• Zalo

Những thứ đắt như vàng ròng trong đại ngàn Hoàng Liên

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 26/12/2012 06:21:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người Trung Quốc thường mang vàng lên Tây Tạng thu mua loài nấm này. Củ nấm nặng 1 lạng, thì họ đổi 1 lạng vàng.

(VTC News) - Người Trung Quốc thường mang vàng lên Tây Tạng thu mua loài nấm này. Củ nấm nặng 1 lạng, thì họ đổi 1 lạng vàng.


Kỳ 10: "Vàng ròng" trong đại ngàn Hoàng Liên

Không chỉ cỏ nhung, thứ thần dược quý hiếm, mà vô số loài thảo dược cực quý trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn cũng bị người dân nhổ sạch bán sang Trung Quốc với giá rẻ mạt.

Hồi ông Trần Ngọc Lâm lên đỉnh Fansipan sống trong hang, ông bất ngờ khi phát hiện có rất nhiều thiết trúc nhân sâm ở độ cao từ 2.500m trở lên trên núi Hoàng Liên Sơn.

Loài sâm trúc này cũng từng có nhiều ở Tây Tạng, trên độ cao 4.000-5.000m. Các nhà sư Tây Tạng đánh giá nó quý ngang với sâm Triều Tiên. Họ gọi là sâm Hymalaya, còn người Trung Quốc gọi là thiết trúc nhân sâm, hoặc sâm trúc. Tuy nhiên, loài sâm này ở Tây Tạng đã cạn kiệt hoàn toàn do bị khai thác triệt để.

Đại ngàn Hoàng Liên Sơn chìm trong mây mù có rất nhiều dược liệu quý 
Sâm trúc có hình thù rất lạ, thân trông như củ, củ giống như thân. Loài sâm này mỗi năm một lần rụng lá và mọc thêm một đốt, dài bằng đốt ngón tay. Cây sâm càng già thì đốt càng ngắn lại. Mỗi năm nó chỉ ra 3-4 lá và mỗi lá có 7 thùy.

Củ sâm mọc ngẩng lên trời, nhưng được vài năm, thân nặng quá, lại gục xuống, rồi bị mùn lá phủ lên che kín, thành thử phần thân nó chìm trong đất đá. Củ của loài sâm này cũng hình người như những loài sâm khác.

Ông Lâm đã từng đào được một củ sâm 800 tuổi ở độ cao 2.700m trên sườn Fansipan phía Lai Châu. Sở dĩ ông Lâm khẳng định củ sâm này đã 800 tuổi, vì thân nó có đúng 800 đốt. Điều này có nghĩa cây sâm này mọc từ thời Trần.
Bình rượu ngâm một phần củ sâm 800 tuổi của ông Lâm 
Ông Lâm bảo rằng, ông thừa biết giá trị củ sâm đó rất khủng khiếp nếu bán sang Trung Quốc, tuy nhiên, ông đã không làm vậy. Nếu bán nó sang Trung Quốc, người Trung Quốc biết Hoàng Liên Sơn có sâm quý, họ sẽ tìm sang thu mua tận diệt.

Thế nên, thay vì bán củ sâm kiếm tiền tỉ, ông đã chặt khúc biếu hàng xóm, bạn bè, con cháu. Phần còn lại ông ngâm vào bình rượu to tướng và mời mọi người uống chơi.

Hồi ông Nguyễn Hữu Khai (Tập đoàn Bảo Long) và GS. Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Dược) lên Lào Cai, xem bình rượu ngâm củ sâm 800 tuổi của ông Lâm đã choáng váng.

Hai ông cho biết, dù có đào tung trái đất này, cũng không thể kiếm được củ sâm già khủng khiếp như thế. Trên thế giới, củ sâm 2-3 trăm tuổi, đã được coi là báu vật vô giá rồi.
Ông Lâm phát hiện vô số thảo dược quý trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn 
Ông Lâm chưa kịp mừng vì phát hiện “kho báu vật sâm” trong đại ngàn Hoàng Liên, thì một ngày, vào khoảng năm 2.000, ông bỗng thấy đồng bào H’Mông với gùi, cuốc, thuổng ầm ầm lên núi đào bới.

Ông Lâm hỏi họ kéo vào rừng đào bới gì, họ bảo đi kiếm “khoai lang núi”. Ông Lâm ngã ngửa khi thấy ai nấy cõng ật ưỡng gùi thiết trúc nhân sâm.

Lúc này, ông Lâm mới biết, người Trung Quốc mang củ thiết trúc nhân sâm có thân ngoằn ngoèo như con rắn, mỗi thân có nhiều đốt sang Lào Cai, đến tận các bản người H’Mông và nói rằng muốn thu mua thật nhiều… “khoai lang núi”. Họ bảo với đồng bào rằng cần thu mua những củ “khoai lang núi” này để… ăn chống đói.

Thế là, đồng bào ầm ầm vào rừng Hoàng Liên Sơn, đào bới không biết bao nhiêu “khoai lang núi”, hết tấn nọ đến tấn kia, bán cho người ta.
Gốc cây X. khổng lồ cho loài nấm Phục linh thiên 
Lúc đầu, giá mỗi kg “khoai lang núi” chỉ có mấy ngàn đồng, sau tăng lên vài chục ngàn, rồi tăng lên vài trăm ngàn đồng. Khi người Trung Quốc nâng giá “khoai lang núi” lên vài triệu một kg, thì có xới tung cả cánh rừng cũng chả tìm ra củ nào nữa.

Nhìn cảnh ấy, ông Lâm lòng đau như cắt. Gặp ai ông cũng bảo đây là loài sâm cực quý, chứ không phải “khoai lang núi”, nhưng không ai tin. Đồng bào H’Mông còn cãi rằng, củ này tổ tiên họ gọi là thằn lằn đá, vì thân nó giống con thằn lằn, lại mọc trên đá.

Đồng bào H’Mông cũng thường đào củ “thằn lằn đá” nhai sống như khoai, hoặc luộc ăn như thứ lương thực bình thường. Khi leo núi, thấy mệt, họ đào củ “thằn lằn núi”, ngậm miếng nhỏ trong miệng sẽ hết mệt.

Chỉ có ông Lâm mới biết “khoai lang núi”, hay củ thằn lằn đá chính là thiết trúc nhân sâm, một loài sâm có giá trị dược liệu tương đương sâm Ngọc Linh, không kém gì sâm Triều Tiên.
Tác giả bên một gốc cây X. quý hiếm trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn 
Giờ thì loài sâm quý ấy, cùng với hàng chục loại dược liệu cũng đã biến mất khỏi đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Giờ đây, người Việt muốn mua củ sâm vài chục năm tuổi, phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Sâm Ngọc Linh hoang dã hiện tại cũng có giá tới nửa tỷ đồng cho 1 kg.

Trong số hàng trăm dược liệu quý như báu vật ở Hoàng Liên Sơn, thì có một loài nấm vô cùng quý hiếm, được người Trung Quốc so sánh với vàng ròng, đó chính là nấm Phục linh thiên.

Hồi lang thang sâu trong rừng, ở độ cao 2.800m, ông Lâm đã phát hiện có một cánh rừng, toàn những cây X. (tác giả xin giấu tên) hàng ngàn năm tuổi. Cây nào cây nấy to vài người ôm, cao 60-70m, tán che phủ cả góc núi.

Cây này họ nhà thông, gỗ màu đỏ, vân đẹp hơn cả thủy tùng. Ở Trung Quốc, tại khu du lịch Vân Long, có 1 cây chỉ cỡ hơn 1 người ôm, mà họ rào kín và quảng cáo đã 1.000 năm tuổi, khiến du khách ùn ùn kéo tới chiêm ngưỡng. Loài cây này trên thế giới cũng vô cùng hiếm. Ở Việt Nam chỉ mới phát hiện duy nhất ở Hoàng Liên Sơn, trên độ cao 2.800m và số lượng khoảng 400 cây.
Củ nấm Phục linh thiên 
Loài cây này có sức sống vô cùng kỳ lạ. Ở độ cao như thế, lạnh giá, gió lớn, chỉ toàn đá trọc lốc, loài trúc chỉ nhỏ bằng que tăm, các cây khác chỉ cỡ bắp tay, nhưng cây X. đều to lớn khổng lồ. Ông Lâm để ý những cành cây bị gió quật gãy xuống đất, tới 2 tháng sau lá vẫn tươi nguyên.

Ở Tây Tạng cũng có một cánh rừng cây X. bí mật. Ông Lâm đã được theo chân các thiền sư đi lấy củ nấm này nên ông nhớ. Các thiền sư Tây Tạng chỉ dùng một lát nhỏ của củ nấm chế vào các vị thuốc điều trị ung thư cho các bệnh nhân nặng. Người Trung Quốc thường tìm lên Tây Tạng thu mua loài nấm này. Họ dùng vàng để mua bán. Củ nấm nặng 1 lạng, thì họ đổi 1 lạng vàng.

Xưa kia, loài nấm này dùng để cung tiến triều đình và chỉ vua chúa mới được ăn. Nấm Phục linh thiên hầm với chim công làm món ăn bổ dưỡng tuyệt đỉnh cho vua chúa.
 
Người Trung Quốc sẵn sàng đổi vàng lấy Phục linh thiên 
Bản thân tôi cũng đã được ông Lâm mời ăn thử món Phục linh thiên cực quý này. Chỉ có điều, không kiếm ra chim công, nên thay bằng… gà già. Điều khá lạ là củ nấm này khi chưa nấu thì mềm nhũn, nhưng đem hầm với gà mấy tiếng, đến xương gà cũng mục, thì miếng nấm lại cứng đơ, nhai giòn sần sật.

Cái tên nấm Phục linh thiên là do ông Lâm tự đặt ra. Ở Việt Nam, các nhà khoa học phát hiện loài nấm rất quý, mọc trong lòng đất, ở rễ cây thông trong Lâm Đồng, gọi là Phục linh thần. Loài nấm này mọc ở trên ngọn cây X., nên ông đặt là Phục linh thiên.

Khi cây X. bị thương, cây sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương. Do một cơ duyên nào đó, loài nấm này sẽ mọc ở khối nhựa của cây X. Nó chỉ mọc vào thời điểm nhất định trong năm.

Một năm, ông Lâm chỉ thu hái được vài củ nấm. Có năm chẳng được củ nào. Ông không hái bán sang Trung Quốc kiếm vàng ròng, mà pha vào thuốc để chữa bệnh cho mình và cho các bệnh nhân khác.
Ông Lâm cho mẩu nấm Phục linh thiên vào bài thuốc điều trị ung thư thì thấy hiệu quả rõ rệt 
Ông Lâm kể rằng, hồi sang Tây Tạng thăm các thiền sư đã từng cứu sống ông, ông tặng các thiền sư ở đây mấy quả nấm Phục linh thiên của Hoàng Liên Sơn. Các vị thiền sư đã chết lặng khi nhận được món quà mà với họ là vô cùng quý hiếm.

Một vị thiền sư từng chữa bệnh ung thư cho ông Lâm hỏi: “Con lấy thứ quý hiếm này ở đâu ra vậy?”. Ông Lâm trả lời: “Ở Việt Nam con nấu canh ăn hàng ngày”. Vị thiền sư đã tát ông Lâm một cái nổ đom đóm và bảo: “Anh có biết việc anh ăn vô tội vạ như thế đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu người không?”.

Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về nấm Phục linh thiên, cũng không có nhà dược học nào biết về loài nấm này. Tuy nhiên, theo “người rừng” Trần Ngọc Lâm, qua thực tế sử dụng nhiều năm nay, ông thấy Phục linh thiên có tác dụng ức chế khối u. Khi ông cho thêm vài lát Phục linh thiên vào bài thuốc trị ung thư, ông cảm thấy tác dụng mạnh hơn, dài hơn. Ông cũng đã thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân ung thư và thấy kết quả rõ rệt. Với người huyết áp thấp, ốm yếu, suy nhược, thì quả nấm Phục linh thiên có tác dụng kỳ diệu.
Toàn bộ phóng sự hấp dẫn của phóng viên Phạm Ngọc Dương liên quan đến "người rừng" ung thư Trần Ngọc Lâm

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn