• Zalo

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam

Đời sốngThứ Tư, 29/03/2023 15:24:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Cảng Thuận An (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành bãi tập kết than khổng lồ gây bụi bặm và ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Video: Dân khốn khổ vì những núi than khổng lồ trong cảng Thuận An (TP Huế)

Thời gian qua, PV VTC News liên tục nhận được phản ánh của người dân ở đường Nguyễn Văn Tuyết (phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) về tình trạng tập kết than tại cảng Thuận An gây bụi bặm và ô nhiễm môi trường.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 1

Những núi than khổng lồ có nguồn gốc từ Lào được vận chuyển về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) và tập kết tại cảng Thuận An (TP Huế). (Ảnh: Nguyễn Vương)

Bụi từ những núi than khổng lồ

Sau khi nhận được phản ánh người dân, PV tìm đến khu vực tập kết hàng hoá của cảng Thuận An. Đập vào mắt chúng tôi là những núi than khổng lồ được che đậy một cách sơ sài, một số vị trí còn không được che đậy. Mỗi khi có gió thổi bụi than đen xì, mù mịt.

Bên trong cảng, những chiếc máy xúc đang hồi hả xúc than lên những chiếc xe tải cỡ lớn để trung chuyển than ra khu vực cầu cảng trước khi được những chiếc gầu xúc khổng lồ bốc lên con tàu mang tên Việt Thuận 28.

Đáng chú ý, do là đường nội bộ nên những chiếc xe này mặc sức chở quá tải và không che đậy nên mỗi khi di chuyển than mặc sức rơi vãi, gió thổi bụi đen mù mịt cả một góc. Những con đường phía trong cảng phủ một lớp bụi than dày khoảng 5cm, mỗi lần có xe đi qua bụi mù cả một góc. Làn bụi theo gió thổi thẳng vào khu vực dân cư chỉ cách đó vài trăm mét.

Tại khu vực cầu cảng, công nhân miệt mài điều khiển hai gầu xúc cỡ lớn hối hả bốc than lên tàu làm than rơi vãi khắp nơi, trong đó có lượng lớn than rơi xuống biển. Tại khu vực cầu cảng cũng không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải trực tiếp xuống cửa biển kèm than khiến vùng nước ở gần khu vực cảng có một màu đen xì.

Phía ngoài đường Nguyễn Văn Tuyết đoạn từ khu vực cảng Thuận An ra đến quốc lộ 49 đen xì bởi bụi than. Mặt đường vẫn còn hằn lên những vết bánh xe đen xì, hư hỏng chi chít ổ voi, ổ gà.

Bà N. kinh doanh quán cà phê, nước giải khát ở khu vực gần cảng Thuận An chia sẻ, ngày nào xe chờ than cũng chạy ra vào cảng, chạy cả ngày cả đêm. Hầu như năm nào hoạt động vận chuyển và tập kết than về cảng cũng diễn ra nhưng từ đầu năm 2023 đến nay thì nhiều hơn.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 2

Hoạt động vận chuyển than từ khu vực tập kết ra cầu cảng trước khi được bốc lên tàu gây bụi mù trời. Các phương tiện vận chuyển mặc sức chở quá trọng tải và không được che đậy với lý do "đường nội bộ". (Ảnh: Nguyễn Vương)

Tiếng ồn thì chúng tôi chịu đựng được vì lâu rồi cũng thành quen và chấp nhận sống chung với lũ. Tuy nhiên, bụi thì quá nhiều, mỗi khi có xe chở than chạy qua chúng tôi đều phải đóng cửa nếu không các vật dụng trong nhà sẽ phủ một lớp bụi đen của than. Nhà tôi kinh doanh quán nước giải khát, cà phê chủ yếu là phục vụ công nhân trong cảng chứ khách nơi khác thì ít ai dám ngồi vì bụi bặm”, bà N. chia sẻ.

Vợ chồng ông bà Nguyễn L. và La Thị L. có nhà nằm đối diện với nhà bà N. nằm cách cảng Thuận An chỉ vài bước chân cũng bức xúc vì bụi và ô nhiễm từ hoạt động vận chuyển, tập kết than ở cảng Thuận An.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 3

Đường Nguyễn Văn Tuyết đoạn từ Quốc lộ 49 vào cổng cảng Thuận An đen xì bụi than, mỗi khi trời trở gió hoặc có xe chạy qua thì bụi mùi mịt. Người dân phải mang chướng ngại vật ra đường để các xe chủ động giảm tốc tránh gây bụi bặm. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Ngày hôm nay còn đỡ, chứ có những ngày gió nam thổi mạnh thì bụi than mù trời. Đường thì lúc nào cũng một màu đen, để khô thì bụi mà xịt nước thì nhớp nháp đen xì. Xe thì họ chạy cả ngày cả đêm, rầm rầm suốt từ đầu năm đến nay hầu như không có ngày nảo nghỉ.

Xe chở than toàn xe cỡ lớn chạy lún cả một bên đường. Chúng tôi bức xúc phải mang vật dụng ra cản để họ đánh lái sát sang bên kia đường để đỡ lún. Chúng tôi cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và phía cảng hứa sẽ khắc phục và cử lực lượng ra quét và tuới nước nhưng hôm được hôm không”, ông Nguyễn L. cho biết.

Được biết, có khoảng 50 hộ nằm trên tuyến đường Nguyễn Văn Tuyết chịu ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển, tập kết than tại cảng Thuận An. Họ cũng từng phản ánh tình trạng ô nhiễm do bụi than đến chính quyền nhưng đến nay chưa được khắc phục một cách triệt để.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 4

Những người dân sống ở mặt đường Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, hoạt động tập kết than ở cảng Thuận An khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Chỉ cần miết nhẹ tay lên các vật dụng trong nhà là đã bị đen xì bởi bụi than. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Giám đốc cảng Thuận An nói gì?

Trước những phản ánh của người dân, ông Trương Văn Đông – Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An cho biết, lượng than tập kết trong cảng có nguồn gốc từ Lào về qua Cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) từ đầu năm 2023 đến nay và chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu của các nhà máy nhiệt điệt ở các tỉnh phía Nam. Hiện có hai đơn vị ký kết với cảng Thuận An về hoạt động tập kết và trung chuyển than tại cảng là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty than Việt Nam.

Mấy ngày nay lượng than về cảng hơi nhiều và tập kết thành mấy bãi dưới khu vực cảng. Vừa rồi đơn vị làm thương mại than cho nhà máy nhiệt điện có lô hàng tàu Pacific 01 với sức chở 2,8 vạn tấn để chuyển tải ra khu vực phao số 0. Tuy nhiên, do tàu Pacific 01 máy móc kém và hỏng liên tục nên công tác chuyển tác chuyển tải ra tàu bị chậm lại. Trong khi đó, lượng than từ Lào vẫn về đều đặn để đủ sức chở của tàu nên than bị đọng lại tức thời đâu đó khoảng 7 – 10 ngày”, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An cho biết.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 5

Hoạt động bốc than từ khu vực cầu cảng lên tàu khiến một lượng lớn than rơi xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Liên quan đến phản ánh than rơi xuống biển trong quá trình bốc lên tàu, ông Trưởng Văn Đông khẳng định: “Đây là vấn đề tối kỵ nhất. Rơi than như vậy vừa gây ô nhiễm lại gây cạn bến cảng và hao hụt than xuất đi. Tuy nhiên, có thể ngày hôm đó trúng ca mà gầu ngoặm bị trục trặc và do tàu Việt Thuận 28 cần bốc than lên gấp để tránh thuỷ triều nên có thể một số anh em làm ẩu. Đây là sự cố không mong muốn, chúng tôi đã tổ chức họp và chấn chỉnh”.

Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An thừa nhận hoạt động của cảng cũng ít nhiều làm ảnh hưởng, xáo trộn của người dân: “Thực ra đường này hồi xưa ít hàng hoá nhưng đột biến than về nên gây xáo động cuộc sống của bà con. Nhưng ở đây chúng tôi không thể ngăn xe tải vào ra cảng được và xe tải cũng tuân thủ pháp luật. Phía cảng cũng đầu tư hút bụi trên đường và xe tưới nước nhưng chỉ làm ở trước mặt cảng và trong phạm vi nào đó thôi vì đây không phải chức năng của cảng”.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 6

Nước thải kèm than có dấu hiệu bị thải trực tiếp ra khu vực cửa biển Thuận An. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Liên quan đến hoạt động tập kết than của cảng Thuận An, ông Trương Văn Đông khẳng định, đơn vị luôn tuân thủ đánh giá tác động môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật.

Thế nhưng, khi chúng tôi đề nghị tiếp cận những giấy phép liên quan đến hoạt động môi trường thì Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thuận An chỉ cung cấp được một quyết định từ cách đây 21 năm của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường về phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của cảng Thuận An và một biên bản kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty cổ phần cảng Thuận An của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 22/7/2022.

Ông Trương Văn Đông thừa nhận, các giấy tờ trên là của chung hoạt động tại cảng Thuận An chứ không phải riêng của các bãi tập kết than không lồ đang hiện hữu trong cảng.

Dân khốn khổ với những núi than khổng lồ đưa từ Lào về Việt Nam - 7

Vùng nước ven cảng Thuận An đục ngàu một màu đen của than. (Ảnh: Nguyễn Vương)

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Theo quy định, các điểm tập kết, kinh doanh than trước khi đi vào hoạt động, chủ bãi cần lập kế hoạch hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là căn cứ để chủ bãi thực hiện các giải pháp xử lý nước, bụi bẩn bảo đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra bên ngoài. Phía công ty thực hiện quy định này hay không?” thì Giám đốc cảng Thuận An không trả lời.

NGUYỄN VƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn