GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói về sự thay đổi của những phát biểu trên diễn đàn Quốc hội.
Là người nhiều năm theo sát các kỳ họp của Quốc hội, sau đó, tham gia 2 khóa liên tiếp XI và XII, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nhận thấy rõ từng bước chuyển mình ngày càng tiến bộ của Quốc hội qua mỗi kỳ họp, mỗi nhiệm kỳ.
Ông Thuyết kể, trước năm 1985, tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội muốn phát biểu phải chuẩn bị sẵn văn bản đánh máy, thông qua Đoàn Đại biểu, sau đó gửi cho Đoàn Thư ký để sửa chữa, biên tập. Lên nghị trường, đại biểu cầm văn bản đã được duyệt đó để đọc.
Ngày đó, việc đổi tiền và chính sách giá - lương - tiền gây nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội và đời sống người dân, nhưng nhiều người chưa nhìn ra hoặc không dám phê phán những bất cập. Khi được triệu tập, các Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi cho Đoàn Thư ký nội dung bài phát biểu dự kiến sẽ đọc. Tuy nhiên, đa phần nội dung cơ bản nhất trí, tán thành với chủ trương, chính sách.
Tuy nhiên khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) báo cáo tình hình kinh tế - xã hội có một ý là: “Các địa phương đã không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền”, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long thấy chưa phù hợp với thực tế.
Bởi sau khi đổi tiền, giá hàng hóa tăng cao gấp 10 lần, trong khi lương thấp. Giá vé xe đò tăng cao gấp 5-7 lần, nhiều người đi xa không đủ tiền phải nằm lại bến. Thiếu tiền lẻ khiến việc mua vé tàu xe, ăn hủ tiếu không có tiền lẻ để trả, phải thế chấp Giấy chứng minh nhân dân. Người dân lao đao vì thiếu tiền lẻ trong chi tiêu, mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày.
Tối đó, đoàn Cửu Long ngồi họp lại với nhau, mong muốn được phản ánh những bức xúc từ hiện thực cuộc sống. Đoàn quyết định cử bà Đào Thị Biểu là người sẽ phát biểu trước Quốc hội.
Tất cả đoàn chọn bà Biểu vì gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân bà là người có công trong kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, bà là phụ nữ nên sẽ nói năng mềm mại, từ tốn và nếu có bị phản ứng chắc cũng đỡ gay gắt hơn.
Đoàn đại biểu Cửu Long đã làm một báo cáo có nội dung tương đối “hiền lành” để gửi cho Đoàn Thư ký. Sau đó, Đoàn cũng bí mật làm một báo cáo khác, đưa sang một nơi khác để đánh máy, rồi giao cho bà Biểu.
Trước ngày họp, có người còn căn ngăn bà Biểu. Lúc đó ai cũng nghĩ rằng điều không hay sẽ đến vì trước đó không có chuyện đại biểu tự đứng lên phát biểu mà lại trái với các nhận định của cấp trên.
Ngày cuối cùng của kỳ họp năm ấy, bà Đào Thị Biểu đã thẳng thắn nói: “Chúng tôi cho rằng 10 năm qua chưa lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá - lương - tiền vừa qua.
Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực: vo tròn giá hay nâng giá vì thiếu tiền lẻ và mua bán tiền lẻ... Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền, nhưng ưu thế gì mà phát huy…
Tóm lại, chúng tôi cho rằng nhận xét của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là không đúng sự thật, đánh giá sai - đúng trong đổi tiền chưa đúng mức, còn đổ lỗi cho khách quan và bên dưới, chưa nói rõ, chỉ đúng ai chịu trách nhiệm chính trong sai lầm vừa qua để công khai xử lý trước dân”…
Bài phát biểu kéo dài 10 phút trong sự ngạc nhiên và nhiều tiếng vỗ tay ủng hộ của đại biểu.
Tất cả đều hồi hộp, nhưng cũng rất may chúng ta đã có đổi mới và các đồng chí lãnh đạo tiếp thu, cho rằng ý kiến của đoàn đại biểu tỉnh Cửu Long, của bà Đào Thị Biểu là đúng, không phải là sự phản ứng tiêu cực.
Quá trình đưa những phiên họp của Quốc hội lên sóng phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Với TS Nguyễn Sĩ Dũng, gần 3 thập kỷ công tác tại Văn phòng Quốc hội, đúng vào giai đoạn cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam có nhiều thay đổi đột phá, là những kỷ niệm luôn đầy ắp trong trí nhớ của ông.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (giai đoạn 10/2003 - 3/2016), từ việc đại biểu phải “nộp bài” trước khi phát biểu đến việc được phát biểu trực tiếp là một chặng đường, từ việc phát biểu trực tiếp đến công khai các phiên chất vấn trên phát thanh và truyền hình trực tiếp lại thêm một chặng đường nữa.
