Năm 2020, trả lời phỏng vấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nói tỉnh không cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình. Triết lý phát triển của Yên Bái được xác định là XANH, vì Yên Bái có tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước. Yên Bái không đặt vấn đề tăng trưởng quá cao mà đặt mục tiêu đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, Yên Bái xác định phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường. “Không thể để tỉnh có tăng trưởng cao, thu ngân sách nhiều nhưng người dân không hạnh phúc”, ông Duy nói hồi tháng 9/2020.
Xưa nay, nhiều người nói hạnh phúc là một khái niệm khá trừu tượng và mang tính chủ quan. Tuy nhiên, điểm nhất quán khi người ta hạnh phúc là phải cảm thấy thỏa mãn, hài lòng. Vậy sau hai năm Yên Bái thực hiện chủ trương nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh, người dân có cảm thấy hạnh phúc hơn không, có cảm thấy hài lòng với cuộc sống không?
Để tìm câu trả lời, mới đây, phóng viên VTC News đã đến một số nơi ở Yên Bái, gặp gỡ và nghe người dân nói về hạnh phúc.
Kể từ khi tỉnh đưa “chỉ số hạnh phúc” vào thực thi, ông bà cảm thấy cuộc sống có gì đổi khác? Đó là câu hỏi chung mà phóng viên đặt ra.
Những người dân chúng tôi gặp không nói nhiều về “chỉ số hạnh phúc”, vốn là một thuật ngữ liên quan đến tính toán, công thức. Họ thích nói về những thứ họ thấy hài lòng, coi đó là thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.
Cụ ông Nguyễn Văn Hương ở thôn Tiên Phong (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) năm nay 84 tuổi, có 6 người con. Gia đình cụ có 1 ha bưởi, cho thu nhập mỗi năm 80 - 100 triệu đồng. Cụ bảo: “Mình trồng hoa màu, cây trái để sau này con cháu mình hưởng. Còn sức khoẻ thì phải làm”. Nói chuyện cuộc sống, cụ cười: “Sướng hơn nhiều, ngày trước chỉ có ăn mì tôm “cởi truồng” (không có bao bì), giờ thì khác rồi”.
Còn đối với anh Thọ, con trai cụ Hương, sự thay đổi lớn nhất trong 2 năm qua là đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa thôn khang trang lên. “Ngày xưa ô tô không vào được, giờ ô tô 7 chỗ lên còn quay đầu được cả ở trong sân”, anh nói.
Ở thôn Tiên Phong có gia đình ông Tuyên cách đây 8 năm còn là hộ nghèo. Ông phải nuôi con học đại học, nuôi mẹ già, vợ mắc bệnh viêm đa khớp. Giờ con ông đã ra trường, lập gia đình. Con trai và con dâu ông đều thành đạt. Vài năm trở lại đây, kinh tế gia đình cũng đã ổn hơn, xây được nhà mới. Nói về sự thay đổi, ông Tuyên bảo: “Hai năm trở lại đây cái gì cũng tốt lên. Đầu tiên là đường được bê tông hóa. Đường xá thuận lợi thì làm kinh tế tốt hơn. Nhà nước cho xi măng, dân cùng làm”.
Ông Tuyên cho biết, ở địa phương, hai năm qua, thêm nhiều “xưởng bóc” (xưởng chế biến gỗ) xuất hiện. Dân có nhiều việc làm, kinh tế khá hơn, “chứ không thể trông chờ mấy sào ruộng như xưa được”.
Chúng tôi đến thôn Minh Thân (xã Đại Minh, huyện Yên Bình). Đường làng ngõ xóm rất sạch sẽ, không một chút rác rưởi. Hai bên đường trồng đủ loại hoa, xen lẫn các vườn cây ăn quả, chủ yếu là bưởi đặc sản Đại Minh mà có người nói là gốc của bưởi Đoan Hùng nổi tiếng.
Ông Dương Văn Xuân (sinh năm 1950) tỏ ra tâm đắc với điều này. “Cả thôn khoảng 100 hộ dân, hộ nào cũng phấn đấu sạch sẽ, gọn ghẽ từ ngoài vào trong. Trước đây thường có tệ nạn nghiện hút, đánh nhau, nhưng vài năm trở lại đây đã không còn nữa. Đây là một trong những chuyển biến tích cực nhất, rất phấn khởi”, ông Xuân nói.
Một trong những điều ông thấy hài lòng nữa là sự thay đổi của các cấp chính quyền trong giao tiếp với người dân. “Tôi có vài dịp lên làm giấy tờ trên công sở xã, thấy việc tiếp dân qua “một cửa” rất phù hợp. Chính quyền tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng yêu cầu của người dân. Thái độ của cán bộ cũng rất hòa nhã, nhiệt tình”, ông Xuân nói.
Hàng xóm với nhà ông Xuân là gia đình ông Nguyễn Phúc Thủy. Đối với ông Thủy, hạnh phúc là khái niệm rất rộng. “Thế nhưng tựu chung rằng, cuộc sống đầy đủ hơn, gia đình đầm ấm, làng xóm hòa thuận thì chính là hạnh phúc”, ông nói.
Gia đình ông có khoảng 300 cây bưởi, mỗi năm thu về khoảng 100 triệu đồng. Theo ông, trong 2 năm qua, đầu tiên là thu nhập của người dân từng bước được tăng lên. Mỗi cụm dân cư, thôn xóm có nhà văn hoá, sân chơi tạo nên sự đoàn kết xóm làng.
“Đến nhà văn hóa, người cao tuổi, phụ nữ thì chơi bóng chuyền, một số bác thì tham gia văn nghệ… Từ sự gắn kết đó, người dân lại vận động nhau trồng hoa, quét rác. Trước đây chính quyền huy động rất khó, nhưng giờ dân tự bảo nhau được”. “Ngày xưa đi ra khỏi địa phương khoảng 5 năm quay về thì hầu như không thấy có gì thay đổi. Nhưng bây giờ, nếu đi 2 năm thôi, về không cẩn thận là phải hỏi thăm. Tất cả đường làng, ngõ xóm đều đã bê tông hóa, tốc độ xây dựng nhanh chóng, nhiều nhà cao tầng khang trang mọc lên”, ông Thủy nói.
Niềm vui lớn của ông là cuối năm vừa qua, hai cô con dâu cùng sinh cháu cho ông bà bế ẵm. Phấn khởi quá, ông tức cảnh sinh… thơ:
“Khao khát bao năm mãi mãi chờ
Năm nay được tặng hai trâu nghé
Bé Đăng, bé Đạt thật vui mừng
Cả nhà đầm ấm ôi hạnh phúc
Chào đón Nhâm Dần xanh sắc xuân”.
“Hạnh phúc đây chứ đâu”, ông Thủy bảo.
Ở thôn Tân Bình, xã Tân Hương (huyện Yên Bình), ông Lương Văn Yên cũng có chung ý kiến như ông Thủy và ông Xuân. “Đường làng được bê tông hoá nên việc vận chuyển cây quế (là cây trồng chính của thôn Tân Hương) thuận tiện hơn. Thôn có nhà văn hóa cho các cháu vui chơi, học hành, các cụ gặp gỡ, xóm giềng hòa thuận. Đó chính là hạnh phúc”, ông Yên, người quê gốc Hà Nam lên đây lập nghiệp, nói.
Như nhận định của ông Thủy, những người dân Yên Bái mà chúng tôi tiếp xúc đều nhận thấy “hạnh phúc ở quanh ta”, và đến từ những điều rất giản đơn. Hơn nữa, hạnh phúc không phải là thứ “từ trên trời rơi xuống”. “Các cộng đồng dân cư đều thấy rằng họ có thể tự tạo ra hạnh phúc. Chính quyền có vai trò định hướng và hỗ trợ”, ông Nguyễn Lê Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình nói với phóng viên VTC News.
Một trong những ví dụ về việc ‘tự tạo ra hạnh phúc” là phong trào đóng góp, chung tay xây dựng cơ sở vật chất ở cộng đồng dân cư, phục vụ chính cộng đồng ấy.
Ông Đặng Quang Thành, bí thư chi bộ, trưởng thôn Tiên Phong nói, tháng 1/2022, chi bộ thôn Tiên Phong đã xây dựng một nghị quyết chuyên đề bàn về những vấn đề liên quan đến chỉ số hạnh phúc. “Chúng tôi lấy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là bước đi, là con đường để từng bước đạt được chỉ số hạnh phúc”, ông Thành, nguyên hiệu trưởng một trường học ở xã Hán Đà, nói.
“Khi xây dựng nhà văn hoá, chúng tôi không bổ đầu cho nhân dân đóng góp, mà chỉ dùng thư ngỏ để kêu gọi. Chúng tôi phát hành thư ngỏ vào dịp Tết Nguyên đán, khi con em của thôn đi làm ăn xa trở về. Đó cũng là đối tượng hướng đến”, ông Thành nói về chuyện vận động nguồn kinh phí xã hội hóa xây dựng các công trình công cộng cho thôn. Kết quả là nhà văn hóa cũ đã được tu sửa, nay rất khang trang, lại thêm được sân bóng chuyền và cầu lông.
Hiện tại, thôn đang tập kết vật liệu để đổ nốt 500 mét đường bê tông còn lại. “Khi 500 mét đường đó xong, thôn không còn 1cm đường đất nào”, ông Thành nói.
Vị cựu hiệu trưởng nói rằng, một làng quê miền núi sẽ khác với miền xuôi, ở nông thôn sẽ khác với thành phố. “Đường hoa của thị trấn Yên Bình hay ở thành phố Yên Bái thì sẽ có công ty môi trường phụ trách. Còn từng cây hoa trồng trên địa bàn thôn Yên Phong là sự đóng góp của người dân và nó xuất phát từ chính nhu cầu của người dân”, ông bảo. “Bình thường để có được một cây hoa mẫu đơn phải mua với giá 40.000 đồng. Ở đây chúng tôi tự ươm mầm. Toàn tuyến đường thôn hơn 2 km thì phải bằng cách như thế thôi”.
Theo ông Thành, thành công lớn nhất của thôn khi xây dựng chỉ số hạnh phúc là thay đổi thói quen của người dân. “Họ đã biết làm đẹp cho ngôi nhà của mình. Ngoài chè, bưởi thu về kinh tế, nay họ biết trồng hoa, cây cảnh. Trước đây, sau vụ mùa, rơm sẽ chất đầy đường, nhưng những vụ gần đây, gặt đến đâu rơm sạch đến đấy. Bà con có ý thức tự quét dọn luôn”.
Ngày xưa, ở nông thôn, chuyện cãi chửi nhau, văng tục là rất bình thường. Nhưng gần đây, trong gia đình việc đó đã giảm, ngoài xã hội, thôn xóm lại càng giảm hơn. Một vài năm trở lại đây, ở thôn Tiên Phong không có chuyện cãi nhau giữa nhà này và nhà khác, không có chuyện to tiếng. Nếu có bất đồng trong gia đình thì giải quyết trong gia đình.
Bình luận