Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Tin nóngThứ Ba, 11/04/2023 16:50:05 +07:00
(VTC News) -

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là một trong 4 chuyên đề dự kiến Quốc hội giám sát trong năm 2024.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, chiều 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đã dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn 4 chuyên đề.

Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội - 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Qua thảo luận, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn các chuyên đề 1, 2, 3, 4.

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ông Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc xem xét báo cáo của các cơ quan tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng đối với việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo. Hoạt động giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân đã được tăng cường và đạt được nhiều kết quả…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng thư ký Quốc hội cũng nêu rõ, quá trình thực hiện các chương trình giám sát của vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được quan tâm, rút kinh nghiệm, khắc phục trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Cụ thể, việc triển khai một số chuyên đề giám sát có thời điểm có nội dung chưa hiệu quả, chưa đi được đến cùng vấn đề; hoạt động giám sát chuyên đề có lúc bị ảnh hưởng do báo cáo của một số cơ quan chịu sự giám sát gửi đến Đoàn giám sát còn chậm so với yêu cầu hoặc có nội dung chưa thể hiện được vấn đề cần xem xét, đánh giá; việc tham gia phối hợp thẩm tra báo cáo công tác ở một số lĩnh vực mặc dù đã có quy định nhưng chưa được thực hiện có hiệu quả; việc theo dõi, đôn đốc kiến nghị giám sát chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên…

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn