Nhiều ĐBQH ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Đời sốngThứ Ba, 29/08/2023 18:15:58 +07:00
(VTC News) -

Tham gia thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ĐBQH ủng hộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Chiều 29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Một trong những nội dung trong dự thảo luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn cho thuê.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn.

Điều này góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: quochoi.vn).

Theo bà Nga, đối tượng thụ hưởng các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp. Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp.

"Khác với các chủ đầu tư thông thường, nếu trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động, thì đối tượng thụ hưởng chính sách chính là những đối tượng được hướng đến trong suốt các nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức này", bà Nga nói.

Mặt khác, vị đại biểu Quốc hội cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư. 

Đại biểu tỉnh Hải Dương nhìn nhận, đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, vì vậy cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí. Bà đề nghị nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cũng tán thành với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Ông Nam cho biết, phương án này phù hợp với chủ trương, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân.

"Đối với hệ thống công đoàn các cấp là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, nên hơn ai hết họ nắm rõ nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, nhất là những người lao động có thu nhập thấp hay hoàn cảnh khó khăn", ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ thực hiện dự án nhà ở xã hội để cho thuê, các dự án này sử dụng nguồn vốn là tài chính công đoàn, vận hành như các nhà ở do Nhà nước đầu tư.

"Tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội ủng hộ để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư đối với nhà ở xã hội", ông Nam nói.

Có chung mối quan tâm, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) nêu rõ, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân hoàn toàn có cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn. (Ảnh: quochoi.vn).

Ông Tuấn đánh giá, quy định này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn.

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở. Tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này.

"Vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc", ông Tuấn nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

"Việc để Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động, qua đó giúp Tổng Liên đoàn hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình", ông nói Tuấn thêm.

Tại phiên thảo luận, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật Nhà ở. 

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn