• Zalo

Nội bộ ‘sóng gió’, cổ đông nhỏ Eximbank lãnh đủ

Tài chínhThứ Hai, 13/07/2020 06:11:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ một ngân hàng lớn, nhưng do mâu thuẫn nội bộ giữa những cổ đông lớn đã khiến cho nhiều cổ đông nhỏ của ngân hàng Eximbank bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank, mã EIB) từng là một trong những nhà băng gạo cội, nhưng gần đây sa sút nghiêm trọng. Nguyên nhân đến từ những mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông lớn. Dù là ngân hàng đang có tình hình tài chính khá lành mạnh, nhưng Eximbank không thể phát triển bứt phá do thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông. 

Trong 2019, dù nội bộ nhiều bất ổn, song các chỉ số tài chính cơ bản của ngân hàng vẫn tăng trưởng khá tốt. Trong đó tổng tài sản đạt 167.538 tỷ đồng, tăng 10% so với 2018; vốn huy động tăng 17%; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 113.555 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.095 tỷ đồng, tăng 32%... Năm 2019, ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu chỉ có 1,71%.

Thậm chí, giữa vòng xoáy tranh chấp và ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, Eximbank vẫn báo lãi trước thuế quý I/2020 tăng 31%, đạt gần 458 tỷ đồng.

Nội bộ ‘sóng gió’, cổ đông nhỏ Eximbank lãnh đủ - 1

Đại hội cổ đông liên tục bị trì hoãn.

Tuy nhiên, một cổ đông của ngân hàng này cho biết, 5 năm trở lại đây, anh không nhận được một đồng cổ tức nào từ Eximbank nữa.

“Khi tìm hiểu thì tôi biết, công tác quản trị tại Eximbank bị khủng hoảng nghiêm trọng. Một số thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank không có nhiệt huyết vì sự phát triển chung của Eximbank nên đã kéo theo sự chia rẽ, tranh giành lợi ích giữa các cổ đông/nhóm cổ đông lớn.

Nghiêm trọng hơn, từ năm 2019 đến nay, nhiều kỳ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Eximbank không triển khai thực hiện được theo dự kiến, mâu thuẫn trong HĐQT và các cổ động nhóm cổ đông gay gắt đến mức không thể điều hòa được”, cổ đông này bức xúc nói.

Nội bộ lục đục, Eximbank lao đao

Mới đây, ngày 30/6/2020, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường.

Tuy nhiên, kịch bản cũ lặp lại là đại hội thường niên trong buổi sáng bất thành vì không đủ túc số, chỉ có chưa đến 18% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội, đến buổi chiều ở đại hội bất thường cũng không thể tổ chức khi số cổ đông tham dự đạt tỷ lệ chưa đến 52%.

Như vậy, đây là lần thứ 6 liên tiếp Eximbank phải trì hoãn đại hội cổ đông.

Trước đó trong năm 2019 ngân hàng này có 3 lần hoãn đại hội, trong đó lần 1 vào ngày 26/4 hoãn không đủ túc số; lần thứ 2 dự kiến vào ngày 26/5 nhưng không thực hiện vì chưa giải quyết xong các vấn đề nội bộ, và lần 3 vào ngày 21/6 tiếp tục không đại hội được vì số cổ đông tham dự không đủ theo quy định. Trong năm 2020, ngân hàng dự kiến tổ chức đại hội sớm vào ngày 5/3 nhưng hoãn vì lý do COVID-19. Và lần thứ 5, thứ 6 là ngày 30/6 cũng lý do không đủ túc số.

Eximbank cũng là ngân hàng liên tục thay đổi vị trí ghế "nóng" trong hơn một năm qua. Cụ thể, ngày 22/3, Hội đồng quản trị Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. 

Tuy nhiên ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết 112 bầu bà Tú làm chủ tịch Hội đồng quản trị do trong quá trình triệu tập họp HĐQT để tiến hành công tác nhân sự đã vi phạm trình tự thủ tục triệu tập theo điều lệ của Eximbank.

Tiếp đó, ngày 15/5/2019, Hội đồng quản trị Eximbank tiến hành họp và ban hành nghị quyết 231 với nội dung là chấm dứt hiệu lực Nghị quyết 112 nêu trên, đồng thời vào ngày 22/5/2019 đã ban hành nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên Hội đồng quản trị, giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Dù khẳng định việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo nêu trên đúng theo trình tự thủ tục của Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật nhưng ở cả hai lần công bố ghế chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng này đều vướng các ồn ào không đáng có.

Mới đây, ngay trước thềm ĐHCĐ, đại diện Ngân hàng Eximbank đã có thông cáo báo chí cho biết, HĐQT của ngân hàng này đã tổ chức phiên họp và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông Ninh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. HĐQT đã thông qua và bầu ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank thay cho ông Cao Xuân Ninh.

Theo đại diện của Eximbank, phiên họp của HĐQT đã được tổ chức theo đúng các quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank.

Ông Yasuhiro Saitoh tân Chủ tịch HĐQT của Eximbank từng được biết đến là người đại diện của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đơn vị nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, SMBC đã có thông báo gửi đến Eximbank về việc chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh kể từ ngày 18/5/2019.

SMBC khẳng định, kể từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy quyền hay đại diện của SMBC với tư cách là thành viên HĐQT hoặc một chức vụ nào khác tại Eximbank.

Để tránh hiểu nhầm, ông Yasuhiro Saitoh không phải là đại diện hoặc người được ủy nhiệm và không được trao quyền hành động thay mặt cho SMBC. Xuất phát từ bản chất mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh, trong bất kỳ trường hợp nào, SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại Eximbank”, SMBC nêu rõ trong văn bản.

Như vậy, ông Yasuhiro Saitoh không còn là người đại diện của cổ đông chiến lược SMBC.

Và chính bởi sự khác biệt nói trên nên trong các lần đại hội mà các nhóm cổ đông Eximbank đề nghị triệu tập đều có nội dung đề nghị bãi nhiệm chức chủ tịch của ngân hàng, khi thì đề nghị với ông Lê Minh Quốc, lúc thì ông Cao Xuân Ninh và gần đây nhất trong văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.

Nội bộ ‘sóng gió’, cổ đông nhỏ Eximbank lãnh đủ - 2

Ngân hàng Eximbank đang sa sút vì những tranh chấp nội bộ.

Những bất ổn trong nội bộ đó khiến Eximbank từ một trong những nhà băng gạo cội, hiện sa sút nghiêm trọng. 

Nguyên nhân chủ yếu về sự tụt lùi của Eximbank phần lớn do nhóm cổ đông lớn ở Eximbank không có sự đồng thuận đã kéo dài suốt 5 năm qua. Trong quãng thời gian đúng bằng một nhiệm kỳ ấy, như các ngân hàng bình thường sẽ tổ chức 5 đại hội thường niên, chưa kể các đại hội bất thường theo yêu cầu của các nhóm cổ đông, thì Eximbank chỉ tổ chức thành công được đại hội cổ đông 1 lần duy nhất đó là vào năm 2018.

Sự bất đồng cũng được thể hiện rõ trong công cuộc đấu đá, tranh giành chiếc ghế chủ tịch. Chỉ trong vòng có hơn 1 năm qua, Eximbank đã thay chủ tịch đến 5 lần.

Khác với ở những ngân hàng thương mại cổ phần khác, khi người chủ tịch thường là ông chủ thực sự của ngân hàng, là cổ đông lớn hoặc đại diện cho nhóm cổ đông, thì ở Eximbank lại hầu hết không phải như vậy. Ông Lê Minh Quốc từng là thành viên hội đồng quản trị độc lập không đại diện cho nhóm cổ đông nào, ông Cao Xuân Ninh từng là người của Vietcombank nhưng trước khi lên ghế chủ tịch cũng không còn đại diện vốn, và đến nay là ông Saitoh không phải là đại diện vốn của cổ đông Nhật khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã rút ông này từ tháng 5/2019.

Nhận định về những diễn biến đang xảy ra tại Eximbank, một chuyên gia kinh tế cho hay: “Vấn đề của Eximbank không phải yếu kém nghiệp vụ hay nợ xấu, mà là sự không có sự thống nhất của các nhóm cổ đông lớn. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng của cổ đông trong nước hiện nay ngày càng phức tạp, dường như có một số nhóm cổ đông không muốn Eximbank ổn định để phát triển lành mạnh”.

Những tiếng thở dài của cổ đông

Sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn không chỉ ở nội bộ của họ, mà còn kéo các cổ đông nhỏ lẻ phải chạy theo khi phải hết lần này đến lần nọ tới tham dự đại hội để có cơ hội gặp những người mà họ tin tưởng giao đồng tiền đầu tư, để nghe về tình hình kinh doanh và các dự định, để chất vấn thêm những điều mong muốn làm rõ và để hỏi về đồng tiền của họ bây giờ ra sao... nhưng đều thất vọng ra về.

Những tiếng thở dài của các cổ đông, những khuôn mặt ngơ ngác chưa kịp hiểu vì sao triệu tập tới họp mà chưa bắt đầu đã kết thúc, những sự thất vọng kèm theo bức xúc là điều mà người quan sát nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp tại các đại hội bất thành ở Eximbank gần đây.

Một bài viết trên tờ cafeF đánh giá: 5 năm, một nhiệm kỳ, các ngân hàng thương mại trong cả nước đã liên tục bứt phá và tạo nên những thương hiệu mới, những vị thế mới, đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông. Nhưng với Eximbank, một nhiệm kỳ chỉ tạo dấu ấn mạnh nhất trên thị trường đó là bất đồng của các nhóm cổ đông. Chính vì sự không đồng thuận ở cấp thượng tầng nên 5 năm quý giá của toàn hệ thống lại không có sự bứt phá nào ở Eximbank. Ấy là chưa kể các cổ đông nhỏ lẻ cũng không được lợi gì khi giá cổ phiếu chỉ quẩn quanh một mức còn cổ tức thì không có đồng nào.

Các cổ đông Eximbank, bao gồm cả những người đã đầu tư vào ngân hàng từ những ngày đầu, nếu có bức xúc cũng là điều dễ hiểu khi phải chứng kiến ngân hàng mình tâm huyết đầu tư, nơi mình giao đồng tiền cho người khác kinh doanh đang bỏ lỡ cơ hội hiếm có để bứt phá. "Tôi quá mệt mỏi khi hết lần này đến lần khác không được dự đại hội trọn vẹn. Cứ tình hình này nếu lần sau triệu tập đại hội tôi sẽ không tới nữa vì chỉ mất thời gian vô nghĩa", một cổ đông đã chia sẻ như vậy sau khi đại hội bất thành chiều 30/6 vừa qua.

Một cổ đông khác thì chia sẻ mong rằng các cổ đông lớn hãy dẹp lợi ích riêng sang một bên, tạm dừng đấu đá để bắt tay nhau cùng xây dựng ngân hàng vì lợi ích chung.

Các cổ đông cũng lo ngại về lùm xùm chuyện riêng của thành viên nhóm cổ đông nhỏ giữ 30% vốn, liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, chủ tịch NamAbank. Ông Toàn được cho là có liên quan đến những lùm xùm tranh chấp tài sản với cha ruột mình là ông Nguyễn Chấn và các anh em trong gia đình, hiện sự việc đã bị khởi tố và ông Toàn cũng đã rời khỏi Việt Nam.

Cũng có những cổ đông thắc mắc rằng, tại sao tình hình của Eximbank rối như vậy mà cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, suốt 5 năm qua không "ra tay", không can thiệp để các cổ đông có thể cùng ngồi lại, cùng bắt tay xây dựng ngân hàng vì sự ổn định, thịnh vượng của hệ thống ngân hàng Việt?

Và họ mong rằng, dù là ngân hàng cổ phần, là ngân hàng có vốn góp của tư nhân, nhưng bây giờ không ai chịu nhường ai, thì Ngân hàng Nhà nước với vai trò cơ quan chủ quản hãy có các giải pháp can thiệp hợp lý. Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước kịp thời còn hướng tới mục tiêu chung là an toàn, lành mạnh, minh bạch hệ thống, đồng thời gia tăng hình ảnh của ngân hàng Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật sư Phạm Công Hùng, một cổ đông của ngân hàng Eximbank đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu giúp Eximbank kiểm soát hoạt động quản trị, sớm khắc phục tình trạng khủng hoảng bởi những mâu thuẫn nội bộ.

Cổ đông này cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật của Eximbank để chính thức bổ nhiệm chức danh quan trọng này.

“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm cổ động của Eximbank, bao gồm việc chỉ đạo Ngân hàng sớm tổ chức cuộc họp với các cổ đông/ nhóm cổ đông chiến lược và quan trọng trước khi Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 được tiến hành theo quy định của pháp luật, để lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của họ, nhằm thu hẹp phạm vi tranh chấp giữa các cổ đông, hướng vào mục tiêu xây dựng và phát triển Eximbank lành mạnh và hiệu quả, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng của đất nước, thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển”, luật sư Hùng viết trong đơn kiến nghị.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn