- Năm 2017 chứng kiến 6 đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng chung kết các giải đấu châu Á. Theo ông, đó có phải là bằng chứng cho sự tiến bộ của bóng đá trẻ Việt Nam?
Chuyên gia Trịnh Minh Huế: Nhìn nền tảng bóng đá trong nước và thành tích ấy của các đội tuyển, chúng ta thấy rất có triển vọng. Bóng đá đỉnh cao của chúng ta chưa tốt nên phải động viên và khuyến khích các lứa trẻ.
Dù vậy, ta phải nhìn nhận thực tế rằng đánh giá một nền bóng đá, người ta không đánh giá từ bóng đá trẻ. Thế giới chỉ quan tâm tới giải vô địch quốc gia và các đội tuyển quốc gia. FIFA xếp hạng là đánh giá tuyển quốc gia chứ không quan tâm những thứ khác.
- Vậy còn sự ra đời các trung tâm đào tạo trẻ mới điển hình như PVF hồi cuối năm ngoái thì sao?
Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt cho nền bóng đá. Bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu xã hội hóa và sự đóng góp của khối tư nhân rất nhiều. Cả thế giới đều yêu cầu như thế, họ không phân biệt tư nhân hay nhà nước trong đào tạo trẻ.
Cầu thủ trẻ ở nước ngoài đào tạo tốt rồi mới gửi lên Liên đoàn chứ Liên đoàn của họ không đào tạo trực tiếp từ đầu như chúng ta. Như trung tâm Clairefontaine của Pháp toàn tập hợp những cầu thủ trẻ hay nhất nước Pháp. Còn trung tâm đào tạo trẻ của VFF thì toàn cầu thủ hạng hai từ các câu lạc bộ.
- Một điểm bất cập nữa trong đào tạo trẻ là việc nhiều đội trốn dự các giải quốc gia. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Chuyện các đội bóng trốn dự giải trẻ phụ thuộc vào quy chế bóng đá. Quy chế ấy đặt ra không chặt chẽ, người ta làm cũng được, không làm cũng được. Không làm chỉ bị phạt vài trăm triệu. Nếu một câu lạc bộ thực hiện đúng quy chế, dự đủ các giải trẻ từ U11 tới U21 thì rất tốn kém. Họ sẽ phải tìm huấn luyện viên, đào tạo vận động viên, tài trợ các kiểu.
Nhưng họ làm như thế thì ta mới có bóng đá trẻ thực sự. Họ không làm thế thì lấy đâu cầu thủ trẻ. Chúng ta để ý sẽ thấy các đội mạnh ở V-League hiện nay đều có lò đào tạo trẻ rất tốt.
- Việc các đội bóng không duy trì những lứa trẻ có phải là nguyên nhân khiến cầu thủ trẻ ít được ra sân?
Chính xác. Lộ trình của cầu thủ trẻ thì phải đi từ giải Hạng Nhất lên V-League, họ phải được tạo sân chơi thi đấu. Nhưng giải vô địch quốc gia của chúng ta không giống ai, chúng ta hoạt động theo hình tháp ngược. V-League có 14 đội nhưng giải Hạng Nhất chỉ có 7 đội. Thế thì làm sao các em trẻ có chỗ chơi bóng, làm sao bắt các em ấy lên thẳng V-League được.
Nhiều cầu thủ trẻ của ta chơi rất hay ở các đội U nhưng khi về câu lạc bộ toàn dự bị. Thế giới đánh giá một cầu thủ đủ chuẩn là phải đá được 40, 50 trận một năm. Còn cầu thủ trẻ của ta chẳng có chỗ mà đá, giải trẻ quốc gia chỉ có vỏn vẹn chục trận. Đó là lý do nhiều cầu thủ trẻ của ta rất hay nhưng khi lên đội tuyển, gặp các đối thủ mạnh thì ngợp và khó đá. Ấy là bởi họ chưa được va vấp nhiều trong môi trường chuyên nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về khoảng cách của bóng đá trẻ Việt Nam với Thái Lan?
Tôi nghĩ các câu lạc bộ Việt Nam không kém nhiều so với Thái Lan. Nhưng nền bóng đá của họ có đường đi rõ ràng hơn chúng ta. Cầu thủ trẻ của họ có đường đi rõ ràng, có cửa lên chuyên nghiệp rõ. Giải hạng nhì của Thái Lan có tới 18 đội cơ mà.
Chúng ta thì mới có vài câu lạc bộ, cầu thủ trẻ làm sao chen chân được vào đấy. Nhiều người bị ép lên đội một sớm quá thì đá trận hay, trận dở. Nhìn Công Phượng của chúng ta xem, cậu ấy cũng đá trận được trận không. Nhưng Chanathip Songkrasin của Thái thì sao, anh ta đá hay và ổn định dù chỉ hơn Phượng ít tuổi./.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đọc thêm: Vừa nhậm chức, Miura và Công Vinh đi 'xem giò' các cầu thủ sinh viên
Bình luận