Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vùng dịch là nơi chính quyền địa phương xác định có dịch và được phong toả nghiêm ngặt căn cứ theo cập nhật của Bộ Y tế về địa chỉ nơi ghi nhận ca bệnh. Những người đang sống trong khu vực này đều không được di chuyển.
Còn trường hợp thuộc diện F2, F3 (tiếp xúc với người tiếp xúc bệnh nhân) được di chuyển qua các nơi khác những bắt buộc phải khai báo y tế.
Tuy hiện nay Việt Nam ghi nhận có 10 tỉnh/thành phố có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa là người dân các địa phương này đều thuộc diện phong toả, cách ly và không được đi đâu.
“Ví dụ như Cầu Giấy có một số điểm đang bị phong toả, nhưng không có nghĩa là cả quận bị phong toả. Những người không có yếu tố liên quan tới dịch tễ vẫn có thể đi lại”, ông Tuyên nói.
Việc có cách ly những người đến từ 10 tỉnh/thành phố trên hay không tuỳ vào quyết định của địa phương, chứ không thuộc thẩm quyền của Bộ. Bộ đang cho soạn thảo hướng dẫn chung về việc di chuyển của người dân trong dịp Tết cũng như hướng dẫn an toàn cho cộng đồng.
Chung quan điểm, theo PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), căn cứ vào tình hình dịch hiện nay thì chưa cấm việc người Hà Nội không nằm trong vùng dịch đi các nơi. Nghĩa là không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày.
Tương tự, người từ Hà Nội khi về Quảng Ninh, Hải Dương (không vào các vùng dịch, ông thuộc diện đang bị phong toả) sau khi ăn Tết xong vẫn quay về Hà Nội mà không phải cách ly tế.
Tuy nhiên, theo ông Phu, người Hà Nội hay bất kỳ địa phương nào về quê ăn Tết đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh bằng việc không đi lại những chỗ không cần thiết, có thể di chuyển bằng phương tiện xe riêng hoặc thuê xe là tốt nhất.
“Nếu đi bằng các phương tiện công cộng thì phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn…”, ông Phu nói.
Vụ việc vừa qua cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Việt Nam rất lớn khi chúng ta vừa nới lỏng một số hoạt động… Do đó, để hạn chế nguy cơ lây lan và tăng hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, người dân cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền.
Mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong phòng chống dịch, tuân thủ khai báo y tế đầy đủ, thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về thông điệp 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.
“Trong dịp Tết này nhu cầu đi lại của mọi người rất lớn nên cần đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Tôi nghĩ, trong lúc này chúng ta không nên tổ chức những việc không cần thiết như liên hoan tất niên, gặp gỡ tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt không cần thiết vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hy vọng, chúng ta sẽ khống chế được dịch để người dân đón Tết an lành”, ông Phu nói.
Theo quy định, việc cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 hiện bao gồm các hình thức sau:
Cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quyết định 879.
Tại cơ sở cách y tế tập trung theo quyết định 878.
Tại khách sạn theo quyết định 1246.
Cách y y tế vùng có dịch theo quyết định 3986.
Cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo quyết định 151.
Bình luận