Theo các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Columbia, Mỹ, mức độ phóng xạ từ các vụ thử hạt nhân trên Quần đảo Marshall vẫn gây ra các mối đe dọa với đời sống con người.
Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau khi phân tích các mẫu đất từ 11 hòn đảo trên 4 rặng đảo san hô. Kết quả thu được cho thấy, mức bức xạ gamma ở các vùng rất khác biệt, trong đó một số mẫu "phát xạ" mạnh hơn nhiều so với dự kiến và cao hơn nhiều so với mức phơi nhiễm an toàn.
Ví dụ, trên rặng san hô Bikini, liều bức xạ lên tới 648 millibar/năm, gấp hơn 6 lần so với mức thông thường là 100 millibar/năm. Những con số này vượt quá mức phóng xạ trong vùng lân cận của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu cũng đo mức độ phóng xạ trong quả của cây ở những khu vực bị ảnh hưởng, cũng như ở khu vực miệng núi lửa được hình thành từ vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên của quân đội Mỹ trên đảo san hô Bikini. Trong cả 2 trường hợp, ô nhiễm phóng xạ đều ở mức rất cao.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chọn quần đảo Marshall ở Tây Thái Bình Dương, với dân số khoảng 52.000 người, làm nơi thử nghiệm bom hạt nhân. Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ thả 67 quả bom hạt nhân xuống quần đảo này. Đặc biệt trong năm 1954, Washington kích nổ quả bom nhiệt hạch mang tên Castle Bravo trên đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall, phát ra năng lượng tương đương 15 triệu tấn thuốc nổ, gấp hơn 1.000 lần so với quả bom Little Boy ném xuống Hiroshima.
Mặc dù đã được sơ tán và chuyển tới sống ở các vùng khác, nhiều người bản địa ở Marshall vẫn gặp các vấn đề về sức khỏe do tiếp xúc với bụi phóng xạ hạt nhân từ các thử nghiệm.
Bình luận