Những ngày qua, dư luận xôn xao trước nghi vấn đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Síp. Đây không phải là lần đầu tiên dư luận xôn xao trước việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mang 2 quốc tịch. Trước đó, năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá XII, XIII, Ủy viên đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mang quốc tịch Cộng hòa Malta.
Ông Phạm Phú Quốc
Ngày 26/8, trả lời VTC News, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ban Công tác Đại biểu đang xác minh việc ĐBQH Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP.HCM) có 2 quốc tịch (quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp).
Liên quan đến việc này, ông Trần Văn Tuý - Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo thông tin phản ánh trên báo chí, ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ hai tại Cyprus (Công hoà Síp) từ năm 2018 nhưng cho tới nay, chưa có báo cáo nào đến các cơ quan của Quốc hội về việc này.
"Theo quy trình, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ phải có báo cáo về việc này. Sau đó Mặt trận Tổ quốc có ý kiến liên quan. Sau quy trình xác minh, lấy ý kiến này, toàn bộ hồ sơ sẽ được báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định" - ông Tuý thông tin.
Cũng theo Trưởng Ban Công tác Đại biểu, sự việc mới chỉ được ông Phạm Phú Quốc xác nhận trên báo chí và chưa có một báo cáo, chứng cứ cụ thể nào nên việc xem xét phải được thực hiện rất cẩn trọng, nghiêm ngặt.
Ông Trần Văn Tuý cũng cho biết, trong luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định rõ về việc ĐBQH không được có 2 quốc tịch. Luật cũ trước đây tuy không quy định nhưng tinh thần một ĐBQH là không được có 2 quốc tịch.
Ngày 26/8, trả lời VTC News, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc: "Việc một ĐBQH Việt Nam lại mang quốc tịch nước ngoài là điều không thể chấp nhận".
Theo ông Hoà, trong luật Tổ chức Quốc hội hiện hành không nói cụ thể việc ĐBQH có quốc tịch khác, tuy nhiên theo tinh thần thì ĐBQH không được phép có quốc tịch nước ngoài. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 2021) nêu rõ ĐBQH chỉ được phép có một quốc tịch Việt Nam.
"ĐBQH mà có quốc tịch nước ngoài thì theo tôi không đủ tư cách đại biểu. Không thể nào Quốc hội Việt Nam lại có người có quốc tịch nước ngoài, dù người đó vẫn còn cả quốc tịch Việt Nam và dù người đó có mua hay nhập quốc tịch nước ngoài bằng cách nào đi nữa", ông Hoà nhấn mạnh.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera.
Theo dữ liệu đại biểu Quốc hội của Quốc hội, ông Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968, quê quán: xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải , Quảng Trị; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế.
Ông Quốc hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Quốc là đại biểu Quốc hội khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và gia đình đã nhập quốc tịch Cộng hòa Malta nhưng việc này không được bà Hường kê khai trong hồ sơ ứng cử ĐBQH.
Ngay sau đó, trong cuộc họp bất thường vào chiều ngày 17/7/2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia, Hội đồng bầu cử đã bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Bà Nguyệt Hường xác nhận có việc này và cũng có đơn xin rút, không tham gia ĐBQH khoá XIV.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường được biết đến là doanh nhân thành đạt khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó trưởng Ban Đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội; Ủy viên BCH Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.
Bình luận