Và trên con đường để Quốc hội sau chiến tranh ngày càng công khai, minh bạch, gần dân có dấu ấn lớn của các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Câu chuyện như sôi nổi hơn khi đề cập đến dấu ấn của các nhiệm kỳ Quốc hội từ hiện tại đến trở về quá khứ.
Trong câu chuyện thời còn công tác của mình ông thường xuyên nhắc tới người lãnh đạo trực tiếp của mình là nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão.
Trong hồi ức của TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng như chính những chia sẻ của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão với VTC News, Quốc hội bắt đầu có chủ trương thực hiện phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa IX diễn ra vào giữa năm 1994.
Từ năm 1992 đến giữa năm 1994 là thời gian chuẩn bị đề án phát thanh, truyền hình trực tiếp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn trong 3 phiên, sau đó trình Bộ Chính trị bàn trong 2 phiên nữa rồi Quốc hội mới quyết định thực hiện.
Đây là sự kiện rất quan trọng trong đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao cho Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải bàn với lãnh đạo Quốc hội để triển khai.
Thời điểm đó, bên cạnh ý kiến đồng tình cũng có rất nhiều ý kiến phản đối gay gắt. Nhiều người lo ngại nếu phát thanh và truyền hình trực tiếp, khi đại biểu Quốc hội hỏi, thành viên Chính phủ trả lời, nói nhiều quá làm lộ bí mật quốc gia; thậm chí trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Thủ tướng có sơ suất sẽ bị đánh giá thấp, mất uy tín...
Hoặc, có người còn đặt ra vấn đề, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi có chất lượng thấp, nặng về cung cấp thông tin, rồi nêu thắc mắc cho địa phương mình cũng sẽ bị nhân dân chê bai làm xấu đi hình ảnh nghị trường...
Trước các vấn đề đặt ra này, khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải tỏ ra rất thận trọng. Sau khi nghiên cứu rất kỹ lưỡng đề án truyền hình, phát thanh trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, ông mới không phản đối mà đồng tình ủng hộ cho triển khai.
Nhắc lại đột phá táo bạo này của Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng thừa nhận, đó là một cuộc đấu tranh nội bộ. “Điều này cũng dễ hiểu thôi, chúng ta đi ra từ một cuộc chiến tranh cách mạng và trong chiến tranh thì yếu tố bắt buộc, đặt lên hàng đầu là bí mật, bất ngờ. Nhưng mô thức đó tạo nên một não trạng, tư tưởng khó thay đổi. Những người đã sống qua chiến tranh, cái gì cũng công khai thì chưa chắc họ đã ủng hộ ngay”.
Ông Dũng cho hay, sau khi thuyết phục được lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Quốc hội ban hành nghị quyết nhưng không thực hiện ngay mà xin thử nghiệm để đánh giá kết quả.
Và lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chuyện chất vấn không còn “kín”, “nội bộ” nữa mà đã trở nên công khai, minh bạch, được nhân dân theo dõi, giám sát, ngày càng trở nên hiệu quả hơn.
“Cũng phải thấy rằng các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đều là những người có đầu óc cởi mở, thấm đậm tinh thần dân chủ, công khai. Thành ra thời ấy có ý kiến này, có ý kiến kia nhưng cái mới, cái tiến bộ, cái dân chủ đã được được ủng hộ”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, chất vấn đã có từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, nhưng phát thanh và truyền hình trực tiếp phiên chất vấn mới là quan trọng. Mọi hoạt động được lên sóng trực tiếp làm cho tính công khai, minh bạch trong hoạt động nghị trường đạt được mức chuẩn mực của thế giới.
Đồng thời, việc này giúp cho người dân có thể giám sát được hoạt động tại nghị trường. Người dân giám sát không chỉ các quan chức Chính phủ, các cấp, cơ quan công quyền được giao quyền, quan chức mà giám sát cả những đại biểu Quốc hội do chính mình bầu ra.
“Như vậy vai trò của người dân được nâng cao hơn, người dân có điều kiện để giám sát. Nếu không được theo dõi các phiên họp phát thanh và truyền hình trực tiếp thì người dân không biết là đại biểu Quốc hội mình bầu ra hoạt động như thế nào”, ông Dũng bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông, phát thanh và truyền hình trực tiếp cũng tạo không khí cho các phiên chất vấn. Khi Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đại biểu cũng là trả lời cho toàn thể nhân dân, trả lời cho hàng triệu người. Quả thật, không có diễn đàn nào khác của đất nước có lượng người theo dõi lớn như vậy.
