Kỳ 12: Những người tư lợi
Đại ngàn Hoàng Liên Sơn có rất nhiều thuốc quý và bản thân ông Trần Ngọc Lâm phát hiện cả trăm cây thuốc vô cùng quý giá, trị nhiều loại trọng bệnh. Có những cây thuốc phải cả trăm năm mới cho thu hoạch, nếu khai thác mà không bảo tồn, thì sớm muộn cũng tuyệt chủng.
Ông Lâm từng có nhiều năm bôn ba Trung Quốc, lại chơi thân với Vàng Lù Pao, mà bố anh này là Vương Đức Tài, thiếu tướng quân y, rất giỏi về cây thuốc. Trao đổi, gặp gỡ ông Vương Đức Tài nhiều lần, nên ông rất hiểu cách làm thuốc, bảo tồn thuốc của người Trung Quốc.
Trong khi họ khai thác triệt để, mua với bất kỳ giá nào ở các nước xung quanh, thì họ lại ra sức bảo tồn, gieo trồng thuốc quý ở nước họ. Ông Lâm đã học được nhiều kinh nghiệm từ ngành dược liệu của Trung Quốc.
Đỗ quyên ở Hoàng Liên Sơn |
Nghĩ gặp được vị GS-TS có uy tín, ông Lâm đã dốc lòng tâm sự. Ông đã cung cấp cho vị này vô số loại thảo dược rất quý, chưa có trong từ điển dược học nước nhà. Vị GS-TS này mê tít.
Ông đã ở lại nhiều ngày trong lán giữa rừng với ông Lâm để nghiên cứu về các loại cây thuốc và tìm hiểu bí quyết ông Lâm sống được với căn bệnh ung thư phổi nhiều năm.
Mặc dù ông Lâm nhớ lời hứa với vị thiền sư Tây Tạng là sẽ không tiết lộ những cây thuốc quý với ai, nhưng nếu cung cấp thông tin để vị GS này nghiên cứu, từ đó có biện pháp bảo tổn thảo dược quý, giúp hàng triệu bệnh nhân nước nhà thì sẽ có ý nghĩa hơn so với lời hứa.
Mỗi chuyến đi rừng tìm thuốc của ông Lâm kéo dài cả tháng trời |
Ông này thấy cây giảo cổ lam như thấy vàng. Ông ta say mê nghiên cứu và hứa sẽ làm một dự án nhân rộng cây thuốc giảo cổ lam.
Tuy nhiên, trong một đêm trăng thanh vắng, cảnh đẹp miền sơn cước đến xiêu lòng, vị GS khả kính uống hơn quá chén đã nói thẳng: “Tôi sẽ xin dự án trồng cây giảo cổ lam trên này, mục đích là kiếm chút anh em mình chia nhau, chứ bảo tồn với chả bảo tàng, vườn thuốc vườn thiếc làm gì cho mệt. Tôi già rồi, đường sá xa xôi đi làm sao được”.
Nghe thế, ông Lâm im bặt, không hé răng một lời nào nữa về các loại cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên Sơn.
Để có được củ thuốc quý nhỏ xíu này, phải mất 50 năm |
Rồi ông còn giới thiệu nhiều loại cây thuốc quý chưa từng được biết đến trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn trên các tờ báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu.
Nhưng rồi, các công trình này chả đi đến đâu, chả có dự án bảo tồn nào được thực hiện. Hậu quả thì nhãn tiền. Người Trung Quốc phát hiện Hoàng Liên Sơn có các cây thuốc quý, liền thuê đồng bào nhổ tận gốc, trốc tận rễ.
Giảo cổ lam do ông Lâm chỉ cho vị GS nọ |
Có thời gian, nhờ vị GS, cùng doanh nghiệp này quảng cáo quá lời về giảo cổ lam, mà một cơ quan lớn dưới Hà Nội đã nhờ ông Lâm cung cấp giảo cổ lam với giá 200 ngàn đồng/kg, để họ bán về Hà Nội. Nếu cứ im ỉm chặt chém giảo cổ lam đem phơi, rồi đóng gói bán cho họ, ông Lâm sẽ giàu to.
Tuy nhiên, ông không muốn người dân cả nước bị lừa đảo. Ông Lâm đã gọi điện cho tôi, đề nghị viết bài vạch mặt vị GS khả kính kia, cùng các doanh nghiệp, đã móc túi không biết bao nhiêu bạc tỉ từ những bệnh nhân ung thư, vốn đã kiệt quệ về tiền bạc.
Là người hiểu rõ về giảo cổ lam, nên ông Lâm khẳng định giảo cổ lam có tới mười mấy loại. Chỉ có loại 7 lá và 9 lá, uống đắng khủng khiếp là giảo cổ lam thực sự, có tác dụng tốt, còn lại chỉ là họ hàng nhà giảo cổ lam, giá trị dược liệu rất kém.
Cây thuốc trong Hoàng Liên Sơn |
Đang thất vọng với vị GS. nọ, thì ông tổng giám đốc của một tập đoàn đông nam dược lớn nhất Việt Nam tìm gặp ông Lâm. Nói tên vị này ra, thì phần lớn người dân Việt Nam đều biết đến, vì tính ông này thích khoa trương, xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Thấy ông Lâm biết nhiều cây thuốc quý, ông này đã mời ông Lâm làm phó giám đốc cho mình.
Nghĩ có sự vào cuộc của tập đoàn nổi tiếng, uy tín, thì cây thuốc quý sẽ được bảo tồn, nên ông Lâm gật đầu. Ông Lâm mang khát vọng sẽ triển khai trồng thuốc quý ra khắp núi non, có cơ hội giúp đỡ được nhiều người bệnh hơn.
Ông Lâm vẫn chưa tìm được người tin tưởng để chuyển giao bài thuốc quý |
Thực ra, ông ta chỉ lập dự án rồi vay tiền ngân hàng đi làm việc khác. Những dự án này mấy năm vẫn nằm trên giấy, trong khi người dân mất hàng trăm ha đất sản xuất, dẫn đến kiện cáo rùm beng.
Hôm về tập đoàn này ở Sơn Tây, thấy nguyên liệu làm thuốc chất đống ngoài sân, ông Lâm xem xét và bảo ông tổng giám đốc kia: “Sao anh toàn tha củi ở rừng về chặt làm thuốc thế này?”. Vị tổng giám đốc nọ bảo: “Quan trọng đếch gì. Cứ cái gì uống vào thấy mát mẻ, dễ chịu là được. Uống thuốc đông y chủ yếu là uống niềm tin”.
Nghe vị giám đốc này nói vậy, ông Lâm chỉ thẳng vào mặt bảo: “Có mặt anh ở đây tôi nói thẳng, là trước sau anh cũng phá sản”. Nói xong, ông xách ba lô về Lào Cai. Những ngày sau, ông giám đốc kia gọi điện, ông Lâm tắt máy.
Và, tập đoàn đông nam dược kia đã phá sản thật.
Còn tiếp...
Phạm Ngọc Dương
Bình luận