• Zalo

Hỗ trợ tín dụng, ngân hàng lo nợ xấu: Chuyên gia khuyến cáo gì?

Tài chínhThứ Bảy, 11/04/2020 15:24:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch, ngân hàng đồng loạt triển khai các gói hỗ trợ tín dụng nhưng đi kèm với đó là nỗi lo gia tăng nợ xấu.

Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng, hiện tại nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.

Hỗ trợ tín dụng, ngân hàng lo nợ xấu: Chuyên gia khuyến cáo gì? - 1

Các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Sau chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng triển khai các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu. 

Tuy nhiên, động thái này cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, hay nói cách khác ngân hàng phải chấp nhận việc lợi nhuận sụt giảm, đi cùng với đó là giảm lương, thưởng, chi tiêu hoạt động…

Ví dụ như: Ngân hàng HDBank thông báo giảm thu nhập 10 - 25%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%, giảm lợi nhuận năm xuống tối thiểu 1.000 tỷ đồng… 

Mặt khác, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc cho doanh nghiệp vay cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Bình luận về vấn đề này với VTC News, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Doanh nghiệp đang rất lao đao đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc triển khai các gói hỗ trợ là rất cần thiết, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang làm rất tốt điều này. Tuy nhiên, NH cũng phải tính toán đến khả năng nợ xấu tăng lên, kể cả các trường hợp là hoãn nợ, giãn thời gian trả nợ thì khả năng trả nợ của khách hàng doanh nghiệp cũng bị dao động rất nhiều. Sẽ có trường hợp không những chậm trả nợ mà còn mất khả năng trả nợ, doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản và ra đi vĩnh viễn” .

Cùng quan điểm, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM- cho rằng, việc gia tăng nợ xấu dưới tác động của dịch COVID-19 là không thể tránh khỏi: “Đương nhiên khi khủng hoảng thì bao giờ cũng sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế, nhưng nếu chúng ta có phương án tính toán tốt thì sẽ giảm thiểu được sự tổn hại và đặc biệt kiểm soát dịch càng sớm bao nhiêu thì tác động sẽ giảm bấy nhiêu”, ông Ngân nói.

Video: Gói tín dụng 285.000 tỷ đồng - giải nguy cho các doanh nghiệp mùa Covid-19:

Vì vậy, theo các chuyên gia, lúc này ngân hàng phải có sự lựa chọn đánh giá chính xác các đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu tiên những ngành nghề, lĩnh vực bị thiệt hại nặng. Tinh thần là ngân hàng không buộc doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn, tạo thuận lợi để doanh nghiệp duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng ngân hàng cũng phái có các kịch bản dự kiến từ tình huống tốt nhất đến xấu nhất.

Ngân hàng nên gia tăng hình thức vay đảm bảo bằng tài sản đối với doanh nghiệp là tốt nhất, còn nếu doanh nghiệp không có tài sản thế chấp ví dụ như các công ty lữ hành, công ty môi giới bất động sản... thì ngân hàng phải đưa ra các phương án trao đổi với khách hàng trước khi tình hình trở nên xấu hơn. Thống nhất các phương án khoanh nợ, giãn nợ, tha nợ cho khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

Còn TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên ngân hàng cũng phải tự cân đối trong khả năng tài chính của mình.

Nhu cầu giảm lãi, cơ cấu nợ của khách hàng là quá lớn nên các ngân hàng phải khảo sát, đánh giá kỹ đúng đối tượng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tự cân đối giảm lãi, giảm phí trong khả năng tài chính của mình và dựa trên sự tín nhiệm của doanh nghiệp với ngân hàng, khả năng phục hồi của doanh nghiệp...để triển khai”,TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia đánh giá, NHTM cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía NHNN để có thêm nguồn lực.

Dĩ nhiên ở đây đòi hỏi NHNN cũng phải có thông điệp rõ ràng là cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM, cũng như có động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay là giảm lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn để hỗ trợ cho các NHTM có thêm nguồn lực mạnh dạn thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp”. PGS.TS. Trần Hoàng Ngân kiến nghị.

Các chuyên gia tin tưởng với những bài học trong việc triển khai các gói hỗ trợ từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng suy thoái kinh tế 2008-2009, Việt Nam sẽ triển khai thành công các gói hỗ trợ kinh tế nói chung và gói hỗ trợ tín dụng nói riêng. 

Quan trọng nhất là tiếp sức thêm cho doanh nghiệp vượt qua được đáy do tác động của dịch bệnh. Ngay các dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho thấy Việt Nam sẽ tăng trưởng rất cao năm 2021 ở mức 6,8 - 7,5 %. Như vậy, chỉ cần giúp cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động trở lại, phát triển và có tiền trả cho ngân hàng”, ông Ngân nói.                     

Lan Hương
Bình luận
vtcnews.vn