Đồng quan điểm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ông theo dõi phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp lần đầu tiên khi đang công tác tại Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Phiên truyền hình đầu tiên tạo ra hiệu ứng rất tốt. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình dù là thành viên Chính phủ vẫn giơ biển đứng lên chất vấn các tư lệnh ngành, một hình ảnh rất đặc biệt”, ông Thuyết nói.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, đến khi ông tham gia hoạt động Quốc hội, Thường vụ Quốc hội lại tiến thêm một bước nữa, mở rộng truyền hình trực tiếp, cho phát tất cả các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong 2 - 3 ngày.
“Thông qua phát thanh, truyền hình trực tiếp người dân thấy được các đại biểu và thành viên Chính phủ hoạt động như thế nào, có đáp ứng mong muốn của người dân không và từ đó người dân có thêm nhiều ý kiến xây dựng gửi cho các đại biểu Quốc hội”.
Ông Thuyết coi đó là bước tiến lớn, qua đó Quốc hội ngày càng gần với dân hơn, các đại biểu dần dần thể hiện rõ vai trò của mình là đại biểu của nhân dân, thay nhân dân nói lên tiếng lòng của họ.
Là một nhà nghiên cứu lịch sử, một nhà báo, rồi có 4 nhiệm kỳ liên tiếp làm đại biểu Quốc hội (các khóa XI, XII, XIII, XIV), ông Dương Trung Quốc cho rằng báo chí truyền thông có vai trò quan trọng đối với nền quản trị của mỗi quốc gia nói chung và Quốc hội nói riêng trong suốt gần 80 năm hình thành, phát triển.
“Ngay từ thuở đầu khai sinh, cánh cửa Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi tổ chức kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, đã mở cho người dân, các nhà báo lên tầng 3 để theo dõi. Báo chí lúc đó đương nhiên không đông đảo và nhiều loại hình như bây giờ, nhưng phản ánh hết sức trung thực, tạo ra không khí dân chủ, công khai”, ông Quốc nêu.
Năm 2004, khi tham gia Quốc hội chưa lâu, nhưng với tư cách là một nhà báo, nhà sử học, ông Dương Trung Quốc được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho xem trước bài phát biểu được ông chuẩn bị trước cho sự kiện kỷ niệm 10 năm phát thanh và truyền hình tham gia vào sinh hoạt Quốc hội, tham gia phản ánh trực tiếp Quốc hội.
“Tôi nhớ ông Nguyễn Văn An có viết một bài phát biểu với ý rằng việc phát thanh và truyền hình trực tiếp là biểu hiện của dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Ông An cho tôi xem trước khi ông ấy phát biểu, ông cũng là một người rất cởi mở và lắng nghe ý kiến của tôi với góc độ của một người làm lịch sử”, ông Quốc nói.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lúc bấy giờ thể hiện quan điểm phát thanh và truyền hình có mặt ở trong Quốc hội là chuyện gần như đương nhiên, không phải bàn nữa, nhưng không phải Quốc hội nào cũng có, kể cả những Quốc hội có mô hình chính trị gần với chúng ta, tức là họ vẫn có phần nào kín đáo hơn, riêng tư hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An không đặt vấn đề so sánh để phê phán, nhưng rõ ràng chúng ta luôn luôn muốn sinh hoạt Quốc hội ngày càng công khai. Đương nhiên theo luật định có những sinh hoạt đòi hỏi giới hạn nhất định, ở trong đó có cả những phiên họp kín. Thế nhưng, càng công khai càng tốt.
Ông Dương Trung Quốc cũng nhìn nhận, hiện nay việc tác nghiệp báo chí xung quanh hoạt động Quốc hội rất rộng rãi, đương nhiên cũng có những điều chỉnh để bảo đảm cho chất lượng tốt hơn. Ví dụ điều điều chỉnh về vị trí, phong cách tác nghiệp để không ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội.
“Chúng ta có những không gian cần thiết hay quy định cần thiết, khi nào tiếp xúc đại biểu Quốc hội, khi nào anh phải ở khoảng cách nhất định để bảo đảm hoạt động Quốc hội giữ được trang nghiêm, trật tự, đồng thời không ảnh hưởng đến cái chung nhưng vẫn không hạn chế cái phản ảnh”, nhà sử học nói thêm.
Còn TS Nguyễn Sĩ Dũng luôn nhắc đi nhắc lại việc tạo điều kiện cho truyền thông đưa tin đầy đủ về hoạt động Quốc hội rất quan trọng, là một đòi hỏi thiết yếu của dân chủ, là sự thể hiện của một Quốc hội dân chủ, công khai, minh bạch, gần gũi cử tri và nhân dân.
Bình luận