• Zalo

Nới room tín dụng: Thời điểm hợp lý để ngân hàng giải ngân vốn cho DN

Tài chínhThứ Sáu, 09/09/2022 15:28:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo chuyên gia, hiện thị trường đang rất lành mạnh sau một thời gian được thanh lọc, ngân hàng vì thế không quá lo khi giải ngân vốn cho doanh nghiệp.

Trước thông tin ngân hàng được nới room tín dụng, có ý kiến e ngại dễ phát sinh những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, thị trường đang rất sáng sủa nên đây là thời điểm hợp lý để ngân hàng giải ngân vốn.

Thị trường không còn hỗn loạn

Trả lời VTC News, TS. Nguyễn Hồng Minh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) lạc quan: Thị trường vừa trải qua gần nửa năm bị ngân hàng "siết tín dụng". Với doanh nghiệp, đây là thông tin tiêu cực nhưng ngược lại với thị trường, đây lại là thông tin tích cực. Người ta thường nói "lửa thử vàng", câu nói này đúng trong thực tế nêu trên. Bởi khi bị siết tín dụng sẽ lộ rõ những doanh nghiệp yếu - khỏe, có tiềm lực hay không tiềm lực. Ví dụ, ở lĩnh vực bất động sản, sau một thời gian không thể cầm cự, những doanh nghiệp yếu kém, không có tiềm lực, sống dựa hoàn toàn vào đòn bẩy tài chính…chắc chắn bị thanh lọc. Hay những dự án có vấn đề cũng không thể triển khai vì không được ngân hàng rót vốn.

Nới room tín dụng: Thời điểm hợp lý để ngân hàng giải ngân vốn cho DN - 1

Chuyên gia cho rằng, việc nới room tín dụng cho ngân hàng để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn là cần thiết và hợp lý. (Ảnh minh họa: CAND)

Do vậy, theo ông Minh, thời điểm này, dù chính sách tín dụng được nới trở lại nhưng thị trường cũng không còn hỗn loạn như trước. "Hiện trên thị trường chỉ còn những doanh nghiệp sống khỏe, những chủ đầu tư uy tín, những dự án ngon và giá tốt. Sau cuộc thanh lọc này, thị trường đã trở nên lành mạnh hơn", ông Minh nói. 

Cũng theo ông Minh, chính vì bối cảnh lạc quan này nên ngân hàng không cần quá lo lắng khi giải ngân vốn cho doanh nghiệp. Ông Minh phân tích thêm: "Ngân hàng có cả một hệ thống quản lý, sổ tay tín dụng với các quy định, quy trình thẩm định vô cùng chặt chẽ. Chỉ cần đúng quy trình thì sẽ cho vay không thể nào “trượt” được nên nguy cơ nợ xấu là không cao”, ông Minh nói.

Chia sẻ rõ hơn về bức tranh doanh nghiệp sau thời gian bị siết tín dụng, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tính đến thời điểm này, cả nước có hơn 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước); hơn 10.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và gần 95.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 18,7%).

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp rút khỏi cuộc chơi đó là thiếu hụt dòng vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế. Rõ ràng những doanh nghiệp không có tiềm lực, không hoạt động hiệu quả thì không thể trụ lại và bị đào thải là điều đương nhiên.

Hiện trên thị trường chỉ còn những doanh nghiệp sống khỏe, những chủ đầu tư uy tín, những dự án ngon và giá tốt. Sau cuộc thanh lọc này, thị trường đã trở nên lành mạnh hơn

TS Nguyễn Hồng Minh - Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân

Chung quan điểm, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - thẳng thắn chia sẻ: "Không có gì phải quá lo khi NHNN nới room tín dụng. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp là rất lớn và quan trọng là nhu cầu thật, họ chỉ mong ngân hàng được nới room để được giải ngân vốn cho vay. Đa số vốn vay này đều đi vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế xã hội chứ không phải vay để đầu cơ, vì chủ yếu hiện không còn những doanh nghiệp đầu cơ, sử dụng đòn bẩy tài chính nữa".

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - nhận định, thời gian qua, việc chúng ta xem xét, quản lý các hoạt động doanh nghiệp, thị trường vừa qua cũng có thể nói là đã đạt được sự thanh lọc: “Các doanh nghiệp không có năng lực phát triển đã được thanh lọc không chỉ trong những tháng vừa qua, mà còn từ những năm trước, trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch COVID-19".

Theo ông Thịnh, trước động thái kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý, hoạt động của các doanh nghiệp đã đi vào nề nếp, doanh nghiệp hoạt động cũng chuẩn chỉnh hơn. "Do đó, việc mở room tín dụng lần này tôi nghĩ là an toàn và ít mối lo", ông Thịnh nhận xét.

Đứng về góc độ doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nói: “Doanh nghiệp có khoẻ thì nền kinh tế mới vững. Khi doanh nghiệp có vốn mở rộng sản xuất, đầu tư mua nguyên liệu và sẽ quay vòng, tính thanh khoản lớn và tạo ra lợi ích nhanh. Do vậy, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại”.

Ông Bùi Đăng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Tứ Phương (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào vay vốn ngân hàng, sử dụng đòn bẩy tài chính thì sản xuất, kinh doanh dù có lãi gấp đôi cũng khó có thể duy trì được đến thời điểm này. Nên những nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện nay là có thật, nhằm mục đích tăng trường. Như doanh nghiệp của tôi, nếu có thể vay được thì rất tốt, không vay được thì vẫn có cách phát triển vì chúng tôi chủ động được nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh chứ không phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính. Nhưng nếu được giải ngân thì vẫn tốt hơn vì sẽ có kế hoạch dài hơi hơn”.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng cho rằng, thời gian qua, những cá nhân, tổ chức đầu cơ, bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị siết vốn. Khi đó, những đối tượng này không thể cho ra những sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phần lớn bị đào thải.

Ngược lại, với những doanh nghiệp, đơn vị có đủ năng lực, sức khoẻ và tự chủ về tài chính thì họ vẫn duy trì hoạt động. Bởi tiềm lực có, nguồn tiền có, nguồn hàng có thì họ vẫn cho ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, ví dụ như nhà xã hội, chung cư giá rẻ thì lúc nào thị trường cũng cần, còn nhà ở cao cấp, chung cư cao cấp hiện nay thì đối tượng bị thu hẹp lại, trong khi giá bị đẩy lên cao vời vợi khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc.

"Nếu không có thực lực thì rất dễ bị phá sản. Do đó, tôi tin trên thị trường chỉ còn lại những đơn vị có sức, có lực, xứng đáng được ngân hàng giải ngân vốn", vị này nói.

Nới room tín dụng không riêng ngành, lĩnh vực nào

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực một số ý kiến nêu quan điểm không cho vay vốn với bất động sản, điều này là không đúng, mà phải xem xét tùy phân khúc, khách hàng. "Bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp vẫn phải cho doanh nghiệp vay, vì người dân vẫn thiếu nhà ở, nhu cầu nhà ở vẫn cao, còn bất động sản khu công nghiệp thì rất cần để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", ông Lực phân tích.

Còn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nói: “Thời điểm này, những doanh nghiệp bất động sản còn trụ lại trên thị trường chắc chắn là những doanh nghiệp có sức khỏe, có khả năng chi trả nợ nếu vay ngân hàng. Cái họ cần bây giờ là cần vốn để tăng trưởng, phát triển và về đích cuối năm. Những doanh nghiệp trước kia chỉ dùng đòn bẩy tài chính hay những dự án có vấn đề không còn trụ lại sau một thời gian dài bị siết vốn. Nếu đã xác định được bối cảnh này thì ngân hàng nên rót vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Nới room tín dụng: Thời điểm hợp lý để ngân hàng giải ngân vốn cho DN - 2

Bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực kinh tế cần được rót vốn nhiều nhất. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nới room tín dụng là để cứu tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó có cả bất động sản. Bất động sản mà hết vốn, không được cấp thêm thì sẽ vỡ trận, gây hệ lụy ngược lại đối với ngân hàng. Bởi, không có thêm vốn, bất động sản sẽ chậm tiến độ, không kịp thời gian để đúng với cam kết bán hàng, dẫn đến chuyện doanh nghiệp bất động sản không trả được lãi cho các khoản vay ngân hàng. 

Thêm vào đó, với các doanh nghiệp bất động sản có phát hành trái phiếu thường đến cuối năm là đến đợt trả lãi. Nếu không có nguồn tiền để trả lãi sẽ dẫn đến thị trường trái phiếu, chứng khoán bị ảnh hưởng…Nợ xấu từ đây dễ bị phát sinh, hiệu ứng đổ vỡ domino là có thể xảy ra.

Việc thiếu vốn cho bất động sản cũng là một yếu tố làm cho thị trường mất cân đối, gây nên cảnh khan hàng nhưng vì thiếu vốn nên dự án không thể hoàn thành.

Tuy vậy, theo ông Đính, việc cứu doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng các phương án. Cứu chỗ nào cho hợp lý, nếu cứu vào những dự án đầu cơ thì hỏng.

“Phải cứu đúng vào những dự án nhu cầu cần, xã hội cần như những dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, các vùng phát triển kinh tế cần nhà ở cho công nhân…", ông Đính nói.

Kỳ vọng về một nền kinh tế khi cả nước có gần 900.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: “Cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động tương đối hiệu quả. Con số này cho thấy Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương đang rất nỗ lực để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, việc duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là giải pháp phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn này”.

NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và thông báo tới các ngân hàng này.

Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức này, đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

PHẠM DUY- CÔNG HIẾU - THÀNH LÂM
Bình luận
vtcnews.vn