Rau rất giàu chất dinh dưỡng, bổ sung cho cơ thể các loại vitamin và chất xơ. Tuy nhiên, để tăng sản lượng, nhiều nông dân phun thuốc trừ sâu trong quá trình sinh trưởng của rau và xịt một số loại hóa chất để giữ tươi trong quá trình vận chuyển.
Điều làm các bà nội trợ lo lắng đó là rau có chứa hàm lượng thuốc trừ sâu. Nếu ăn phải rau có chứa thuốc trừ sâu có thể bị ngộ độc thực phẩm thậm chí là đe dọa tính mạng.
Dưới đây là nhưng loại rau có dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất mà các bà nội trợ cần lưu ý
Những loại rau dễ tồn dư nhiều thuốc trừ sâu
Trang Aboluowang chỉ ra những loại rau tồn dư nhiều thuốc trừ sâu nếu người trồng không tuân thủ các quy định an toàn. Điều đáng nói là những loại rau củ quả này được các gia đình sử dụng rất thường xuyên trong bữa ăn.
Cà chua
Cà chua là một loại cây yếu ớt, dễ bị các loại côn trùng, sâu bệnh tấn công nên người trồng thường phải xịt nhiều hóa chất bảo vệ thực vật. Vì thế, nó nằm hàng đầu trong danh sách các loại rau dễ tồn dư thuốc trừ sâu.
Rau muống
Loại rau quen thuộc của người Việt này vốn là rau theo mùa. Nhưng với công nghệ trồng hiện nay, rau muống gần như có quanh năm, và luôn là loại rau có mặt thường xuyên nhất trên mâm cơm gia đình
Rau muống sinh trưởng trong bùn đất nên một khi người trồng phun thuốc trừ sâu, thuốc sẽ ngấm rất lâu trong nước và đi vào rau, tích tụ dư lượng từ rễ đến lá. Vì thế, dù rửa kỹ đến đâu, bạn cũng không loại bỏ được thuốc trừ sâu.
Dưa chuột
Để bảo vệ dưa chuột khỏi các loại côn trùng gây hại, người trồng thường sử dụng các loại thuốc hóa học có mùi khó chịu. Đặc biệt nhiều người vì lợi nhuận còn sử dụng cả chất kích thích nhằm rút ngắn chu kỳ sinh trưởng của dưa chuột, cho quả to, đẹp hơn.
Súp lơ
Dù là súp lơ trắng hay súp lơ xanh, cấu tạo đặc biệt của chúng vẫn dễ dàng giữ lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trứng côn trùng và côn trùng trong các kẽ hở. Càng gần lúc thu hoạch, người trồng càng hay sử dụng thuốc trừ sâu nhiều để bảo vệ bông cải.
Theo một số nghiên cứu, việc rửa bằng nước sạch nhiều lần hay thậm chí là bằng nước muối loãng có tính sát khuẩn cao cũng không để loại bỏ hết thuốc trừ sâu tồn dư trong súp lơ.
Bắp cải
Bắp cải thường được phun hai loại thuốc trừ sâu trong quá trình sinh trưởng, một loại phun vào rễ và một loại phun lên lá. Nó cũng thường được tưới phân lân và phân đạm để kích thích tăng trưởng. Do đó dù bắp cải có cuộn lại thì khi rửa rau, bạn cũng cần gỡ ra từng lá và ngâm rửa sạch trước khi chế biến.
Nhận biết rau có thuốc trừ sâu
Trả lời VTC News, TS Vũ Thanh Hải, Trưởng bộ môn Rau Hoa quả, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ một số cách nhận biết rau có thuốc trừ sâu và cách chọn rau ngon.
"Về cảm quan, rất khó nhận biết rau nhiễm thuốc trừ sâu, chỉ có thể kiểm tra bằng kit test: Chiết lấy dịch trên rau, đưa các chất kiểm tra vào, nếu có sự thay đổi màu sắc thì trong loại rau đó chứa những nhóm hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật", TS Vũ Thanh Hải nói.
Nhiều người cho rằng, rau càng bóng đẹp, tươi xanh thì càng chứa nhiều chất kích thích, còn rau nhiều lá sâu mới là rau sạch. Theo TS Hải, điều này chỉ đúng trong một số trường hợp. Có những trường hợp dùng phân bón cách ly đầy đủ thời gian hoặc sản xuất hữu cơ theo công nghệ mới nhưng vẫn cho ra sản phẩm rau tươi ngon, bóng đẹp, không thua kém gì so với rau sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo chuyên gia này, nếu thấy rau có mùi lạ, chỉ có thể đánh giá loại rau đó bất thường, không nên sử dụng, chứ không thể khẳng định nó nhiễm thuốc trừ sâu.
Ngược lại, rau không có mùi lạ vẫn có thể tồn dư thuốc trừ sâu hay hóa chất khác. Người trồng rau không bảo đảm thời gian cách ly sau khi dùng phân bón hay thuốc kích thích khiến rau có mùi thì mùi đó cũng sẽ bay hết sau một vài ngày.
Vì vậy, việc nhận biết rau có thuốc trừ sâu bằng cảm quan rất khó. TS Vũ Thanh Hải khuyên người tiêu dùng chỉ nên mua rau ở những đơn vị cung cấp uy tín, có cam kết lấy từ nguồn đảm bảo.
Chuyên gia cũng khuyên không nên sử dụng rau trái vụ. Trái vụ thì điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cây rau sẽ sinh trưởng, phát triển kém, sâu bệnh hại nhiều hơn, người trồng phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vât, chất kích thích sinh trưởng.
Bình luận