Video: Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ nhập từ Lào về Việt Nam
Sáng 11/4, lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động của cảng Thuận An.
Trước đó, ngày 4/3, sau phản ánh của Báo Điện tử VTC News về việc dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn chỉ đạo các ngành chức năng về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông tại cảng Thuận An.
Tập kết than khi phương tiện cũ, hạ tầng không đồng bộ
Theo báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, trước đây cảng Thuận An chủ yếu hoạt động tiếp nhận và trung chuyển clinke, than nhập về với khối lượng không lớn do phụ thuộc vào công suất hoạt động của công ty xi măng, than nhập về chủ yếu là than đá. Lượng than đá này khi nhập về được công ty bố trí khu vực tập kết riêng trong khuôn viên cảng và được phủ bạt che chắn giảm thiểu bụi phát sinh và ảnh hưởng của nước mưa.
Từ ngày 20/2 Công ty Cổ phần cảng Thuận An có hợp đồng tiếp nhận và trung chuyển than cám từ Lào về để chuyển vào cho các nhà máy nhiệt điện ở miền Nam. Lượng than này được nhập và tập kết tạm thời tại sân bãi của cảng, sau đó được trung chuyển bằng các sà lan ra cảng Cửa Việt (Quảng Trị).
"Tại thời điểm tiếp nhận than nhập từ Lào về tại cảng Thuận An các phương tiện trung chuyển và bốc xúc than từ vị trí tập kết lên các sà lan do được đầu tư từ lâu nên gặp trục trặc dẫn đến thời gian trung chuyển than lên các sà lan kéo dài từ 6 lên 26 ngày và hiện tồn lại hơn 2.000 tấn than cám. Việc tiếp nhận than từ Lào về là loại mặt hàng mới, nhưng hạ tầng hiện hữu tại cảng chưa đồng bộ nến vấn đề bảo vệ môi trường chưa đảm bảo nhất là khâu xử lý bụi phát tán ra từ khu vực xung quanh", báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế nêu.
Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho hay, cảng Thuận An ngừng tiếp nhận than nhập từ Lào về từ ngày 30/3. Đối với lượng than đang còn lưu tại cảng, Công ty Cổ phần cảng Thuận An yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (cơ sở thuê cảng để tập trung chuyển than) khẩn trương di chuyển lượng than này để hoàn trả lại mặt bằng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần cảng Thuận An, hiện chủ trương chung của công ty sẽ không tiếp nhận và lưu trữ than lâu dài tại cảng và công ty đang triển khai các biện pháp trùng tu hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải tại cảng và đang thi công lắp đặt hệ thống cọc để bố trí lưới chắn nhằm giảm thiểu phát tán bụi từ bãi tập kết nguyên, vật liệu ra khu vực dân cư xung quanh.
Nhiều năm 'quên' lập báo cáo bảo vệ môi trường
Báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho biết, quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường Công ty Cổ phần cảng Thuận An có lập đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư cảng Thuận An và được Sở Khoa học, công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế phê duyệt theo quyết định số 09/QĐ-MTg ngày 1/10/2002.
Trong quá trình kiểm tra, đơn vị thu 4 mẫu không khí, 2 mẫu nước mặt để kiểm định, đánh giá chất lượng môi trường tại khu vực cảng và tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết (TP Huế). Kết quả cho thấy các chỉ số quan trắc đều trong hạn cho phép.
Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế phát hiện, trước đây, công ty nghiêm túc thực hiện công tác quan trắc báo cáo định kỳ. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cảng hoạt động cầm chừng và công ty không thực hiện báo cáo quan trắc. Năm 2022, cảng hoạt động ổn định, tuy nhiên công ty không thực hiện báo cáo công tác môi trường theo quy định.
Hành vi trên của Công ty cổ phần Cảng Thuận An vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau khi phát hiện sai phạm, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường lập biên bản vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần cảng Thuận An.
Ngày 10/4/2022 Chánh Thanh tra Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định xử phạt hành chính với Công ty Cổ phần cảng Thuận An với số tiền 17.000.000 đồng.
Ngoài ra, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu Công ty Cổ phần cảng Thuận An thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát các nguồn phát sinh bụi trong quá trình hoạt động tại cảng. Có phương án phủ bạt, che chắn các khu vực được bố trí để tập kết than và các nguyên vật liệu khác có thể gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và có phương án đảm bảo an toàn môi trường khi các mặt hàng xuất nhập khẩu qua cảng như clinke, than...
Bố trí trạm xịt rửa xe có công suất đảm bảo để làm sạch thành, lốp xe trước khi ra vào cảng (ưu tiên cơ chế vận hành tự động, có quy chế hoạt động rõ ràng và được phổ biến đến toàn bộ nhân viên vận hành, các tài xế phương tiện vận chuyển hàng hoá ra vào cảng. Lắp đặt camera theo dõi quá trình thực hiện vận hành của trạm xịt.
Có phương án tăng tần suất tưới đường nội bộ, tuyến đường vận chuyển ngoài cảng nhằm giảm thiểu phát sinh bụi trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu của các phương tiện chở khi ra vào cảng. Trong đó, tần suất tưới phải đảm bảo để các tuyến đường luôn được tạo ẩm giảm phát tán bụi. Thực hiện việc lập báo cáo bảo vệ môi trường hằng năm theo đúng quy định.
Trước đó, VTC News có bài viết phản ánh việc thời gian qua một lượng lớn than được nhập trực tiếp từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) và được tập kết tại cảng Thuận An. Việc tập kết này gây ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến đời sống của hàng chục hộ dân sống quanh khu vực cảng.
Được biết, có khoảng 50 hộ nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết (TP Huế) chịu ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển, tập kết than tại cảng Thuận An. Họ cũng từng phản ánh tình trạng ô nhiễm do bụi than đến chính quyền nhưng đến nay chưa được khắc phục một cách triệt để.
Ông Trương Văn Đông - Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An thừa nhận hoạt động của cảng ít nhiều làm ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân.
Bình luận