Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2021 do tỉnh Vĩnh Long triển khai.
Ngày hội Sữa học đường tỉnh Vĩnh Long có sự tham dự của Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ - Qũy Bảo trợ Trẻ em Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, Ngành; Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, Lãnh đạo Sở, Ban, Ngành tỉnh Vĩnh Long và đại diện Công ty Vinamilk.
Với sự quan tâm dành cho thế hệ tương lai của đất nước, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ sự phát triển của trẻ em, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương trong tương lai. Trong đó có đề án "Sữa học đường cho trẻ trường mầm non và tiểu học công lập giai đoạn 2018-2021" với mục tiêu cải thiện, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho học sinh mầm non, tiểu học, từ đó giúp các em phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.
Với sự đồng hành của Công ty Vinamilk - doanh nghiệp cung cấp sữa và phối hợp triển khai chương trình từ năm học 2019-2020, đến nay, chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề cho việc mở rộng phạm vi trẻ em được thụ hưởng trong năm học 2020-2021 này. Cụ thể, đến tháng 11/2020, đã có 283 trường mẫu giáo và tiểu học, với tổng số trẻ là hơn 46.300 trẻ mầm non và tiểu học công lập tham gia uống sữa theo chương trình Sữa học đường. So với năm đầu tiên, số học sinh tham gia ngày càng tăng, đặc biệt học sinh tiểu học đăng ký tham gia đã tăng lên gấp đôi từ hơn 10.600 lên đến gần 20.000 trẻ.
Bà Trương Thanh Nhuận – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trong năm đầu tiên thực hiện, kết quả quan trọng đạt được đó là nhận thức trong cộng đồng về việc uống sữa để có thể góp phần tăng tầm vóc và thể lực của trẻ em tỉnh nhà nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung. Với những hiệu quả bước đầu của chương trình Sữa học đường, nhận thức của phụ huynh được nâng cao và các cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục đã được tăng cường. Về phía ngành, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu với Tỉnh Ủy, UBND Tỉnh để tiếp tục nhân rộng chương trình này, mở rộng hơn đối tượng để tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh đều được thụ hưởng Sữa học đường”.
Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan và không thể thiếu sự nỗ lực tham gia của cán bộ giáo dục và thầy cô giáo. Ngày hội Sữa học đường lần này còn là dịp để nhìn lại hành trình năm đầu tiên triển khai Sữa học đường cũng như ghi nhận sự đóng góp của các đơn vị liên quan, cán bộ giáo dục, thầy cô giáo, từ đó, định hướng thực hiện cho năm học tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.
Chia sẻ về chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích – Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, TP. Vĩnh Long cho biết: “Do tình yêu trẻ con nên tôi chọn nghề giáo viên, đến nay tôi công tác trong ngành đã được 26 năm. Tôi thấy rằng chương trình Sữa học đường rất có ý nghĩa, giúp trẻ bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển đầy đủ cả trí não và thể chất của học sinh. Ở lớp của tôi hiện nay có hơn 90% trẻ tham gia Sữa học đường, phụ huynh rất nhiệt tình ủng hộ, nhà trường hoàn toàn không khó khăn gì trong việc vận động phụ huynh đăng ký cho con uống sữa”.
Tuy còn nhiều khó khăn trong năm đầu thực hiện, nhưng với nỗ lực cao nhất để các em học sinh được chăm sóc dinh dưỡng ngay từ ghế nhà trường, hàng triệu hộp sữa vẫn đều đặn đến tay các em học sinh đầy đủ theo quy định và đảm bảo triển khai chương trình an toàn, hiệu quả.
Ghi nhận ý kiến thực tế sau 1 năm triển khai cho thấy, với nhiều lợi ích thiết thực, chương trình Sữa học đường đang nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng và phụ huynh học sinh. Ngoài việc yên tâm về chất lượng sữa đến từ thương hiệu uy tín, chương trình còn giúp các bé được uống sữa đều đặn, trẻ có thêm niềm vui đến lớp và chia sẻ chi phí uống sữa với phụ huynh học sinh.
Vĩnh Long là tỉnh thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong 26 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay thực hiện chương trình Sữa học đường. Như nhiều địa phương khác, chương trình Sữa học đường tỉnh Vĩnh Long cũng được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, ngân sách tỉnh và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 50% chi phí, phụ huynh chỉ phải đóng góp 50%. Các trường hợp trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được hỗ trợ 100% chi phí để các em cũng được uống sữa như các bạn.
Bình luận