• Zalo

Những món đồ Tết chỉ có trong nhà đại gia xưa

Thị trườngThứ Bảy, 21/01/2023 15:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những món đồ này trước kia chỉ có ở trong nhà giới trung lưu, giàu có khi Tết đến, ngày nay một số loại đã không còn xuất hiện nữa.

Lư đồng

Lư đồng không chỉ là một món đồ thờ cúng mà còn có ý nghĩa thiêng liêng, biểu tượng cho văn hóa tâm linh của người Việt. Người Việt cho rằng lư đồng có ảnh hưởng tích cực đến tài lộc, vượng khí, cát khí, xóa tan hung khí mang lại những điều may mắn, tốt đẹp cho cả gia đình nhân dịp năm mới.

Những món đồ Tết chỉ có trong nhà đại gia xưa - 1

Thời xưa, chỉ nhà giàu mới có lư đồng trên bàn thờ gia tiên.

Khi xưa, lư đồng là một món đồ xa xỉ, chỉ có nhà giàu có mới có thể sở hữu. Mỗi dịp Tết, món đồ này lại được đem ra lau chùi cẩn thận, sáng loáng để cùng gia chủ đón một cái Tết thật huy hoàng.

Mâm đồng

Mâm đồng là đồ thờ cúng tâm linh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi khi Tết đến xuân về của các nhà giàu xưa. Mâm đồng thường được dùng để dâng ngũ quả, cùng lọ hoa ngát hương thơm. Hình ảnh mâm ngũ quả với 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho sự tròn đầy, no đủ. 

Những món đồ Tết chỉ có trong nhà đại gia xưa - 2

Mâm đồng là một trong những vật dụng có giá trị thời xưa.

Trên bàn thờ gia tiên của các gia đình giàu có, có thể có một hoặc hai mâm đồng tùy thuộc vào nhu cầu của gia chủ và phong tục tập quán ở mỗi vùng miền. Nếu bàn thờ có 1 mâm đồng thờ cúng thường sẽ được đặt chính giữa phía trước bát hương. Nếu bàn thờ có 2 mâm đồng thì mâm thường được bài trí hai bên cân xứng với bát hương để tiện cho việc dâng quả.

Tranh Tết

Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh...Đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang nội dung là cầu chúc cho những gì tốt đẹp trong dịp năm mới. Tranh Tết là thông điệp, gửi lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý.

Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để bày tỏ nhiều ước vọng. Ngoài cổng, họ dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, bên kia là ông Tiến lộc, khuôn mặt phúc hậu hiền từ trong trang phục kiểu quan văn, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Có nhà còn dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng.

Những món đồ Tết chỉ có trong nhà đại gia xưa - 3

Tranh Tết được chế tác cầu kỳ, nhiều bức được chạm vàng hay bạc dát mỏng là vật trang trí không thể thiếu trong ngày Tết của những gia đình khá giả ở Hà Nội thời xưa.

Trong khi đó, tranh Tết của giới nhà giàu khi xưa được chế tác cầu kỳ, nhiều bức được chạm vàng hay bạc dát mỏng lại là vật trang trí không thể thiếu, vừa mang ý nghĩa cầu chúc phát tài phát lộc, vạn sự như ý, vừa thể hiện sự giàu có, xa xỉ của gia chủ thuộc giới thượng lưu.

Câu đối

Trong ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình khá giả thời xưa sẽ có một câu đối viết trên giấy đỏ thắm. Họ thường treo cửa chính hoặc hai bên bàn thờ tổ tiên.

Câu đối Tết được xuất hiện phổ biến nhất từ thời nhà Trần. Câu đối Tết thường được các gia đình treo lên với mục đích để có thể trừ tà ma, xua đi những điều xui xẻo cùng một mong ước vào một năm mới có nhiều may mắn, thành công, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.

Những món đồ Tết chỉ có trong nhà đại gia xưa - 4

Câu đối Tết xưa.

Dân gian luôn quan niệm rằng màu đỏ là một màu sắc luôn đem tới những sự tốt lành nên các câu đối thường được viết trên giấy đỏ với những mong ước về một năm có tốt lành, cát tường và rước nhiều tài lộc về nhà.

Những câu đối ngày Tết không chỉ là một vật trang trí, một vật cầu may mắn hay là một món quà gửi tới những người quan trọng. Những câu đối ấy còn thể hiện trí tuệ, tài năng của người Việt trong cách sử dụng từ ngữ, vần điệu toát lên sự yêu cái đẹp, luôn hướng tới "chân - thiện - mỹ". 

Công Hiếu(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn