• Zalo

Nóng chiều 12/6: Trung Quốc âm mưu xây nhà trên biển chủ quyền Việt Nam

Thời sựThứ Năm, 12/06/2014 04:45:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cát, xi măng, gỗ và thép là những "công cụ" mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng biển Đông.

(VTC News) - Cát, xi măng, gỗ và thép là những "công cụ" mới nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng biển Đông theo mưu đồ của Bắc Kinh.

Hãng tin Bloomberg mới đây đã cảnh báo cho các nước ASEAN về việc Trung Quốc âm thầm đi một nước cờ nguy hiểm tại Trường Sa.

Theo ngư dân mà Bloomberg tìm hiểu, Tàu Trung Quốc đang miệt mài chở vật liệu xây dựng tới các khu vực họ chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên thực hiện công việc này trong thời gian gần đây để cải tạo các hòn đảo.

 Tàu Trung Quốc đang chở vật liệu tới Trường Sa của Việt Nam
Tàu Trung Quốc đang chở vật liệu tới Trường Sa của Việt Nam 

Bloomberg so sánh những nỗ lực của Trung Quốc là gợi nhớ của phong cách cải tạo đất của Dubai trong việc tạo ra những resort kiểu cành cọ đắt tiền trên biển. "Họ đang tạo ra hòn đảo nhân tạo mà không bao giờ tồn tại trước đây, như những gì làm ở Dubai", Eugenio Bito-onon, 58 tuổi - một người dân Philippines thường qua lại khu vực biển này cho biết.

Chỉ có điều khác là Dubai xây resort cành cọ trên biển của họ còn Trung Quốc đang ngang nhiên xây đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. "Việc xây dựng là rất quy mô và không ngừng. Điều đó sẽ dẫn đến việc họ kiểm soát toàn bộ biển Đông", Bito-onon than thở.

Giáp mặt tàu khu trục tên lửa Trung Quốc

Theo ghi chép của phóng viên Quang Tùng từ Hoàng Sa, sáng sớm 28/5, tất cả bị đánh thức bởi tiếng nổ máy bất thường của tàu cảnh sát biển. Đoán có chuyện xảy ra, phóng viên vội vàng bật dậy chạy lên cabin tàu. Rất đông cán bộ chiến sĩ trên tàu đã có mặt, hướng về phía đuôi tàu.

Giáp mặt tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc rượt tàu cá Việt Nam
Nòng pháo trên tàu Trung Quốc luôn được mở bạt. (Ảnh: Quang Tùng)

Với khoảng cách chỉ vài trăm mét, một chiếc tàu khu trục tên lửa to lớn của Trung Quốc mang số hiệu 170 lừ lừ đi cắt ngang đuôi tàu cảnh sát biển Việt Nam. Để tránh va chạm với tàu chiến Trung Quốc, thuyền trưởng Phạm Đức Tuyên cho tàu tăng tốc, đi chệch hướng tàu đối phương.

Dù đã được nhìn thấy hình ảnh những chiếc tàu chiến trên ti vi, sách báo, nhưng khi đối mặt với tàu khu trục tên lửa của Trung Quốc, phóng viên không khỏi choáng ngợp trước vẻ hung bạo và dữ dằn của nó.

Không khó để nhìn rõ từng chi tiết vũ khí trên con tàu qua ống kính máy ảnh từ khoảng cách này. Trước mắt phóng viên là cả một hệ thống súng máy, pháo phản lực và các ống chứa tên lửa hiện đại.

Theo nhận xét của một người am hiểu về vũ khí trên tàu, đây là loại lớp tàu khu trục tên lửa hiện đại nhất do Trung Quốc tự chế tạo. Tàu khu trục lớp này được trang bị 8 tên lửa đạn đạo phòng không HHQ-9A phóng thẳng đứng, 2 tên lửa chống hạm YJ-62, pháo phản lực 18 nòng.

Tàu được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động. Ngoài ra còn có radar phòng không, radar kiểm soát bắn. Tàu có 3 ống phóng ngư lôi 324 mm và có pháo 100 mm, hệ thống vũ khí đánh gần 30 mm.

Khi đi sát tàu cảnh sát biển Việt Nam, từ mũi chiếc tàu chiến này, các khẩu pháo đã được tháo bạt, giương nòng về phía trước đe dọa tàu của ta.

Tàu Trung Quốc dùng loa chống bạo động có thể gây thủng màng nhĩ


Theo Thanh niên Online, những ngày tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, không ít lần PV chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc phát những âm thanh chói tai gây nguy hiểm cho người nghe.

Những âm thanh này có thể khiến người nghe thủng màng nhĩ nếu đứng gần trong bán kính 500 mét và không có thiết bị bảo vệ tai.

Loa chống bạo động có tính sát thương cao, có thể gây thủng màng nhĩ đối với người nghe nên được cảnh báo hạn chế sử dụng - Ảnh: Trung Hiếu/TNO
Loa chống bạo động có tính sát thương cao, có thể gây thủng màng nhĩ đối với người nghe nên được cảnh báo hạn chế sử dụng - Ảnh: Trung Hiếu/TNO 

Vào ngày 7/6, tàu cảnh sát biển 4032 áp sát khu vực ngư dân Việt Nam đang đánh cá cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 42 hải lý. Lập tức có hai tàu Trung Quốc bám theo, trong đó tàu hải cảnh của Trung Quốc số hiệu 46002 khi tiến sát tàu 4032 khoảng 30-40 mét đã phát những âm thanh chói tai.

Âm thanh này sau đó lớn dần. Trong vòng 3-5 giây, nếu không kịp bịt tai thì người nghe cảm nhận như có cây kim chọc vào màng nhĩ, trong người có cảm giác choáng váng.

Tàu Trung Quốc 46002 phát âm thanh kéo dài chừng 10 phút rồi giảm tốc độ chạy ra vòng ngoài. Trước đó trong quá trình truy đuổi tàu Việt Nam, một số tàu Trung Quốc cũng mở âm thanh này.

Trung Quốc vẫn tuyên bố "tôn trọng quyền hàng hải của nước khác
"

Dù có nhiều hành động hung hăng và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, Trung Quốc lại vừa nói rằng, họ “tôn trọng quyền hàng hải của các nước khác và ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Trung Quốc coi trọng quyền tự do hàng hải hợp pháp của các nước khác. Ảnh: Philstar
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Trung Quốc coi trọng quyền tự do hàng hải hợp pháp của các nước khác. Ảnh: Philstar  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vừa tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, chính phủ Trung Quốc ủng hộ chính sách ngoại giao hòa bình và tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Trung Quốc rất coi trọng sự phát triển của hàng hải, đóng vai trò tích cực trong các công việc hàng hải quốc tế, ủng hộ thành lập và duy trì một trật tự hàng hải hài hòa”, bà Hoa nói.

“Một trật tự hàng hải hài hòa nghĩa là chúng ta phải tôn trọng không chỉ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của tất cả các quốc gia ven biển, mà còn tôn trọng quyền tự do sử dụng biển một cách hợp pháp và hòa bình”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Video tàu Trung Quốc bày mưu lùi vào tàu Việt Nam tạo hiện trường giả:

Trong khi Trung Quốc đang bị Philippines kiện ra tòa án trọng tài quốc tế về những hoạt động trái luật quốc tế ở Biển Đông, bà Hoa vẫn nói rằng, tất cả các nước phải tôn trọng UNCLOS và thể hiện quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế”.

Chuyên gia Nga lên tiếng bác bỏ luận điệu sai trái về Việt Nam


Ngày 7/6, tờ báo độc lập Nước Nga Xôviết đăng bài báo “Việt Nam không phải là Crimea" của ông Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

Ông Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - Ảnh: Cao Cường/Vietnam+
Ông Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN và Việt Nam thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - Ảnh: Cao Cường/Vietnam+ 

Bài báo này phản bác những luận điệu sai trái của phóng viên hãng thông tấn Russia Today Dmitry Kosyrev đưa ra trong bài báo “Hợp tác Nga-Trung cao hơn mọi tuyên bố,” đăng trên trang web ria.ru trước đó ít ngày song đã bị gỡ bỏ.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Trong bài báo, ông Vladimir Mazyrin cho rằng việc so sánh "cuộc xung đột Việt-Trung trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin như một yếu tố phá hoại chuyến thăm" là không có cơ sở khi Nga có quan hệ đối tác chiến lược ngang bằng và cùng lúc với cả Việt Nam và Trung Quốc và cả hai nước đều thể hiện mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Nga.

» Nóng sáng 12/6: Tàu Trung Quốc vây ép ngư dân Việt Nam
» Trung Quốc hạ thấp giàn khoan, bố trí tàu chiến bảo vệ
» Nóng chiều 11/6: Trung Quốc hứng ‘gạch đá’ vì hư cấu, xuyên tạc sự thật

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn