Sáng 7/7, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai đã cùng thảo luận về các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tại buổi họp, lãnh đạo các địa phương cùng trao đổi nhiều giải pháp hợp tác, kết nối trên các lĩnh vực như giao thông đô thị, y tế, giáo dục đào tạo…
Nghiên cứu thành lập CDC vùng
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ nhìn nhận, việc giải quyết tình hình lao động, hạ tầng, các vấn đề quy hoạch đều tựu trung ở vấn đề mấu chốt là thể chế. Và trong đó, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐNB đã chỉ ra một số thể chế quan trọng, trong đó có thể chế hội đồng vùng, quy hoạch vùng, liên kết vùng…
Hiện tại, TP.HCM hoặc các tỉnh trong vùng thành lập một “quỹ vùng”, có thể gọi là quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐNB.
Cũng theo ông Vũ, trong thời gian hình thành quỹ vùng, TP.HCM có thể tận dụng các điều khoản tại Nghị quyết 98 của Quốc hội để thực hiện các công trình mang tính chất vùng, liên vùng. Trong đó, về lĩnh vực tài chính, ngân sách, HĐND TP.HCM quyết định việc sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác; hỗ trợ các địa phương khác, hỗ trợ địa phương tại các quốc gia khác trong trường hợp cần thiết.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu rõ vai trò của việc hợp tác giữa các địa phương nhằm nâng cao năng lực y tế cả vùng, trong đó có việc tận dụng hệ thống telemedicine để hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm quản lý… Về đề xuất thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) vùng, ông Thượng cho biết Sở Y tế TP.HCM đã liên hệ Bộ Y tế và bộ cũng đang soạn thảo.
Theo ông Thượng, Viện Pasteur TP.HCM và sở khẳng định việc tăng cường phối hợp giữa Sở Y tế các tỉnh với nhau về việc giám sát dịch bệnh giữa các CDC có ý nghĩa quyết định trong kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. “Không chờ đến khi thành lập CDC vùng, ngay từ bây giờ các sở phải gắn kết với nhau, qua đó kịp thời thống nhất cách xử lý các vấn đề nóng trong lĩnh vực”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nói.
Trong khi đó, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân khẳng định cam kết hỗ trợ các địa phương trong vùng đào tạo nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, y tế, hai lĩnh vực cấp thiết bậc nhất.
Cùng với đó, đại học này cũng sẽ đồng hành tư vấn, xây dựng, phản biện các chính sách quy hoạch; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cam kết nâng cấp các trường đại học, cao đẳng nghề trong khu vực tạo sức bật tốt hơn cho các trường địa phương.
“Đây là sứ mệnh và trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao cho ĐH Quốc gia TP.HCM. Nếu các địa phương có nhu cầu thì cứ liên hệ trực tiếp với ĐH Quốc gia TP.HCM”, ông Quân nói.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đánh giá các con sông lớn trong vùng như: Sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu - Soài Rạp có dư địa phát triển lớn nếu khai thác hợp lý. Vừa qua, lãnh đạo TP.HCM cũng đã đến các thành phố lớn trên thế giới để học tập công tác quản lý, quy hoạch các con sông.
Khơi dậy tiềm năng vùng Đông Nam bộ
Phó Chủ tịch UBND Tây Ninh Dương Văn Thắng lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh và TP.HCM cần quan tâm về chương trình hợp tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai các dự án tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là Khu Kinh tế quốc tế Mộc Bài theo tình hình mới nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của vùng ĐNB theo tinh thần Nghị quyết 24.
Về việc thành lập quỹ vùng, ông Thắng tán đồng chủ trương này. Theo ông, đây là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực cho các dự án, hạ tầng để phát triển vùng nhanh nhất. Trong đó, TP.HCM cần giao cho các đơn vị nghiên cứu thành lập và cần có thời gian chuẩn bị. Trước mắt cần có cơ chế để các tỉnh trong vùng thực hiện nội dung được sử dụng nguồn ngân sách tỉnh mình hỗ trợ các dự án giao thông liên kết vùng.
Về quy hoạch ven sông Sài Gòn, với bài học kinh nghiệm từ sông Thị Vải ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Minh Thông nhìn nhận cần có hướng quy hoạch, khai thác, bảo vệ một cách bền vững, cần có cơ chế phối hợp để tránh xung đột về sau.
Chủ tịch UBND Bình Dương Võ Văn Minh nhìn nhận các nội dung phối hợp giữa tỉnh với TP.HCM và các tỉnh trong vùng thời gian qua khá thông suốt, thuận lợi.
“Nghị quyết 24 xác định khu vực phía Nam TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai là lõi của vùng trong thực hiện Nghị quyết 24, trong đó giao Bình Dương, Đồng Nai xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tôi cho rằng ba địa phương cùng phối hợp làm sao để gắn với quy hoạch của vùng”, ông Minh bày tỏ.
Thống nhất, hoàn thiện quy hoạch vùng
Trao đổi tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận câu chuyện kết nối giao thông vùng là vấn đề nổi cộm, do đó lãnh đạo các địa phương trong vùng cần tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, trước hết là các dự án đường sắt kết nối vùng, đường sắt đô thị (tuyến Metro số 1 kéo dài, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành); đồng thời phải giải quyết tốt vấn đề quy hoạch và cùng nhau phối hợp làm việc với Bộ GTVT.
Trong đó, với vai trò là cơ quan điều phối dự án Vành đai 3, TPHCM có trách nhiệm điều phối tiến độ chung. Ngoài ra, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài…
“Phải cùng nhau phối hợp chủ động trong làm việc với Bộ GTVT cũng như các đối tác để có đề xuất chung trong vùng. Đặc biệt, về các dự án đường sắt phải chủ động thống nhất giữa Bộ GTVT và vùng để cập nhật trong quy hoạch chung”, ông Phan Văn Mãi trao đổi và nhấn mạnh tầm quan trọng trong công tác quy hoạch chung của cả TP.HCM và các địa phương trong vùng, bởi nếu để trôi qua, sau này điều chỉnh rất khó.
Về quỹ phát triển giao thông vùng, Chủ tịch UBND TP.HCM nói vùng cần chủ động giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Sở Tài chính các địa phương tiếp tục hoàn thiện phương án và có đề xuất.
“Sau hội nghị này, đề nghị Giám đốc Sở GTVT các địa phương trong vùng thống nhất rõ trước mắt sẽ làm những công trình giao thông vùng nào, từ đó mới ra quy mô vốn cũng như hình thức huy động vốn", ông Mãi yêu cầu.
Trong quá trình này, ông Mãi yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Sở GTVT các địa phương nghiên cứu cơ chế trong Nghị quyết 98 để đề xuất, trước mắt có thể đề xuất các địa phương sử dụng ngân sách của mình để góp vào quỹ này, cùng với nguồn vay quốc tế, nhận tài trợ, nguồn tài trợ của doanh nghiệp, nguồn ngân sách Trung ương.
Về quy hoạch ven sông, ông Mãi đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM phối hợp Sở Xây dựng các địa phương hoàn thiện định hướng quy hoạch ven sông, có nghiên cứu toàn diện. Theo ông, điều này như một khuyến nghị để gửi cho các địa phương tham khảo và cập nhật thêm cho quy hoạch của các địa phương.
Bình luận