• Zalo

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh

Đời sốngThứ Ba, 10/11/2020 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ nghề tái chế nhôm, nhưng người dân "làng ung thư" Mẫn Xá luôn sống trong cảnh mờ mờ khói bụi, không khí nồng nặc mùi hóa chất.

Video: Khói bụi, rác thải bủa vây "làng ung thư" Mẫn Xá ở Bắc Ninh

Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc, hiện cả làng có hơn 300 hộ gia đình có lò cô đúc nhôm.

Việc thu mua phế liệu về tái chế, cô đúc nhôm trong nhiều năm qua giúp người dân tại xã Văn Môn ngày một giàu có và làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế của địa phương.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 1

Tái chế nhôm giúp người dân làng Mẫn Xá trở nên giàu có nhưng số người mắc ung thư cũng gia tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, hệ luỵ kéo theo là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rác thải công nghiệp do tái chế, cô đúc nhôm bị người dân đổ tràn ra khắp các ngả đường, cánh đồng.

Với hơn 300 hộ sản xuất hoạt động suốt ngày đêm cùng hàng trăm ống khói "3 không" (không có hệ thống xử lý khí thải, không có hệ thống quan trắc, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường) ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường khiến cả vùng trời xã Văn Môn luôn bao trùm cảnh mờ mờ khói bụi cùng mùi hóa chất nồng nặc và rác thải vứt đầy đường.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 2

Hơn 300 ống khói " 3 không" ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường khiến không khí ở làng Mẫn Xá luôn đặc quánh mùi hóa chất.

Theo ước tính, mỗi ngày các lò cô đúc nhôm ở làng Mẫn Xã có thể tái chế từ 500kg đến 2.000 kg phế liệu. Theo đó, cứ mỗi 1 tấn phế liệu tái chế người dân thu được từ 700- 850kg nhôm, còn lại 150 đến 300 kg xỉ nhôm thải loại.

Hiện, mỗi năm làng Mẫn Xá tái chế ra khoảng 10.000 tấn nhôm thỏi thì có hàng nghìn tấn chất thải xỉ nhôm qua bao năm chất thành núi thải ra môi trường.

Đáng nói, người dân Mẫn Xá đều biết làm nghề tái chế nhôm là nguy hại sức khỏe nhưng vì kinh tế họ vẫn bất chấp xây dựng, hoạt động các lò tái chế nhôm ngay trong khuôn viên gia đình.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 3

Người dân Văn Môn cô đúc nhôm theo cách truyền thống, mang tính tự phát và theo mô hình hộ gia đình nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Lượng chất thải mà đa phần là xỉ nhôm thường xuyên được người dân làng nghề Mẫn Xá vứt thẳng ra những cánh đồng ven làng như một thói quen. Người trước đổ chất thải được thì người sau cũng đổ theo, dù chính quyền có nhiều hình thức ngăn cấm nhưng người dân vẫn mang những chất thải độc hại này đổ chất cao như núi.

Nỗi khốn khổ phải sống tại làng nghề ô nhiễm cứ dai dẳng, bám riết người dân làng Mẫn Xá và các địa phương xung quanh nhiều năm qua. Ở đây, dù ngày hay đêm, đông hay hè, các hộ dân đều đóng kín cửa để tránh khói bụi. Cây cối luôn phủ màu đen của khói bụi, không thể phát triển được.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 4

Cây cối ở đây luôn bị phủ thêm màu đen của khói bụi.

Anh M.V.H ở xã Văn Môn cho biết, nhiều năm qua người dân Văn Môn khổ sở sống chung với cảnh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng từ rác thải, khói bụi từ các lò cô đúc nhôm khiến cuộc sống như bị bóp nghẹt.

Chúng tôi ở đây mùa gì cũng khổ. Vào ngày nắng nóng thì khói bụi là thứ thường gặp ở đây, còn ngày mưa khi nước mưa gặp xỉ nhôm khô sẽ bốc mùi lên không chịu nổi. Người nào mới đến cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm ở đây. Nhiều hộ gia đình có kinh tế hoặc không làm nghề thì đã chuyển đi nơi khác sinh sống, chúng tôi vì không có kinh tế nên phải thích nghi, lâu rồi cũng thành quen”, anh H. ngao ngán cho biết.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 5

Việc sản xuất thủ công ở trong khu dân cư khiến không khí ở đây luôn ngột ngạt, khó chịu... đâu đâu cũng mờ mờ ảo ảo vì khói bụi, ngộp thở bởi mùi hóa chất.

Là một trong nhiều hộ cô đúc nhôm theo hướng truyền thống, ông Mẫn Văn Kiên cho biết, việc cô đúc nhôm thủ công gây ô nhiễm mội trường trầm trọng bởi khi cô nhôm sẽ tạo ra lượng xỉ nhôm, khói bụi rất lớn, đặc biệt lượng xỉ này lại không có chỗ xử lý nên người dân tự thu gom, mang đi đổ ra các chỗ đất trống.

Do làng nghề phát triển mà không có chỗ xử lý rác thải nên chúng tôi buộc phải đổ ra ngoài môi trường. Chúng tôi biết việc đổ ra ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe nhưng người dân ở đây không còn lựa chọn khác”, ông Kiên nói.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 6

Lượng xỉ nhôm ở Văn Môn đã lên đến 370 nghìn tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng trạm y tế xã Văn Môn, năm 2016 xã Văn Môn từng được công bố là một trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn thường mắc nhiều bệnh về đường hô hấp, đặc biệt số người bị ung thư lại tăng lên năm sau cao hơn năm trước, chủ yếu là các bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng, đường hô hấp.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn xã đã có 10 người chết vì các bệnh ung thư, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều gia đình vẫn có tâm lý cố che giấu bệnh”, ông Duy nhấn mạnh.

Có mẹ ruột mắc ung thư, anh B. ở làng Mẫn Xá tâm sự: "Ở làng bụi quá, mấy đứa trẻ con nhà tôi còn nhỏ, mẹ tôi lúc nào cũng muốn ra ngoài khu Phú Điền, Hương Mạc (Thị xã Từ Sơn) ở cho đỡ bụi. Vừa rồi tôi cũng cố gắng vay mượn mua được một miếng bên đấy rồi nhưng chưa xây được nhà thì mẹ tôi bất ngờ phát hiện bị ung thư. Tôi đang cố gắng từ giờ tới sang năm ra đó xây cái nhà đơn giản đưa mẹ ra đó ở cho đỡ bụi bặm mà ko biết làm được không...".

Mặc dù làng nghề đem lại kinh tế cho gia đình nhưng bố vừa qua đời năm ngoái, giờ lại đến mẹ bị ung thư khiến anh H. không khỏi lo sợ: "Chỗ tôi môi trường bị ô nhiễm nên càng ngày càng có nhiều người bị ung thư, thậm chí người bị ung thư có vẻ trẻ hóa nhiều hơn. Nói thật bọn tôi làm nghề nhưng giờ cũng thấy sợ rồi, cứ thế này đến đời sau không ở nổi trong làng".

Các hộ sản xuất tại Mẫn Xá chủ yếu theo kiểu hộ gia đình, tự phát nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không được chú trọng. Mặc dù không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng với thu nhập hàng trăm triệu một năm từ các lò đốt, tái chế nhôm nên làng nghề Mẫn Xá, Văn Môn vẫn hoạt động nhiều năm qua.

Bà H.T.L, thôn Mẫn Xá, Văn Môn chia sẻ: "Chúng tôi làm nghề cũng mấy chục năm rồi, việc cô đúc nhôm mang lại kinh tế cho chúng tôi nuôi sống cả gia đình. Nếu giờ vì ô nhiễm mà bỏ nghề thì chúng tôi không biết lấy gì để mà sống nên phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm môi trường. Cô đúc nhôm thì ai cũng biết là bụi, là bẩn, ô nhiễm độc hại nhưng vì cơm áo gạo tiền nên vẫn phải chịu thôi”.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 7

Nguyên liệu để tái chế nhôm luôn có thêm một lượng lớn dầu mỡ, hóa chất độc hại thải ra môi trường.

Ông Bùi Đức Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, xã Văn Môn có làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá, trước đây làng nghề chỉ phục vụ dân sinh như cô đúc xoong nồi, chảo nhôm phục vụ bà con. Khi kinh tế thị trường phát triển thì làng nghề phát triển theo hướng cô đúc thành phẩm phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp. Việc sản lượng tăng kéo theo lượng lớn xỉ nhôm lớn được thải ra môi trường đã ảnh hướng lớn đến đời sống người dân.

“Mỗi năm, làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá có hàng trăm, hàng nghìn tấn xỉ nhôm không được xử lý hoặc chưa được qua xử lý được người dân mang ra đổ ngay xung quanh làng, cứ chỗ nào có đất trống, ao hồ là người dân đổ khiến nơi đây trở thành những bãi rác công nghiệp khổng lồ. Người dân nơi đây ngày đêm phải sống chung với cảnh môi trường ô nhiễm trầm trọng, rác thải, khói bụi bủa vây, bóp nghẹt cuộc sống, sức khỏe của người dân từng ngày, từng giờ”, ông Thuyên cho biết thêm.

Nỗi ám ảnh không khí nồng nặc hóa chất của người dân 'làng ung thư' ở Bắc Ninh - 8

Ông Bùi Đức Thuyên, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Cũng theo ông Thuyên, trong làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá hiện nay chỉ duy nhất có Công ty Vạn Lợi là có giấy tờ về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và có trạm quan trắc tự động tại công ty, còn lại là những hộ dân sản xuất theo truyền thống, mang tính tự phát nên không lò nào đảm bảo về môi trường.

"Xã Văn Môn đang xây dựng cụm công nghiệp làng nghề có diện tích 29,7ha; phấn đấu đưa các hộ cô, đúc nhôm trong cụm dân cư ra ngoài đấy để từng bước khắc phục triệt việc đổ rác, đổ xỉ nhôm và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề Mẫn Xá", ông Thuyên chia sẻ.

Đáng nói, trong khi thực trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề cô đúc nhôm Văn Môn chưa được khắc phục triệt để thì mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND về việc công nhận xã Văn Môn, huyện Yên Phong đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Theo quyết định trên, xã Văn Môn được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng công nhận danh hiệu "Xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019" và kèm theo số tiền thưởng là 200 triệu đồng.

Văn Chương
Bình luận
vtcnews.vn