Mục tiêu của thành phố Cảng
Trong 4 năm liên tiếp từ 2016-2019, thành phố Hải Phòng thực hiện chủ đề “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, ban hành nhiều văn bản mang ý nghĩa quan trọng với môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.
Hàng năm, thành phố xác định danh mục và tập trung vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các dự án, công trình trọng điểm. Đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật có sức lan tỏa lớn, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng. Đồng thời, thành phố thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng.
Theo thống kê từ UBND thành phố Hải Phòng, năm 2019, sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển Hải Phòng ước đạt 129,2 triệu tấn (tăng 18,51%). Sự tăng trưởng này tác động cộng sinh cho các ngành như công nghiệp, dịch vụ hậu cần sau cảng... phát triển.
Bên cạnh lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, Hải Phòng còn có hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối liên hoàn và khá đồng bộ. Có thể kể đến: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi kết nối thuận tiện với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bên cạnh đó là hệ thống đường sắt quốc gia, giao thông đường thủy nội địa, hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi container, kho ngoại quan, kho CFS và lực lượng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú.
Hải Phòng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Không những thế, Hải Phòng còn là một trọng điểm phát triển kinh tế biển, một Trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của tuyến hành lang và của cả Việt Nam.
Mục tiêu của thành phố là cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 41,9%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn từ 2021 – 2025 tăng bình quân trên 23%/năm…
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, trở thành trung tâm dịch vụ logistics của miền Bắc và khu vực là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng.
Ngày 14/3/2019, UBND thành phố Hải Phòng chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch 1 trung tâm logistics cấp vùng (Nam Đình Vũ), 4 trung tâm logistics cấp tỉnh (Lạch Huyện, VSIP, Tràng Duệ, Tiên Lãng) và 1 trung tâm logistics chuyên dùng hàng không tại sân bay Cát Bi.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối hạ tầng cảng biển như cải tạo, nâng cấp đường 356 tại huyện Cát Hải; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Cát Bà; Đầu tư cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; Đẩy nhanh tiến độ tuyến đường bộ ven biển; Mở rộng sân bay Cát Bi...
“Hải Phòng xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư vào hạ tầng giao thông, vào các lĩnh vực trong “chuỗi” logistics theo mô hình hợp tác công - tư, chủ động đề xuất Trung ương sớm xây dựng tuyến đường sắt quy chuẩn kết nối các cảng tới Hà Nội và ra quốc tế”, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói.
Để Hải Phòng "vươn ra biển lớn"
Nhằm tạo đà cho kinh tế phát triển, thành phố Hải Phòng tập trung các nguồn lực để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia thuộc liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ. Đặc biệt là các dự án FDI của các quốc gia này tại Trung Quốc bị ảnh hưởng từ chính sách thương mại của Mỹ, có xu hướng phải chuyển dịch đầu tư sang các nước thứ ba. Thành phố Hải Phòng còn chú trọng các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới…
Đối với phát triển doanh nghiệp, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng doanh nghiệp thành phố Hải Phòng có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nhiều doanh nghiệp tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2020, toàn thành phố có trên 33.000 doanh nghiệp hoạt động.
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành phố Hải Phòng phấn đấu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt, điểm số PCI đạt trên 65 điểm, nâng vị trí xếp hạng trong tốp 10 tỉnh, thành phố; Cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần PCI; Khắc phục và cải thiện mạnh mẽ hạn chế của 4 chỉ số bị giảm điểm năm 2018 là: Gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động.
Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng triển khai quyết liệt Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của thành phố giai đoạn 2019 - 2020.
Nhằm đưa Hải Phòng "vươn ra biển lớn" thành công, toàn thể lãnh đạo và nhân dân thành phố thực hiện tốt Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 3/11/2017 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đến năm 2020; Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Hải Phòng sẽ triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả. Kế hoạch thực hiện các Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng là một trong những chủ trương của thành phố thời gian tới. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ cổ phẩn hóa và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2019 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Các sở, ban, ngành rà soát, thu hồi các giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất các dự án chậm triển khai, vi phạm để lành mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Không chỉ công nghiệp, trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, thành phố tập trung phát triển đồng bộ 4 nhóm kết cấu hạ tầng thương mại gồm: Hạ tầng xuất - nhập khẩu, hạ tầng bán buôn, hạ tầng bán lẻ và trung tâm hội nghị triển lãm thương mại. Thành phố cũng hướng tới tập trung xúc tiến các dự án phát triển du lịch như khu du lịch sinh thái, resort cao cấp, khách sạn 5 sao, sân golf, khu vui chơi, giải trí, mua sắm tổng hợp.
Các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, quận Dương Kinh được các cấp lãnh đạo ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong những năm tới, thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách công vụ, công chức, sắp xếp bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử… là một trong những chủ trương mang tính đột phá của thành phố. Cùng với đó là sự quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; hướng tới xây dựng hình ảnh thành phố hấp dẫn, năng động; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc mở rộng liên kết vùng, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng được thành phố rất chú trọng.
“Phát triển kinh tế của thành phố phải đi đôi với phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
Cùng với sự đổi mới, phát triển chung của đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố khi thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính đột phá, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn của thành phố, mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng khóa XV đã đề ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bình luận