Báo cáo chế độ lương, thưởng của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, mức lương thưởng của người lao động khối Nhà nước luôn cao hơn so với mặt bằng chung và có xu hướng ngày càng tăng.
Báo cáo chế độ lương, thưởng của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, mức lương thưởng của người lao động khối Nhà nước luôn cao hơn so với mặt bằng chung và có xu hướng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, mức lương thưởng được xác định theo quy định chung và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn có quy mô tài sản lớn hưởng lương khoảng trên dưới 2.000 USD/tháng.
Chẳng hạn, dàn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có thu nhập bình quân chỉ khoảng 41-52 triệu đồng/tháng, tương đương mức 2.000 USD. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn là ông Lê Minh Chuẩn có thu nhập 626 triệu đồng, tương ứng 52,2 triệu đồng/tháng.
Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có lương bình quân 50,7 triệu đồng/tháng. Bốn Thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có lương 556 triệu đồng, bình quân 46,4 triệu đồng/tháng. Các vị trí Phó tổng giám đốc và các kiểm soát viên có lương bình quân 41-48 triệu đồng.
Tương tự tại Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT), ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT có mức thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm. Tổng giám đốc Phạm Đức Long có thu nhập bình 575 triệu đồng.
Được biết, năm 2015, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chi khoảng 8.387 tỷ đồng trả lương cho người lao động. Trong đó, lương của 14 lãnh đạo là 6,4 tỷ đồng, thu nhập trung bình khoảng 460 triệu đồng/người/năm.
Với mức thu nhập chưa được 2.000 USD/tháng, lãnh đạo tập đoàn cho biết đây là mức lương thấp so với quy mô và hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Vì vậy, Phó giám đốc Tô Mạnh Cường đã kiến nghị Nhà nước sửa đổi quy định để tăng lương, thưởng cho giới chức quản lý tiệm cận với thị trường.
Còn tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam hiện nay trong một báo cáo lương thưởng hiếm hoi được tập đoàn công bố, năm 2014, thu nhập bình quân của 17 lãnh đạo cấp cao tập đoàn chỉ đạt bình quân 624 triệu đồng/năm, tương ứng 52 triệu đồng/tháng.
Một số tổng công ty lớn khác mức thu nhập của các “sếp lớn” khoảng 2.000 USD. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), thu nhập bình quân 12 lãnh đạo cấp cao là 44,1 triệu đồng/tháng, tương ứng 530 triệu đồng/người/năm.
Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), trong năm 2015 mức lương bình quân của viên chức quản lý Vinafood 2 trong năm vừa qua là 29,64 triệu đồng/tháng. Trong khi 10 lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền bắc (Vinafood 1) có thu nhập khoảng 40,7 triệu đồng/tháng.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) chi trả lương bình quân năm 2015 cho 12 lãnh đạo ở mức 47,6 triệu đồng/năm.
Một tổng công ty khác thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Sông Đà, theo báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, mức thu nhập bình quân của người lao động tại Tổng công ty trong năm 2015 đạt 14,61 triệu đồng/tháng.
Với cán bộ quản lý tại Tổng công ty, thu nhập bình quân năm 2015 là 38,48 triệu đồng/tháng. Cụ thể, ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà có thu nhập gần 554 triệu đồng, bình quân 46,16 triệu đồng/tháng, ông Hồ Văn Dũng, Tổng giám đốc có thu nhập gần 518 triệu đồng, bình quân 43,15 triệu đồng/tháng.
Ba thành viên chủ chốt khác trong hội đồng thành viên là ông Lê Văn Tốn, ông Nguyễn Doãn Hành, Nguyễn Kim Tới nhận về mức lương hơn 400 triệu đồng/người.
Một doanh nghiệp khác thuộc Bộ Tài chính đang được dư luận quan tâm đặc biệt những ngày qua là Công ty TNHH Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) với những khoản chi thưởng vài chục tỷ đồng cho một người trúng giải đặc biệt, 6 lãnh đạo công ty cũng chỉ có thu nhập bình quân là 21,1 triệu đồng/tháng. Năm 2016, tiền lương cơ bản cũng dự định ở mức 20 triệu đồng/tháng, khoảng 880 USD.
Bình luận