Đời sống

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên

Thứ Năm, 27/10/2022 10:26:00 +07:00

(VTC News) - Lấy chồng từ thuở 14-15 tuổi, những “người mẹ trẻ con” vô tư về làm dâu nhà người khi vẫn còn vụng dại, ngay cả việc chăm sóc bản thân mình.

Video: Tâm sự của những "người mẹ trẻ con"

Những đứa trẻ đáng nhẽ ra vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, vẫn vô tư vui đùa cùng chúng bạn thì lại bỏ ngang việc học để dựng vợ, gả chồng và làm bố, làm mẹ ở tuổi cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Để rồi từ đó những hủ tục lạc hậu, áp lực gia đình, miếng cơm manh áo hay nuôi dạy con nhỏ nhùng nhằng đeo bám mãi. Và cứ thế, trong những ngôi nhà sàn nhấp nhô bên sườn núi văng vẳng tiếng ru buồn quặn thắt…

Những đứa trẻ học làm mẹ

12 giờ trưa, trong cái nắng bỏng rát chớm hè, lời ru của người mẹ trẻ vọng ra từ căn nhà sàn cũ kĩ bên sườn núi, hút vào đại ngàn chất chứa nỗi buồn sâu lắng về cuộc sống đầy gian khó đang chờ ở phía trước. Tuổi 16, đang tuổi ăn, tuổi lớn, Lùng (xã Đắk Tơ Ver, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) theo chồng về ở bản làng Tuek và đã làm mẹ được gần 7 tháng.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 1

Lùng (16 tuổi) theo chồng về ở bản làng Tuek và đã làm mẹ được gần 7 tháng.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, Lùng cũng khát khao được đi học như chúng bạn song em phải nghỉ học khi vừa mới chỉ học xong lớp 5 vì không có tiền để trang trải học phí. Cuộc sống sau khi nghỉ học của Lùng là những ngày phiêu bạt nơi nương rẫy, ai thuê gì làm nấy. Thế rồi bao nhiêu năm liền, tuổi thơ cô bé gắn với những mảnh ruộng, miếng rẫy và dần quên đi rằng mình từng khát khao được đến trường nhường nào.

Năm 2019, được sự rủ rê của các bạn trong làng, Lùng khăn gói vào Sài Gòn xin làm công nhân cho một nhà máy sản xuất giày da. Những tưởng cuộc sống sẽ khấm khá lên thì làm được 1 năm, dịch bệnh COVID-19 kéo đến, xí nghiệp nghỉ, không có việc làm nên Lùng lại lật đật trở về quê nhà.

Những ngày ở quê, bên cạnh việc đi làm thuê, Lùng thường xuyên lướt mạng xã hội để cập nhật những trạng thái mới và trò chuyện cùng bạn bè. Thế rồi, như bao bạn bè cùng trang lứa khác, mạng xã hội Facebook là “bà mối” đưa đẩy Lùng đến với anh chàng Pyeoh (18 tuổi, ở cùng làng). Một hai câu thăm hỏi, chào nhau để rồi hễ chuyện vui hay buồn, Lùng đều tỉ tê tâm sự với Pyeoh. Sau hơn 2 tháng nhắn tin qua lại, Lùng cũng phải lòng anh chàng cùng làng rồi cả hai quyết định dọn về ở nhà Pyeoh sau một bữa tiệc nhỏ mời họ hàng và chòm xóm thân cận.

Trước đó, để có thể về ở với nhau, cả Lùng và Pyeoh đều không tránh khỏi sự ngăn cản của gia đình. Cả hai tới với nhau khi đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới và trái với quy định của làng nên không một ai đồng ý. Người lớn nói rằng lấy nhau về sẽ khổ, thế nhưng vì tình yêu, cô gái 16 tuổi vẫn quyết tâm về sống chung với anh chàng 18 mặc sự ngăn cấm của cả gia đình.

Để rồi cũng như nhiều sơn nữ khác, Lùng lấy chồng trong khi không hề ý thức được những trọng trách to lớn mà mình phải gánh vác khi trở thành vợ người ta, em vô tư theo chồng về làm dâu nhà người khi vẫn còn vụng dại ngay cả với việc chăm sóc mình.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 2

Lùng lấy chồng trong khi không hề ý thức được những trọng trách to lớn mà mình phải gánh vác.

Pyeoh thời điểm kết hôn cũng chỉ mới 17 tuổi, lấy vợ cũng theo kiểu “thích thì lấy”, vợ chồng cứ về ở với nhau khắc có bố mẹ chăm lo mà chẳng cần nghĩ ngợi gì nhiều. Pyeoh năm nay đã 18 song vẫn lộ rõ vẻ vụng dại trong việc chăm sóc vợ con.

Đến nay, Lùng và Pyeoh đã có một bé trai 6 tháng tuổi. Đứa bé sinh ra èo oặt, ốm đau liên miên khi cả bố và mẹ vẫn còn là những đứa trẻ nên không tránh khỏi những cuộc cãi vã, khóc lóc. Hoàn cảnh éo le nên đến bây giờ hai vợ chồng vẫn không đủ điều kiện để ra riêng, mọi thu nhập trong gia đình hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương đi làm thuê của Pyeoh. Hôm nào có người thuê đi bốc vác thì có thêm tiền mua miếng thịt, miếng cá, hôm nào không thì chỉ ăn rau ăn cháo cho xong bữa.

Trò chuyện với Lùng, tôi có thể cảm nhận được sự e ngại hiện rõ trên gương mặt của em. Khi được tôi hỏi em có khát khao được đi học tiếp không?, ánh mắt của Lùng thay đổi lập tức, cô bé khát khao đi học lắm, nếu được chọn em vẫn muốn được đi học. Thế nhưng rồi chỉ vài giây sau, Lùng như đã trở về hiện thực khi bây giờ ngoài bản thân ra, em còn phải lo lắng cho đứa con bé bỏng của mình đang ngày ngày đòi sữa mẹ.

Thoạt nhìn, những người mới gặp lần đầu rất khó tin khi biết Puih H’Liêng (trú huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chỉ mới 15 tuổi. H’Liêng lấy chồng khi chỉ vừa tròn 13 tuổi. Khi được tôi hỏi về việc lấy chồng sớm, H’Liêng vẫn không thôi ngượng ngùng và có phần nào lẩn tránh ánh nhìn của người đối diện.

Năm H’Liêng lên lớp 2 thì mẹ mất sau một cơn bạo bệnh. Thời điểm đó, bố đi lấy vợ khác nên H’Liêng về sống với chị. Vì không đủ tiền đóng học phí, H’Liêng học hết lớp 3 thì xin nghỉ học để phụ chị làm rẫy. Cuộc sống nghèo khổ cứ thế đeo bám H’Liêng nhiều năm liền.

Năm H’Liêng vừa tròn 13 tuổi, em gặp Siu Tái – người chồng hiện tại. Năm ấy Siu Tái cũng chỉ mới bước ngót nghét bước sang tuổi 20. Bị thu hút bởi vẻ bên ngoài chững chạc nên mỗi khi có chuyện buồn, H’Liêng thường chia sẻ qua tin nhắn Zalo cho Siu Tái. “Mưa dầm thấm lâu”, chỉ sau vài tháng nhắn tin qua lại, cả hai đem lòng yêu nhau. Năm 2020, H’Liêng dọn về ở nhà Siu Tái sau một bữa tiệc nhỏ mời họ hàng.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 3

Nhiều cặp "vợ chồng trẻ con" chỉ nghĩ yêu nhau thì về ở với nhau, có con thì nuôi mà mặc cho tương lai phía trước khó khăn.

Cũng như những cặp vợ chồng trẻ con khác, ngày ấy H’Liêng và Siu Tái chỉ nghĩ yêu nhau thì về ở với nhau, có con thì nuôi mà mặc cho người ta lời ra, tiếng vào. Để rồi cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế trôi qua ngày, tất bật với con cái, việc làm mà H’Liêng quên mất khát khao được đến trường hay những bữa tiệc gặp mặt bạn bè, điều mà ở lứa tuổi của em, các bạn ngoài kia vẫn làm thường ngày.

Dù hiện tại, H’Liêng đã được nhà chồng công nhận là “con dâu hợp pháp” song trong giấy khai sinh của con H’Liêng vẫn chỉ mới có tên mẹ. Ở tuổi 15, H’Liêng vẫn đang từng ngày phải tập quen dần với việc mình đã làm mẹ.

Mẹ và con đều lấy chồng khi chưa đủ tuổi

Năm ngoái, thiếu nữ Pya (ngụ làng Jut 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) về ở chung với anh chàng làng bên Rơ Châm Dên (22 tuổi) khi vừa bước sang tuổi 15. Kết hôn nhưng chưa đủ tuổi đăng ký nên vợ chồng chỉ làm vía với nhau, được sự đồng ý của gia đình hai bên, Pya về ở với gia đình nhà chồng. Thời điểm tôi tìm đến, Pya đang ôm đứa con nhỏ 2 tháng tuổi, ánh mặt ngây thơ, cười đùa của cô bé càng khiến tôi cảm thấy xót xa hơn.

Năm 2021, Pya quen Rơ Châm Dên qua một cuộc hẹn đi chơi cùng đám bạn ở đồi thông. Những ấn tượng ban đầu cùng sự đáng yêu, dễ mến của Pya đã khiến Rơ Châm Dên đem lòng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Sau cuộc hẹn hôm ấy, Rơ Châm Dên tìm được mạng xã hội của Pya rồi nhắn tin “thả thính” qua lại. Sau 2 tháng thì cả hai quyết định đem lòng yêu nhau, Pya về xin ba mẹ cho lấy Rơ Châm Dên. Pya lúc đó vừa tròn 15 và nghỉ học khi em vừa hoàn thành học kỳ 1 năm lớp 9.

Buổi tiệc “cưới” của cặp “vợ chồng trẻ con” hôm ấy chỉ có vỏn vẹn những người trong nhà chứng kiến. Vì chưa đủ tuổi nên cả hai chỉ làm một cái lễ dưới sự chứng kiến của những người trong gia đình và cũng chưa đăng ký kết hôn.

Cũng như Lùng hay H’Liêng, Pya bây giờ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc suốt ngày chỉ ở nhà bồng con, việc ăn uống cũng một tay mẹ của em lo hết. Lập gia đình nhưng hai vợ chồng cùng con nhỏ vẫn sống phụ thuộc vào bố mẹ hai bên. Bản thân Pya cũng chưa bao giờ lên rẫy, xuống suối nên chẳng biết làm gì ngoài việc chăm con, chờ chồng về.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 4

Thiếu nữ Pya về ở chung với anh chàng làng bên Rơ Châm Dên khi vừa bước sang tuổi 15.

Điều khiến tôi bất ngờ hơn là khi được hỏi về việc gia đình có cấm cản khi hai em tới với nhau không thì Pya cười vô tư và cho biết mẹ của em - chị Býi (34 tuổi) cũng lấy chồng khi chưa đủ tuổi.

Nhắc nhớ lại, năm 2004, anh Ksor Mlíu (hiện 36 tuổi) từ làng kế bên qua chơi rồi gặp nhau, nên duyên với chị Býi. Ngày đấy, chị Býi cũng như con gái của mình bây giờ, về nhà chồng khi mới bước sang tuổi đẹp nhất cuộc đời. Thời điểm ấy, bản thân chị Býi không biết lấy chồng khi chưa đủ tuổi là sai vì thời đấy ai chả lấy chồng sớm như chị. Sau 2 năm kết hôn, chị Býi sinh Pya và có thêm một người con nữa năm nay 14 tuổi.

Pya còn quá vô tư để làm mẹ nên ngoài trọng trách là bà, chị Býi bây giờ còn có nhiệm vụ chăm sóc cả đứa cháu nhỏ mới lọt lòng. Trong ánh mắt của chị Býi nhìn con gái, tôi có thể cảm nhận được nỗi lòng của người mẹ đã một lần lỡ dại, để rồi Pya cũng học theo mình, lấy chồng khi còn chưa biết những trọng trách mà mình phải mang. Có lẽ, điều mà một người mẹ như chị Býi hy vọng nhất bây giờ là con gái mình được hạnh phúc để mình cũng phần nào vơi bớt được những ăn năn trong quá khứ.

Khai sinh trước, đăng ký kết hôn sau

Tình trạng “bố mẹ trẻ con” theo kiểu khai sinh trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn đang diễn ra ở hầu hết các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, những con số thống kê hằng năm vẫn chưa thể nào phản ánh hết tình hình.

Già làng Puih Duch (làng Jut 2) cho hay đa số các cặp tảo hôn ở Tây Nguyên đang học các lớp cuối cấp của bậc trung học cơ sở. Nhiều trường hợp các em đang học, bố mẹ ngăn cấm yêu đương thì sử dụng mạng xã hội để làm quen, hẹn hò. Có tình trạng dọa tự tử nếu bố mẹ không cho yêu đương, cưới hỏi.

Mặc dù có nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà nhắc nhở, nhưng rồi “đâu lại vào đấy” bởi tư tưởng “không cho mình cũng lấy”. Do không đăng ký kết hôn được nên các cặp vợ chồng trẻ khi sinh con, làm giấy khai sinh chỉ có họ tên mẹ.

“Khi đã đủ tuổi, các cặp này mới lên xã đăng ký kết hôn. Sau đó để hợp thức hóa, các cặp này lại làm thủ tục nhận cha con, khi đó giấy khai sinh mới có cả tên cha lẫn tên mẹ”, già làng Puih Duch cho hay.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 5

Tình trạng trong một gia đình cả mẹ và con đều kết hôn trước tuổi cho phép không phải hiếm ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Cao Phi Văn, Chủ tịch xã Đắk Tơ Ver cho biết: “Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã vẫn đang xảy ra. Ai cũng biết tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng việc xử lý cũng rất khó khăn, vì có nhiều trường hợp họ giấu, không thông báo. Thông qua những buổi họp làng, các tổ chức, đoàn thể của xã đã tích cực vận động cha mẹ quan tâm nhắc nhở con cái, không cho các cháu chưa đủ tuổi lấy nhau nhưng tình trạng tảo hôn vẫn chưa chấm dứt tuyệt đối”.

Lối thoát nào cho vòng xoáy tảo hôn?

Già làng Puih Duch cũng không khỏi trăn trở khi cho biết vài năm gần đây, “vợ chồng trẻ con” lấy nhau giống như một trào lưu. Thông qua mạng xã hội, những mối quan hệ nhanh chóng được mở rộng, vượt ra khỏi không gian nhỏ hẹp của làng.

“Ngày trước, nam nữ thanh niên còn mất thời gian đi chơi qua lại để tìm hiểu chứ bây giờ “công đoạn” này được rút ngắn rất nhiều. Chỉ cần qua bạn bè, người thân, chúng kết nối Zalo, gọi điện tán tỉnh, rồi à ơi những lời yêu đương, gửi hình ảnh cho nhau. Khi chúng ưng nhau thì “chuyện đã rồi”, ba mẹ buộc phải cho chúng về ở với nhau.

Làng chỉ xử phạt những trường hợp vợ chồng bỏ nhau, hoặc có quan hệ sâu sắc rồi nhưng không chịu lấy. Còn chúng thích nhau, quyết lấy nhau làng cũng chịu”, già Puih Duch buồn rầu.

Ông Siu Hnit – Phó chủ tịch UBND xã Ia Der cho biết, chuyện lấy chồng, lấy vợ sớm ở các làng chưa bao giờ diễn ra dễ dàng như thời điểm này. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thời 4.0, thêm nữa hầu như ai cũng sở hữu 1 chiếc điện thoại di động nên cha mẹ rất khó quản lý bọn trẻ ở làng trong việc tiếp cận các kênh giải trí, phim ảnh không lành mạnh. Chưa hiểu tình yêu là gì, chỉ cần thấy thích nhau là các em đòi cưới, không thì dọa tự tử. Còn bố mẹ biết là con mình vi phạm pháp luật song sợ con mình có chuyện không hay nên đành tặc lưỡi chiều con.

Thực tế cho thấy, hiếm có cặp “vợ chồng trẻ con” nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, thất học, chưa kể gặp phải các vấn đề về sức khỏe và các mối quan hệ xã hội.

Chia sẻ một cách thẳng thắn, già làng Puih Duch cho hay, một trong những nguyên  nhân chưa chấm dứt tình trạng tảo hôn là do chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc. “Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Thử xỷ lý thật nghiêm khắc một đến hai trường hợp thì khi đó mới có tính răn đe và công tác tuyên truyền mới có hiệu quả”, già làng Puih Duch kiên quyết.

Nỗi buồn những đứa trẻ tập làm mẹ trên cao nguyên - 6

 

“Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Thử xỷ lý thật nghiêm khắc một đến hai trường hợp thì khi đó mới có tính răn đe và công tác tuyên truyền mới có hiệu quả.”

Già làng Puih Duch (làng Jut 2)

Trước thực trạng nói trên, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025" (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh.

Qua đó sẽ phát động truyền thông, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đối tượng là thanh niên, người chưa thành niên đủ từ 10 tuổi trở lên cả nam và nữ, phụ huynh học sinh hoặc cha mẹ của nam nữ thanh niên DTTS, cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS, các hội đoàn thể, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Theo ông Kpă Đô - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: “Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, dòng họ để ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, cần đưa các biện pháp ngăn chặn vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng tảo hôn để giáo dục, răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em gái, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng các câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đã và đang rất nỗ lực loại bỏ nạn tảo hôn ra khỏi đời sống cộng đồng dân cư song để đạt được mục tiêu đó thì địa phương còn rất nhiều việc cần làm. Bởi đây không phải là câu chuyện của một sớm, một chiều mà luôn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành cũng như ý thức của mỗi người dân địa phương.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn