Tác dụng của nước chè xanh với sức khoẻ
Nước chè xanh là thức uống được nhiều người biết đến và yêu thích. Trong y học cổ truyền, lá chè xanh cũng là loại dược liệu tốt cho sức khoẻ. Vậy, nước chè xanh có tác dụng gì? Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rất nhiều người biết đến nước chè xanh như thức uống tốt cho sức khỏe khi được dùng ở liều lượng phù hợp, cụ thể như:
Phòng ngừa bệnh ung thư
Chất chống oxy hóa trong nước chè xanh giúp cơ thể có khả năng chống lại sự gây hại của gốc tự do nhờ đó mà góp phần bảo vệ tế bào khỏi sự phá huỷ của khối u ác tính.
Tốt với hệ tim mạch
Uống nước chè xanh đúng cách rất tốt với những người mắc bệnh tim vì nó làm giảm lượng cholesterol xấu có trong cơ thể.
Phòng ngừa sâu răng và giảm thâm ở quầng mắt
Hoạt chất ở trong nước chè xanh có thể kìm hãm vi khuẩn phát triển nên thảo dược này được dùng nhiều trong thành phần của kem đánh răng. Uống nước chè xanh sẽ giúp phòng ngừa sâu răng và hôi miệng.
Với khả năng hạn chế sự giãn nở mạch máu ở dưới bọng mắt, trà xanh trở thành thức uống chữa thâm quầng mắt rất tốt. Không những thế, lượng cafein và tanin trong trà xanh còn giảm lượng nước ở mô nên khiến cho vùng da quanh mắt giảm được thâm và sưng.
Làm đẹp da
EGCG là loại hoạt chất trong trà xanh với công dụng giữ độ đàn hồi và ngăn ngừa lão hóa cho da. Chính vì thế mà uống nước chè xanh là cách để đem lại vẻ đẹp tự nhiên cho da từ sâu bên trong.
Những người nên hạn chế uống nước chè xanh
Tuy mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể uống được loại nước này.
Bệnh nhân có vấn đề dạ dày
Báo Vietnamnet dẫn nguồn trang Practo cho biết, theo tiến sĩ người Ấn Độ Richa Garg, tannin trong nước chè xanh làm tăng axit trong dạ dày, dễ gây đau bụng, buồn nôn hoặc táo bón. Vì vậy, bạn không được uống nước xanh khi đói. Những người bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit cũng không nên uống quá nhiều. Một nghiên cứu kết luận trà là chất kích thích mạnh axit dạ dày, có thể giảm bớt bằng cách thêm sữa và đường.
Người thiếu sắt, thiếu máu
Catechin trong nước chè xanh có thể làm giảm hấp thu sắt từ thức ăn. Chiết xuất chè xanh làm giảm 25% khả năng hấp thụ sắt không phải heme. Đây là loại sắt có trong trứng, sữa và thực phẩm từ thực vật như đậu.
Vitamin C làm tăng hấp thu sắt không heme, vì vậy bạn có thể vắt chanh vào trà hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C khác như bông cải xanh để bù đắp. Bạn cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ (bò, lợn, bê) hay cá hồi, cá rô, cá ngừ.
Theo Viện Ung thư quốc gia, uống trà giữa các bữa ăn dường như ít ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt hơn.
Không dùng cho người táo bón, uống thuốc tan máu đông
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, hoạt chất tannin trong chè xanh có tác dụng cầm tiêu chảy, vì vậy người bị táo bón nên hạn chế sử dụng. Không dùng lá chè cho người đang uống thuốc làm tan máu đông vì trong chè xanh có vitamin K - làm tăng khả năng đông máu.
Ngoài ra, người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, cao huyết áp cũng nên hạn chế dùng chè xanh, do trong chè xanh chứa nhiều caffeine có tác dụng kích thích thần kinh, gia tăng gánh nặng cho tim, làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Trên đây là những người nên hạn chế uống nước chè xanh. Nước chè xanh tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không nên lạm dụng.
Bình luận