Sau tai nạn cây phượng bật gốc, đè lên nhóm học sinh Trường THCS Bạch Đằng làm 12 em bị thương, một em qua đời, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM khảo sát và đốn hạ cây phượng còn lại trong sân trường.
Cây phượng này có tuổi đời hơn 25 năm. Nhân viên của công ty bắt đầu đốn hạ từ ngày 27/5 và hoàn tất vào sáng hôm sau.
Sau khi đốn hạ, Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cho biết cây phượng thứ hai này có phần gốc bị rỗng, bọng, sam mục; thân cây cũng bị bọng, mục thân.
Nhìn hình ảnh bộ rễ và thân cây sau khi bị đốn của cây phượng còn lại, TS Đinh Quang Diệp, ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng phần rễ của cây phượng này đã bị mục.
"Nhiều khả năng cây được trồng khi đã lớn nên nhiều rễ bị đứt. Việc đốn cây là cần thiết, để lâu sẽ nguy hiểm", ông Diệp nói.
Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cũng khuyến cáo các đơn vị, cơ quan có trồng cây xanh nên liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn chọn chủng loại cây phù hợp. Đồng thời, các đơn vị, cơ quan phải có kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây có biểu hiện nguy hiểm.
Trước đó, trong buổi họp báo thông tin về về vụ tai nạn tại Trường THCS Bạch Đằng, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định hàng năm, sở luôn chỉ đạo lãnh đạo các trường về đảm bảo an toàn trường học và các đơn vị đều thực hiện tốt.
Tuy nhiên, theo ông, việc quản lý, cắt tỉa cây liên quan nhiều cơ quan. Muốn đốn cây phải xin phép, cơ quan chức năng đến thẩm định, hiệu trưởng không được tự quyết.
Ngày 26/5, Sở ra thông báo khẩn về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường, nhắc đến việc kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh.
Bình luận