Chuối đỏ (chuối Dacca) có nguồn gốc từ Australia, kích thước nhỏ hơn so với các loại chuối thông thường. Vỏ chuối dày, màu đỏ đậm; thịt chuối mềm, ngọt và có mùi thơm nhẹ. Trên thị trường, giá quả chuối đỏ và cây giống đều cao hơn chuối thường, khiến nhiều người thắc mắc liệu ngoài màu sắc khác lạ, chuối đỏ có tác dụng gì cho sức khỏe.
Chuối đỏ có tác dụng gì?
Theo Bold Sky, nhiều nghiên cứu đã khẳng định giá trị dinh dưỡng cao của chuối đỏ, đặc biệt là lượng beta-carotene và vitamin C. Loại trái cây này chứa nhiều chất chống oxy hoá tự nhiên như gallocatechin gallate, dopamine, L-dopa, catecholamine... và rất giàu chất xơ.
Dưới đây là một số công dụng cụ thể của chuối đỏ.
Tốt cho não
Hàm lượng dopamine trong chuối đỏ là 54 mcg/gr, so với chuối vàng chỉ có 42 mcg/gr). Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp thúc đẩy tâm trạng và ổn định cảm xúc, giảm nguy cơ mắc các bệnh thoái hoá thần kinh về lâu dài.
Ổn định đường huyết
Nguồn tinh bột kháng - một loại chất xơ hòa tan trong chuối đỏ có thể giúp điều hòa đường huyết nhờ cải thiện độ nhạy insulin. Hàm lượng cao flavonoid và kali cũng góp phần kiểm soát lượng đường ở bệnh nhân tiểu đường.
Giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim
Chuối đỏ giàu phytosterol, được coi là sterol thực vật tự nhiên với cấu trúc tương tự như cholesterol, có tác dụng giúp giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong cơ thể.
Nhờ cải thiện lưu lượng máu và giảm mức cholesterol trong cơ thể, chuối đỏ cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tai biến đột quỵ.
Ngừa sỏi thận
Lượng kali cao trong chuối đỏ giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận. Ăn chuối đỏ thường xuyên là một cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Giảm ợ chua
Các thành phần trong chuối đỏ có tác dụng kháng axit, nhờ đó giảm nhanh chứng ợ nóng và các vấn đề trào ngược axit dạ dày khác.
Tốt cho mắt
Do giàu beta-carotene, chất sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể, chuối đỏ có tác dụng làm đẹp da, tăng cường thị lực và hệ thống miễn dịch. Nó giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
Hỗ trợ giảm cân
Chuối đỏ có lượng calo ít hơn so với nhiều loại trái cây khác. Vì vậy, khi sử dụng chuối đỏ giúp bạn có cảm giác no mà không cần nạp thêm quá nhiều calo. Ăn chuối đỏ thường xuyên giúp bạn giảm trọng lượng dư thừa.
Tốt cho máu
Với nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, chuối đỏ có tác dụng tăng lượng hemoglobin trong cơ thể mà vẫn duy trì mức đường huyết tốt, duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Chuối đỏ chứa nhiều vitamin B6. Thiếu vitamin B6 là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu.
Trồng chuối đỏ có dễ?
Cây chuối đỏ thích hợp với khí hậu Việt Nam, có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là trồng vào tháng 2-3 và tháng 7-8. Có 2 cách trồng: Dùng cây con hoặc gieo hạt. Cách trồng bằng cây con phổ biến hơn bởi bạn có thể chọn cây khỏe, có sức sống, sinh trưởng mạnh.
Trồng bằng hạt: Ngâm hạt giống trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh) khoảng 1 ngày, sau đó gieo vào chậu, độ sâu khoảng 0,6cm. Đặt chậu cây ở nơi có nhiều ánh sáng, lấp đất lại, tưới nước để giữ ẩm hàng ngày. Hạt chuối đỏ thường nảy mầm sau 1-3 tháng tùy chất lượng hạt và môi trường chăm sóc.
Khi cây con cao từ 60- 70cm (có từ 3-4 lá non), bạn có thể đem ra trồng ngoài vườn hoặc trong chậu (chậu đường kính 60cm trở lên).
Trồng bằng cây con: Khoảng cách giữa các hàng là từ 2,5- 3m, khoảng cách giữa các cây là 2,5m. Đào hố với kích thước mỗi chiều 40-45cm, sâu 30-35cm, trộn phân rác và tro tỷ lệ 4/1 cho vào nửa hố rồi đưa cây vào, lấp đất lại để cố định cây, sau đó tưới nước ngay để cây nhanh hồi phục. Có thể dùng rác ủ để giữ ẩm cho cây mau bén rễ mới và phát triển.
Bình luận