Ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Chính trịThứ Năm, 06/07/2023 17:33:18 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nghị quyết bao gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM.

Liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền của thành phố, Nghị quyết cho phép HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm - là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép UBND huyện thuộc TP.HCM có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Chủ tịch UBND TP.HCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND và việc ủy quyền phải bằng văn bản, quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và người được ủy quyền.

HĐND TP.HCM được quyết định bố trí ngân sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức… không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức…

HĐND thành phố cũng quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của Thành phố.

Về tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức, HĐND TP Thủ Đức có không quá 2 Phó Chủ tịch và có không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách. UBND TP Thủ Đức có không quá 4 Phó Chủ tịch.

Nghị quyết của Quốc hội cho phép HĐND TP.HCM quyết định tiêu chí, điều kiện và mức hỗ trợ để bố trí vốn đầu tư công cho giảm nghèo, giải quyết việc làm.

TP.HCM cũng được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Về tài chính, ngân sách Nhà nước, HĐND TP.HCM quyết định phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục và điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối các loại phí, lệ phí đã có trong danh mục.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí, để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác.

Trong chính sách tiền lương, TP.HCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng.

Quốc hội quyết định nâng tổng mức dư vay nợ của TP.HCM không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng.

Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu.

Về quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Nghị quyết nêu rõ, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để phục vụ lợi ích cộng đồng, được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp: tăng chỉ tiêu đất hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; giảm mật độ xây dựng; tăng chỉ tiêu diện tích sàn ở bình quân đầu người nhưng phải bảo đảm kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố và không làm tăng mật độ xây dựng, không làm quá tải hạ tầng khu vực.

Trong việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, Quốc hội nêu định hướng đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM là: xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp; đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Bên cạnh các điều kiện phải đáp ứng, nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, nghề này cũng được hưởng nhiều ưu đãi, theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở TP.HCM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm.

Chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp này cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong cùng thời hạn.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn