Hôm qua (9/6), Bộ trưởng Nội các thời chiến Israel Benny Gantz tuyên bố từ chức, cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đặt các toan tính chính trị cá nhân lên trên chiến lược thời hậu chiến của Israel tại Dải Gaza, dẫn đến việc “trì hoãn” đưa ra các quyết định quan trọng.
Vị cựu Tư lệnh quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng kêu gọi ông Netanyahu ấn định ngày bầu cử mới, đồng thời mong muốn thủ tướng “không để đất nước Israel bị chia cắt”.
Ông Benny Gantz nhấn mạnh: “Thật không may, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ngăn cản chúng ta tiến tới chiến thắng thực sự, đó là lý do biện minh cho cái giá phải trả một cách đau đớn và liên tục. Đó là lý do tại sao hôm nay chúng tôi rời khỏi nội các thời chiến”.
Ông Gantz, từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Israel giai đoạn 2020-2022, đã gia nhập chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngay sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas để thể hiện sự đoàn kết. Sự hiện diện của Bộ trưởng Gantz trong Nội các chiến tranh được cho là góp phần nâng cao uy tín của Israel với các đối tác quốc tế.
Phản ứng trước quyết định của ông Benny Gantz, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Netanyahu kêu gọi ông Gantz không “từ bỏ cuộc chiến” và khẳng định đây là thời điểm cần sự đoàn kết và hợp lực.
Ngay sau thông báo ra đi của ông Gantz, “cơn đau đầu” của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiếp tục kéo dài khi một bộ trưởng không bộ khác là cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Gadi Eisenkot cũng rút khỏi nội các thời chiến.
Ông Eisenkot chỉ trích “nội các do ông Netanyahu đứng đầu đã không thể đưa ra những quyết định quan trọng trong thời gian dài, vốn là điều cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu trong cuộc chiến và cải thiện vị thế chiến lược của Israel”.
Ngoài ra, theo các nguồn tin thì nghị sĩ Israel Yechiel Tropper và ông Avi Rosenfeld, tướng hàng đầu của IDF phụ trách các hoạt động ở Gaza cũng xin từ chức.
Dư luận cho rằng, việc ra đi của ông Gantz và hàng loạt các quan chức khác sẽ không làm sụp đổ liên minh cầm quyền, tuy nhiên cáo buộc từ các quan chức này sẽ “ảnh hưởng” không nhỏ đến uy tín của Thủ tướng Netanyahu. Ngoài ra, nó cũng cho thấy sự căng thẳng trong nội bộ Israel khi xung đột với Hamas vẫn diễn biến phức tạp.
Tám tháng kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát, Israel vẫn chưa đạt được các mục tiêu mà nước này đề ra vào thời điểm phát động chiến dịch, khi phần lớn giới lãnh đạo Hamas vẫn chưa bị bắt và hơn 100 con tin vẫn đang bị giữ ở vùng lãnh thổ.
Các nỗ lực đàm phán vẫn bế tắc và áp lực từ các phía lên Israel ngày càng lớn.
Bình luận