Tôi chuyển đến xây nhà tại một khu đô thị mới, nơi được quy hoạch khá đầy đủ và đồng bộ. Hệ thống điện, nước đi âm đường và hai hàng cây xanh được trồng gọn gàng dọc hai bên vỉa hè. Việc thi công nhà tốn nhiều thời gian, nhiều xe cơ giới vào ra công trình, đặc biệt là xe bê tông, xe bồn thi công sàn bê tông. Các phương tiện này làm hư hỏng vỉa hè lót gạch ngay trước nhà tôi.
Tôi phải xin bản vẽ thiết kế của ban quản lý dự án khu đô thị để sửa lại vỉa hè. Công tác sửa chữa được thực hiện dưới sự giám sát của các kỹ thuật viên của dự án. Họ kiểm tra và nhắc nhở chúng tôi từng chi tiết nhỏ như rải cát, đầm cát và cán phẳng, rải đá hộc, đá dăm, cán phảng và đầm chặt, sau đó đổ bê tông cán phẳng, lèn chặt rồi dán gạch lên trên cùng.
Cách thức thi công giống như thi công nền nhà. Tuy nhiên còn thêm các bước đầm chặt và lu lèn gia cố thêm vỉa hè. Các kỹ thuật viên giải thích là do có nhiều khi xe hơi trườn lên nên có thể bị sụt lún. Cái gốc cây trước nhà tôi cũng vậy. Theo yêu cầu của kỹ thuật viên giám sát, tôi phải thuê thợ làm kín bề mặt cho cỏ khỏi mọc, mua lưới gang đúc sát thân cây lắp lại để khi tưới, nước có thể thấm qua gốc cây.
Phong trào bê tông hóa đang lên rất cao, không chỉ là vỉa hè mà sân thi công sản xuất của cơ quan tôi cũng vậy. Một dự án được phê duyệt để xây sân đậu xe và phục vụ nhà xưởng thi công sản xuất. Thiết kế của nền sân này cũng làm cốt thép và đổ bê tông che kín bề mặt. Tôi có đề xuất làm đường rãnh thoát nước và trồng thêm hàng cây trong sân, vừa cải thiện môi trường, vừa giúp thoát nước mưa. Đây chính là kiến thức mà tôi học được từ môn “thiết kế xưởng” trong trường đại học.
Nhưng đề xuất của tôi không được phê duyệt, một số ít cây được trồng xung quanh sân đậu xe cũng được đào đi vì lý do tiện cho xe ra vào bãi. Cuối cùng mỗi khi trời mưa, nền sân xưởng sản xuất và bãi đậu xe lại bị ngập nước, các phương tiện thi công không thể hoạt động, công nhân qua lại khó khăn làm sản xuất bị gián đoạn có khi cả ngày trời.
Các sân trường cũng vậy, được bê tông hóa và lót gạch sạch sẽ. Thế hệ chúng tôi các sân trường bằng đất cát được trồng phượng rợp mát. Thời gian ra chơi, chúng tôi tha hồ nô đùa, chơi các trò của trẻ con như đá bóng, đá cầu, đuổi nhau, chạy đua…thậm chí vật nhau trên sân trường rất vô tư.
Mùa mưa, chúng tôi trượt chân ngã nhiều lần lấm lem, quần áo bê bết bùn đất nhưng ít khi bị đau đớn. Tôi vẫn còn nhớ những ngày ôn thi tốt nghiệp cấp hai, mỗi nhóm chúng tôi trèo lên một cây khác nhau truy bài. Đấy cũng là cách mà các thầy cô không thể giám sát được để chúng tôi tranh thủ chơi điện tử trên những chiếc máy bé xíu.
Nhưng giờ sân trường đất cát không còn nữa, thay vào đó là sân gạch và bê tông nóng hầm hập. Bù lại, sân trường rất sạch sẽ, quần áo học trò trắng tinh thơm tho. Những trò chơi trẻ con cũng bị hạn chế dần do nhà trường sợ tai nạn xảy ra, và bản thân bọn trẻ khi ngã xuống sản bê tông, sàn gạch cũng đau hơn nhiều nên chẳng dám chơi đùa.
Các bồn cây cũng được xây quây lại nhỏ xíu, kích thước chỉ bằng các chậu cây để đảm bảo không gian khi tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, các buổi tập trung, hay thiết kế thành các ghế ngồi trong sân trường.
Việc thiết kế thi công các vỉa hè, sân trường hay cách thức trông cây làm tôi vô cùng băn khoăn.
Thứ nhất, việc thảm bê tông vỉa hè trước khi dán gạch sẽ khiến nước không thể thấm xuống khi mưa và bốc hơi khi trời nắng nóng. Lượng nước mua dồn xuống các cống thoát vốn nhỏ, có thể làm quá tải hệ thống thoát nước và gây úng cục bộ trong từng con phố khi mưa lớn. Điều này được chứng minh tại xưởng sản xuất chúng tôi, hay phần lớn các thành phố ở Việt Nam.
Thứ hai, những hàng cây ven đường, trong đó có phượng, giờ như được trồng trên chậu. Xung quanh gốc cây toàn là đá, chỉ còn lại lượng đất rất nhỏ nên rễ khó phát triển rộng. Khi tưới cây hoặc khi mưa xuống, nước sẽ đọng lại ngay gốc cây giống như khi ta tưới cây trong chậu, rất dễ gây úng, làm hư hại thân cây và thối đi những chiếc rễ ít ỏi, dẫn đến nguy cơ đổ cây khi gió lớn hay mưa ẩm đất nhũn.
Điều này đã xảy ra ở Trường Tiểu học Quang Trung TP.HCM làm một học sinh qua đời và nhiều cháu khác bị thương. Tai nạn thương tâm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta.
Rất nhiều nơi phản ứng một cách cực đoan bằng cách đốn hạ cây trong sân trường hoặc chăng dây xung quanh các gốc cây để hạn chế học sinh lại gần.
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cách sống của chúng ta để hài hòa hơn với thiên nhiên. Các nhà chuyên môn nên thiết kế để nơi sống, làm việc học tập đảm bảo an toàn và hạn chế các tác động tiêu cực. Thay vì bê tông hóa, chúng ta nên xem lại các thiết kế và cách sống của mình. Thuận theo tự nhiên, giảm bê tông hóa để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực là một việc nên làm.
Bạn có đồng tình với quan điểm này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.
Bình luận