Thịt lợn là thực phẩm có tần suất xuất hiện lớn trong các bữa ăn gia đình của người Việt lẫn các món nhậu, đồ ăn vặt ở nhà hàng, quán bia, quầy đồ ăn vỉa hè. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, có một số phần của con lợn mà bạn nên hạn chế ăn, vì việc sử dụng nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tật.
Phần nào của con lợn không nên ăn?
Những bộ phận được nêu sau đây là món khoái khẩu của rất nhiều người, nhưng bạn cần hạn chế nếu muốn bảo vệ sức khỏe bản thân.
Lòng
BS Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết trên Báo Thanh Niên rằng một số bộ phận của lợn được đánh giá là ngon miệng và được dùng thường xuyên nhưng tác động không tốt đến sức khỏe.
Trong đó, lòng (gồm ruột già và ruột non) tuy là món ăn ưa thích của nhiều người, tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ do chứa rất nhiều chất béo xấu và nếu không được làm kỹ sẽ ẩn chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm như E.Coli gây tiêu chảy, liên cầu khuẩn Streptococcus suis gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, các vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn…
Do nhiều cholesterol, lòng lợn không tốt cho những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, viêm tuỵ. Người bị bệnh gout, bệnh suy thận càng nên tránh món lòng lợn vì nó có thể làm bệnh nặng hơn.
Phổi
Nhiều người rất thích phổi lợn vì ăn không bị ngán như gan hay lòng. Tuy nhiên, do thói quen hít thở sát đất, lợn hít vào phổi một lượng rất lớn bụi bẩn và vi khuẩn. Phế nang của chúng là nơi dễ dàng nhất để tích tụ và lắng đọng các chất độc hại. Cấu trúc phức tạp của cơ quan này khiến iều vi khuẩn, độc tố phía trong không dễ loại bỏ.
Vì vậy, việc ăn phổi thường xuyên và không chế biến kỹ sẽ khiến lượng kim loại nặng và độc tố khác tích tụ trong cơ thể vượt mức cho phép, tăng nguy cơ mắc ung thư.
Gan
Theo Aboluowang, gan lợn chứa nhiều protein, sắt, đồng, vitamin A, B, D và các chất dinh dưỡng khác, nếu ăn vừa phải có thể bổ sung sắt và vitamin, giúp bổ máu, chống khô mắt và mệt mỏi. Lượng vitamin A trong gan lợn cao gấp nhiều lần so với thịt, cá, trứng, sữa.
Bởi vậy, nhiều người thích cho trẻ nhỏ, người già, người ốm ăn gan lợn mà không biết rằng đây là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc nên cũng tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh, có hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan cũng có thể có sán, virus gây bệnh.
Vì thế, gan là bộ phận của con lợn bạn không nên ăn nhiều, nếu ăn thì nên chọn gan có màu tươi, không có đốm trắng hay màu sắc bất thường.
Tiết
Tiết của con lợn khỏe mạnh sẽ không gây hại cho bạn, nhưng nếu không cẩn thận mua phải tiết của con lợn bệnh hoặc không còn tươi thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi bạn làm tiết canh.
Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis thì dù đã phát bệnh hay chưa, trong máu nó vẫn chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn tiết canh lợn, liên cầu khuẩn sẽ xâm nhập cơ thể người, gây bệnh, thậm chí tử vong.
Cật (thận)
Do quan niệm “ăn gì bổ nấy”, nhiều quý ông thường xuyên ăn cật lợn với mong muốn tăng cường chức năng thận, tốt cho sinh lý nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy bộ phận này chứa kim loại nặng cadmium. Cadmium đi vào dạ dày người sẽ khó đào thải. Do đó, nên hạn chế món cật lợn.
Thịt cổ
Hàm lượng chất béo trong cổ lợn rất lớn, việc ăn quá nhiều không chỉ gây tăng cân đột ngột mà còn dẫn đến nhiều vấn đề về tim và mạch máu não. Ngoài ra, cổ lợn cũng có các hạch bạch huyết - hệ thống có chức năng lọc và bẫy, giữ lại các vi sinh vật lạ, tế bào viêm, độc chất.
Khó loại bỏ hết hoàn toàn hệ thống hạch trong thịt cổ lợn để tránh nạp vào người những yếu tố độc hại này.
Trên đây là những phần của con lợn không nên ăn nhiều, bạn nên cân nhắc để có chế độ dinh dưỡng lành mạnh.
Bình luận