Có một câu chuyện ít được bàn đến trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án BOT là: Việc thẩm định hồ sơ để tính thời gian thu hồi vốn cho các nhà đầu tư tham gia BOT.
Lãi lớn, vì lợi ích nhóm chi phối?
Thực tế cho thấy, nhiều dự án BOT đưa vào sử dụng chỉ mấy năm đã có lãi lớn. Chẳng hạn, mới đây nhất, Dự án xây dựng QL1A đoạn tránh Thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục ĐBVN tạm dừng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên 10/8/2017, vì đã thu hồi vốn và nhà đầu tư cũng lãi lớn.
Một trong những con số đáng giật mình tại kết luận Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về 27 dự án BOT giao thông, giai đoạn 2011 – 2016 là sự điều chỉnh thời gian thu phí. Tại nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ, người tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà “bắt buộc” phải trả phí cho nhà đầu tư.
Từ những con số tại báo cáo kiểm toán, chỉ nhẩm tính sơ qua cũng thấy số thời gian bị yêu cầu cắt thu phí lên đến 100 năm. Trong đó, dự án điều chỉnh giảm thu phí tối thiểu là 10 tháng, tối đa lên đến hơn 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.
Trong đó, dự án bị điều chỉnh thời gian thu phí nhiều nhất là công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa (giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày). Kế đến, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông cũng phải giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày.
Vậy, điều gì đã khiến việc tính toán thời gian thu hồi vốn cho dự án bị sai? Phải chăng do trình độ của chuyên gia xây dựng, thẩm định dự án? Hay do lợi ích nhóm nên cố tình tính thời gian thu hồi vốn dài hơn rất nhiều so với thực tế?
Video: Trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang: Nhìn đâu cũng thấy bất hợp lý
Việc quản lý các dự án, thời gian thu hồi vốn BOT cũng được rất nhiều người dân quan tâm, liệu nó có phải là một sự sai sót của các chuyên gia kinh tế về quy định thời gian thu hồi vốn BOT hay phải chăng có sự liên quan nào đó tới “lợi ích nhóm”?.
Để hiểu rõ hơn về cách quản lý BOT và thời gian thu hồi vốn, PV báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “BOT là dự án hoạt động theo kiểu sản xuất – kinh doanh – chuyển giao, đối với các nhà thầu phải đạt 10% vốn trở lên khi tham gia vào dự án BOT, số tiền họ đưa ra khi được phê duyệt sẽ đồng nghĩa với thời hạn thu hồi vốn. Song thực tế, có nhiều nhà thầu không đủ vốn phải đi vay ngân hàng rồi bắt tay với cơ quan chức năng để được trúng thầu – đó là lợi ích nhóm”.
Hiện nay, có thực trạng một số dự án BOT rút ngắn thời hạn thu phí xuống sớm hơn thời hạn. Ông Long cho biết: "Tất cả đều là vấn đề buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, hoạt động theo lợi ích nhóm dẫn tới việc thẩm định sai, không quản lý chặt đầu vào của các nhà thầu.
Khi được chỉ định thầu, ví dụ một dự án hết 2000 tỷ đồng thì phải thu hồi vốn trong 20 năm, nhưng khi kiểm toán nhà nước kiểm tra thì dự án này chỉ hết 1.000 – 1.500 tỷ đồng, thì với số tiền này chỉ hết 15 năm để thu hồi vốn. Bên cạnh đó, một số nhà thầu không tuân thủ quy tắc làm BOT”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần phải có luật về BOT bởi: "Hiện nay, chưa có luật về BOT và chưa thực hiện đấu thầu công khai các dự án. Thường là chỉ định thầu, thậm chí là trong một nhóm hẹp từ người đầu tư tới người duyệt đầu tư.
Đặc biệt, thiếu kiểm toán, thiếu đánh giá xây dựng tổng trên thực tế để xác định thời hạn thu phí phù hợp. Cụ thể, khi kiểm toán vào cuộc kiểm tra đã có 27 dự án BOT đã phải rút ngắn tổng thời gian xuống gần 100 năm. Nếu đúng như nhà quản lý và nhà đầu tư thì thời gian thu phí phải kéo dài.
Lý giải cho vấn đề này, rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước kém, rất thiếu trách nhiệm, thậm chí, có dấu hiệu của lợi ích nhóm. Bởi khi kiểm toán nhà nước vào cuộc mới phát hiện ra".
Cũng theo ông Phong, để quản lý tốt và hiệu quả các dự án BOT cần phải thực hiện tốt các vấn đề sau: "Thực hiện đấu thầu; Xác định tiêu chuẩn của nhà đầu tư phải đảm bảo được nguồn vốn; Có sự vào cuộc sớm của kiểm toán để xác định chi phí dự toán, khai toán cho tới thực tế và quyết toán. Phải cập nhật thường xuyên theo định kì mức thu trên thực tế để điều chỉnh mức thu cho phù hợp".
Rủi ro có chia đều?
Liên quan việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Danh Huy (Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT) cho biết: “Dự án này vào năm 2013. Trên cơ sở làm việc với Tiền Giang và các đơn vị liên quan nhằm giảm ùn tắc. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và được Chính phủ cho chỉ định thầu”.
Hợp đồng BOT có thể coi là một hợp đồng kinh tế, nhà đầu tư hoàn toàn tự nguyện tham gia như một đối tác với Nhà nước. Theo các chuyên gia, nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng khi thực hiện hợp đồng BOT.
Khi đã thỏa thuận thì cả hai bên nhà nước và nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro và đây là nguyên tắc cần tuân thủ nghiêm ngặt.
Trường hợp mức tăng trưởng cao hơn dự báo, nhà đầu tư sẽ có lãi lớn hơn dự kiến; ngược lại, khi đã chấp nhận ký hợp đồng, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận lỗ nếu như trong thời kỳ kinh doanh có biến động bất lợi cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, để đảm bảo hợp đồng BOT thành công, thì phân chia rủi ro hợp lý là yếu tố then chốt.
Với nhiều dự án BOT, rủi ro được phân bổ theo nguyên tắc doanh nghiệp dự án chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến công nghệ, thiết kế thi công và tính toán hiệu quả đầu tư; còn cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu các rủi ro về thể chế, pháp lý và các rủi ro bất khả kháng liên quan đến xã hội, môi trường.
Trường hợp các rủi ro bất khả kháng như lũ lụt, động đất, không thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước và ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp dự án thì hai bên sẽ cùng chia sẻ những rủi ro này.
Khi đã phân chia rủi ro đầy đủ, nhà đầu tư đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng, thì phải tuân thủ nguyên tắc lời ăn lỗ chịu.
Bình luận