năm theo nghề để cùng anh chị trong nhà lo phẫu thuật và chi phí thuốc men cho mẹ.
Sau ca mổ cắt gần hết phần dạ dày, hằng tháng, bà Hồng, mẹ Trang, được các con thay nhau đưa ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để xạ trị. Mấy tháng nay đi thi đấu xa nhà, về thấy thân hình gầy gò của mẹ mà Trang chỉ biết ôm mẹ. Bà Hồng rơi nước mắt vui mừng vì cô con gái áp út giành được HCV SEA Games, làm rạng danh dòng họ, còn Trang lại khóc vì thương mẹ.
"Mẹ đau ốm mà lần nào gọi điện sang Malaysia cũng chỉ toàn hỏi con ăn uống đầy đủ không, thi đấu có mệt hay không? Mẹ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến con cái" - Thùy Trang bùi ngùi chia sẻ.
Ngoài thời gian tập luyện và thi đấu, hiện Thùy Trang còn kiêm thêm cả nghề trọng tài. "Nhiều người hỏi lương tháng gần 7 triệu đồng, lại sống ở TP.HCM thì sao trang trải nổi cho cuộc sống. Đã vậy, mỗi tháng đóng góp cho gia đình 10 triệu đồng để xạ trị cho mẹ, tôi phải xoay xở cách nào.
Thực sự là từ ngày tốt nghiệp đại học, ngoài thời gian thi đấu và tập luyện chuyên nghiệp, tôi còn làm trọng tài bóng đá ở sân Tao Đàn. Bóng đá nữ vất vả nhưng cũng mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc vì được người thân, bạn bè, cổ động viên và tỉnh nhà trân trọng. Tôi muốn sau này giải nghệ sẽ tiếp tục gắn bó với bóng đá trên cương vị huấn luyện viên" - Thùy Trang tâm sự.
Video: Việt Nam thắng Malaysia 6-0, vô địch SEA Games 29
Cử nhân thành nhà vô địch
Thùy Trang sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, ba mẹ làm nghề sửa xe ở đầu cầu Ái Mỹ (xã Đại An, huyện Đại Lộc).
Năm 2009, khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường ĐH Thể dục Thể thao TP HCM, Thùy Trang đại diện trường thi đấu môn futsal ở Giải Sinh viên mở rộng toàn thành. Trong trận chung kết gặp Trường CĐ Bách Việt, cô lọt vào mắt của các thầy trong đội bóng đá nữ TP HCM 1 khi được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Sau này mới biết, hóa ra đội Bách Việt khi đó gồm toàn các nữ tuyển thủ TP HCM và futsal nữ tăng cường đá nên việc Trang chơi hay ở chung kết khiến các thầy chú ý. Năm 2010, khi thực tập nốt 2 tháng để chuẩn bị ra trường thì thầy Nguyễn Tấn Lợi của đội nữ TP HCM gọi Trang về tập luyện ở sân Tao Đàn.
Tập luyện sân cỏ nhưng năm 2011, tại Giải Futsal thành phố mở rộng, giải đấu để tuyển chọn thành viên chuẩn bị cho SEA Games 26 tại Indonesia, Thùy Trang lại được tăng cường cho đội futsal quận 1 dự giải. Cô tỏa sáng và được chọn vào đội tuyển futsal nữ Việt Nam.
Ngay ở kỳ SEA Games đầu tiên, Thùy Trang đã cùng tuyển futsal nữ Việt Nam giành huy chương bạc (HCB). Hai năm sau ở Myanmar, một lần nữa Thùy Trang và đồng đội lại thua đội Thái Lan ở chung kết, chấp nhận HCB SEA Games 27. Đến năm 2014, Thùy Trang trở lại với sân cỏ trong màu áo CLB TP HCM 1.
Chỉ trong 3 năm, cô gái sinh năm 1988 người Quảng Nam đã trở thành trụ cột nơi hàng tiền vệ tuyển nữ Việt Nam. Điều vui nhất là cô cùng đồng đội đã biến đội Thái thành cựu vô địch để giành HCV quý giá ở SEA Games 2017.
Bình luận