“Tình hình bây giờ rất đáng lo, rất nguy hiểm, người dân chủ quan quá” – ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội đã phải thốt lên như vậy trước tình hình đường phố Hà Nội vẫn tấp nập người và xe trong những ngày gần đây dù đang trong thời điểm cách ly xã hội.
Trong vài ngày gần đây, Bộ Y tế thông báo số ca nhiễm COVID-19 mới có xu hướng giảm, ít ca nhiễm và nhiều người được điều trị khỏi hơn. Có lẽ điều này khiến người dân, đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có phần chủ quan, rời nhà ra phố một cách nhiều hơn dù lý do không phải những việc thực sự cần thiết.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1/4 đến 15/4 vẫn còn hiệu lực, vẫn là cần thiết và cần sự đồng lòng hưởng ứng, chấp hành nghiêm chỉnh của mỗi người dân. Những con số về số ca khỏi bệnh nhiều hơn, số ca nhiễm ít đi chưa thể nói lên được điều gì và chưa thể khẳng định chúng ta đã an toàn trước dịch bệnh. Việc lơ là, chủ quan ở thời điểm này càng góp phần “nối giáo cho dịch” có nguy cơ lây lan rộng hơn trong cộng đồng, nhất là khi có những ca nhiễm đã mất dấu F0.
Trả lời phỏng vấn của báo chí sáng 9/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Tôi nhắc lại, nếu người dân chủ quan thì sẽ gây hệ lụy vô cùng lớn khi dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội, chứ không phải khuyến cáo”.
Còn Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì đứng ngồi không yên: “Người dân ra đường đông như thế này, có lẽ các giải pháp chống dịch sẽ vỡ trận thôi, vì chắc chắn trong cộng đồng còn có những ca nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, biểu hiện gì mà vẫn có thể lây cho người khác”.
Những biểu hiện của người dân trong vài ngày qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm với chính bản thân, với cả cộng đồng, thờ ơ với biết bao tâm sức và trí lực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, của Chính phủ và các ban ngành liên quan đã ngày đêm gồng mình chống dịch, bảo vệ sự an toàn cho mỗi người dân Việt trong gần hai tháng qua. Nhiều chuyên gia trên thế giới cũng đã cảnh báo rằng, chỉ cần 10% dân số không chấp hành các giải pháp chống dịch thì coi như kế hoạch của quốc gia bị phá vỡ.
Nhìn sang nước bạn là Singapore, sự lỏng lẻo và chủ quan trong phòng chống dịch bệnh của người dân đã khiến mỗi ngày lên tới hàng trăm ca nhiễm, buộc nước này đã phải ra lệnh thiết quân luật, đến nỗi trong một gia đình có 3-4 người trở lên cũng không được gặp nhau.
Tôi tin đây là điều không một người Việt nào mong muốn xảy ra. Và để việc thiết quân luật như vậy không xảy ra, rất cần sự ý thức cao độ của mỗi người, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị 16 của Chính phủ.
Từ những gì xảy ra ở Vũ Hán, cách tốt nhất để chiến thắng dịch bệnh là hãy ở nhà, đừng đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác, hãy làm con virus này chán đến chết vì bạn ở nhà.
Không chỉ Singapore, nhìn sang Trung Quốc, nhìn vào việc thành phố Vũ Hán bị phong thành suốt 76 ngày – mỗi người Việt chúng ta hãy nên biết sợ. 11 triệu dân của Vũ Hán cách ly tại nhà, toàn thành phố phải áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất về di chuyển và kinh doanh.
Trong số hơn 81.000 ca nhiễm được ghi nhận ở Trung Quốc thì có tới 61% là ở Vũ Hán. Các chuyên gia cảnh báo dịch virus corona sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại 62 tỷ USD ngay trong quý I.
Lệnh dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán được thực hiện từ 0h ngày 8/4. Bây giờ, thành phố 11 triệu dân này có thể tự do di chuyển. Thế nhưng nỗi lo sợ vẫn thường trực trong tâm trí khiến nhiều người dè dặt.
Tờ Reuters đưa tin, dù dỡ bỏ lệnh phong tỏa nhưng chính quyền địa phương vẫn kêu gọi người dân ở nhà càng nhiều càng tốt. Giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro. Các trường học hiện vẫn đóng cửa, và với nhiều người dân, nghe tin về việc dỡ lệnh phong tỏa, họ còn cảm thấy lo âu và không dám ra ngoài vì sợ lây từ những người mang bệnh nhưng không có triệu chứng.
Rõ ràng, những mất mát về vật chất, những tổn thương về tinh thần, niềm tin với người dân Vũ Hán là quá lớn, kinh khủng hơn cả một cơn ác mộng. Nó thành một vết sẹo dài hằn sâu khiến mọi thứ bắt đầu lại của người dân nơi đây trở nên khó khăn.
Vậy nên, đã đến lúc cần rung lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, cấp bách với ý thức của người Việt chúng ta trong giai đoạn mà cả quốc tế cũng xác định là “thời gian vàng” để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh này. Đừng đổ thêm nỗi lo, gánh nặng chất chồng lên những lãnh đạo của Chính phủ, thành phố, các bộ, ngành và công sức của cả triệu triệu người dân trong suốt thời gian qua chỉ bởi sự lơ là, chủ quan của những người dân thiếu trách nhiệm như trong những ngày gần đây.
Hãy nhìn vào tổn thương của người dân Vũ Hán để biết sợ, tự cảnh báo với chính mình!
Hãy lắng nghe lời khuyên, và đồng thời cũng chính là lời cảnh báo của ông Yuan Yanzhong – một người dân 59 tuổi chia sẻ trên tờ Reuters: “Tôi sinh ra ở Vũ Hán. Từ khi thành phố bị phong toả, tôi chưa từng ra khỏi nhà. Lúc đầu tôi khá hoảng loạn vì dịch bệnh này là rất nghiêm trọng. Cuộc sống không dễ dàng nhưng ở nhà rõ ràng là an toàn hơn. Từ những gì xảy ra ở Vũ Hán, cách tốt nhất để chiến thắng dịch bệnh là hãy ở nhà, đừng đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác, hãy làm con virus này chán đến chết vì bạn ở nhà.”
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
Video: Dân Hà Nội lại đổ ra đường dù vẫn trong những ngày cách ly xã hội
Bình luận