• Zalo

Nhiều người Hàn Quốc phá sản ở tuổi 20

Giới trẻThứ Tư, 12/10/2022 14:42:53 +07:00Google News

Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trước đó, họ đã vay nặng lãi để thực hiện các khoản đầu tư thiếu thận trọng.

Nhiều người Hàn Quốc phá sản ở tuổi 20 - 1

Ham làm giàu, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc chấp nhận nợ nần, vay nặng lãi để đầu tư rủi ro. Ảnh: Reuters. 

Trong tháng 7 và 8, cứ mỗi 5 người nộp đơn ra Tòa án Phá sản Seoul sẽ có 1 người ở độ tuổi 20, hoặc 1-2 người ở độ tuổi 30, theo Chosun.

Số vụ phá sản tăng mạnh ở nhóm tuổi đầu 2. Nửa đầu năm nay, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 245 vụ. Nhưng con số tăng lên lần lượt 322 và 315 vụ vào tháng 7 và 8 vừa qua, chiếm tới 19,6% trong tổng số hồ sơ bảo hộ phá sản.

Năm 2020, những người trẻ dưới 30 tuổi chỉ chiếm 10,7% số vụ phá sản, nhưng tỷ lệ đã tăng gấp đôi chỉ sau một năm rưỡi.

Bên cạnh đó, cách đây 2 năm, tỷ lệ người phá sản ở độ tuổi 20 và 30 ở mức 42,5%. Con số tăng lên 45,1% vào năm 2021 và chạm mốc 47,9% trong nửa đầu năm nay.

Nhiều người Hàn Quốc phá sản ở tuổi 20 - 2

Năm 2021, tổng số nợ mà người Hàn Quốc phải trả đã vượt quá GDP của đất nước 5%. Ảnh: Reuters.

Nguyên nhân chính được cho là do xu hướng vay nợ để mua cổ phiếu hoặc tiền điện tử gia tăng ở nhóm người trẻ. Tuy nhiên, đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, Chosun nhận định.

Khi giá căn hộ tăng vọt vào năm ngoái, nhiều người trẻ đã vội vàng vay các khoản khổng lồ để mua nhà trước khi giá cao hơn. Thế nhưng, hiện lãi suất vay tăng vọt trong khi giá trị bất động sản lại giảm. Thực tế này đang đẩy nhiều chủ sở hữu nhà vào thế khó.

Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính, số dư khoản cho vay của những người ở độ tuổi 20 và 30 từ 10 công ty môi giới lớn đã tăng từ 1,9 nghìn tỷ won vào cuối tháng 6/2020 lên 3,6 nghìn tỷ won sau một năm.

Nhiều người Hàn Quốc phá sản ở tuổi 20 - 3

Một nhân viên văn phòng hỏi thông tin về các khoản vay cá nhân tại một ngân hàng tư nhân ở Seoul. Ảnh: KED.

Điều này đồng nghĩa số thanh niên vay tiền mua cổ phiếu tăng gần gấp đôi. Họ cũng là nhóm chiếm 55% tổng số những nhà đầu tư tiền điện tử.

“Do không sở hữu nhiều tài sản, người trẻ có xu hướng đầu tư rủi ro cao với hy vọng đổi đời nhanh. Sự gia tăng số lượng thanh niên nộp đơn xin bảo hộ phá sản cho thấy nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần do vay nặng lãi để đầu tư”, giáo sư Oh Jung-keun đến từ Đại học Konkuk chia sẻ.

Không ít người vay nhiều hơn 2 nguồn khác nhau. Theo Dịch vụ Giám sát Tài chính, tính đến nửa đầu năm nay, có 397.753 người ở độ tuổi 20 đã vay từ nhiều bên, tăng 30,6% so với cuối năm 2019 và là mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả nhóm tuổi.

Cuối tháng 4, Viện Tài chính Hàn Quốc cho biết những người dưới 30 tuổi vay từ nhiều nguồn đã nợ tổng cộng 158,1 nghìn tỷ won, tăng 32,9% so với năm 2017. Những người đi vay như vậy được xếp vào nhóm có khả năng vỡ nợ cao.

“Trong khi lãi suất vay dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở thời điểm hiện tại, khả năng cao là tiền điện tử và cổ phiếu sẽ giảm giá trị. Điều này có nghĩa rằng điều kiện tài chính của các nhà đầu tư sẽ càng xấu đi. Ai cũng có thể thấy số người trẻ tìm đến Tòa án Phá sản Seoul sẽ còn nhiều thêm”, Park Hyun-keun, đến từ Hiệp hội Luật sư Phá sản Hàn Quốc, cho biết.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn