Ngày 30/6, tại quận 3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Đoàn đại biểu HĐND TP tiếp xúc cử tri tại đơn vị 2. Cử tri đã nêu ra nhiều vấn đề gây bức xúc cũng như đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho các đại biểu Quốc hội.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (ngụ khu phố 5, phường Võ Thị Sáu, quận 3) cho rằng, Kỳ họp thứ Quốc hội vừa qua đã thông qua Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 54.
Nghị quyết mới sẽ tạo nhiều điều kiện mới toàn diện rất thuận lợi cho TP.HCM phát triển xứng tầm với tinh thần cạnh tranh quốc tế. Để tận dụng các cơ hội trên, theo chỉ đạo sát sao của Trung ương, lãnh đạo TP đặt ra trình tự hợp lý, đúng luật như Ban chỉ đạo thí điểm, phát huy cơ chế “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, Nhân dân làm chủ thông qua việc phát huy vai trò vận động, giám sát của Mặt trận”...
Ông Châu cho rằng, TP cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về những mặt tồn tại vừa qua ở TP Thủ Đức để thực hiện Nghị quyết mới hiệu quả hơn.
Cử tri Nguyễn Thị Anh Thư (ngụ phường 3, quận 3) cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi đi cam kết đến thế giới: Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Từ hội nghị đó, Việt Nam đã có những chuyển biến về chiến lược phát triển và các chính sách thúc đẩy nhằm đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên thực tế hiện nay đang có một số vấn đề mâu thuẫn, cản trở làm cho tiến trình này bị chậm lại. Biến đổi khí hậu ngày càng hiện diện nhiều hơn, tàn phá khốc liệt hơn.
Theo cử tri Anh Thư, thông tin dự báo, hạn hán sẽ diễn biến phức tạp ở miền Trung, nhiều hồ chứa nước và thủy điện đang ở mức nước chết. Một số thủy điện đề nghị ngưng hoặc giảm phát điện. Cùng với những thông tin này là các nhà đầu tư điện gió, điện năng lượng mặt trời đang cân nhắc lại đầu tư, đang bị liên tục thua lỗ nặng nề do chính sách giá mua điện.
"Chúng tôi nhận thấy vấn đề này quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh và uy tín của Việt Nam đối với thế giới. Chúng tôi xin kiến nghị Quốc hội có sự giám sát tối cao để có sự nhất quán về chiến lược, chính sách phát triển bền vững của đất nước", cử tri Anh Thư nói.
Trả lời kiến nghị của cử tri Nguyễn Hữu Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến cho rằng, rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 54, TP đã sớm chủ động tích cực chuẩn bị kế hoạch thực hiện Nghị quyết mới.
Trong đó, UBND TP đã trình Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo Chỉ thị của Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 trên địa bàn TP; ban hành Kế hoạch của UBND TP về chuẩn bị triển khai Nghị quyết mới, trong đó phân công công việc cho các sở, ngành TP tham mưu triển khai thực hiện các chính sách được quy định trong Nghị quyết. Cùng với đó là chuẩn bị 8 Tờ trình trình HĐND TP, ban hành các chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của HĐND TP…
Bà Trần Kim Yến cho rằng, Nghị quyết đã được ban hành, quan trọng nhất là thực hiện Nghị quyết hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền các cấp của TP, các tổ chức, cá nhân thì rất cần sự theo dõi động viên, khuyến khích, hưởng ứng của cử tri để thực hiện hiệu quả Nghị quyết này.
Trả lời kiến nghị của cử tri Anh Thư, đại biểu quốc hội Đỗ Đức Hiển cho rằng, đây là vấn đề thời sự. Việt Nam đã có cam kết đến năm 2050, dự kiến mức giảm thải về 0 - là mục tiêu rất lớn trong thời gian qua mà Quốc hội và Chính phủ có rất nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
Theo ông Hiển, thời gian qua, các văn bản quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều nội dung hướng đến mục tiêu này.
Để đạt mục tiêu đã đề ra theo cam kết tại Cop26, Việt Nam phải thực hiện nhiều giải pháp. Về thể chế thì Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chú trọng tới mục tiêu này thông qua các quy định của pháp luật. “Chẳng hạn như Luật Đấu thầu có quy định về “ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” - còn gọi là mua sắm xanh; hay trong Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì có rất nhiều quy định về bảo vệ môi trường như hỗ trợ nhà đầu tư chuyển đổi sang công nghệ xử lý chất thải rắn có thu hồi năng lượng, hỗ trợ kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế bù trừ tín chỉ cacbon…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch điện VIII theo xu hướng chuyển đổi năng lượng tái tạo, năng lượng mới… bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Bình luận