• Zalo

Nhiều cơ sở y tế không phát hiện COVID-19 dù bệnh nhân tới khám 2 lần

Bệnh và thuốcThứ Hai, 22/02/2021 16:46:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong đợt dịch này, nhiều cơ sở y tế bỏ sót các ca COVID-19, không phát hiện ra ca bệnh dù người đó đến khám liên tiếp 2 lần.

Liên tiếp các cơ sở y tế bỏ sót bệnh nhân mắc COVID-19 như Bệnh viện Thăng Long, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Vinmec Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Phòng khám Raffles Medical, TTYT huyện Kinh Môn và mới đây nhất là Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng.

Hàng loạt bệnh viện bị phong toả

Trường hợp đáng chú ý nhất có thể kể đến là chuyên gia người Nhật Bản, BN2229, nam, 54 tuổi, chết tại Hà Nội ngày 13/2 vừa qua. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trước khi qua đời, BN2229 từng tới khám 2 lần tại Phòng khám Raffles Medical (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhưng cơ sở này không phát hiện ra bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Bệnh nhân không khỏe tới khám tại Phòng khám Raffles Medical ngày 3/2, được chẩn đoán nhiễm độc tiêu hóa, mua một số thuốc không rõ loại. Ngày 8/2, bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ (38 độ C), tái khám tại Phòng khám Raffles Medical, tại đây được làm test nhanh cúm A, B cho kết quả âm tính.

Nhiều cơ sở y tế không phát hiện COVID-19 dù bệnh nhân tới khám 2 lần - 1

Khách sạn Somersert Westpoint, nơi bệnh nhân tử vong.

Khởi điểm đợt dịch COVID-19 lần này tại Việt Nam là trường hợp nữ công nhân tại Hải Dương. Báo cáo cho thấy, ngày 15/1, nữ công nhân đến Bệnh viện Thăng Long xét nghiệm COVID-19. Người này có kết quả âm tính và bay sang Nhật Bản xuất khẩu lao động ngày 16/1. Sau đó 1 ngày, nữ công nhận được bên Nhật Bản xét nghiệm khẳng định kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Ngày 28/1 Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này là bệnh nhi, đang điều trị tại đây, được xét nghiệm và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân có mẹ là công nhân làm việc tại Công ty Poyun (Chí Linh, Hải Dương). Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm trước đó với người mẹ đều âm tính. Vụ việc khiến bệnh viện bị phong toả ngay trong đêm.

Tương tự, ngày 2/2, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng phải phong toả bệnh viện đa khoa tỉnh do ghi nhận có bệnh nhân COVID-19. Tiền sử dịch tễ trước đó bệnh nhân có đau bụng được đưa đến TTYT huyện Ia Pa chữa trị. Do nơi đây đang bị phong tỏa nên được hướng dẫn ra TTYT huyện Phú Thiện chữa trị.

Sau khi được thăm khám tại TTYT huyện Phú Thiện, bệnh nhân tiếp tục được đưa tới Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, các bác sĩ hội chẩn và xác định không có yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên sau đó một điều dưỡng phát hiện bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là cư trú tại xã Kim Tân (huyện Ia Pa) nên lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngày 31/1. Đến đêm 1/2, kết quả xác định bệnh nhân dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Đáng lưu ý trong thời gian qua có sự việc để lọt bệnh nhân COVID-19 là trường hợp của TTYT huyện Kinh Môn (Hải Dương). Đây là bệnh nhân nam, 60 tuổi, là công nhân của Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch được phát hiện thông qua sàng lọc cộng đồng. Bệnh nhân là F2 của ca bệnh COVID-19, ở nhà 7 ngày thì bắt đầu có triệu chứng ho, sốt. Người bệnh có đi khám tại TTYT huyện Kinh Môn nhưng nhân viên y tế không phát hiện bệnh. Phải đến khi xét nghiệm lại, bệnh nhân mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng bệnh của người này sau đó diễn biến rất nhanh và đang là ca bệnh nặng.

Mới đây nhất là trờng hợp của nữ điều dưỡng 26 tuổi làm việc tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng. Đây là bệnh nhân làm nhiệm vụ tiếp đón, phân luồng bệnh nhân đến khám. Ngày 21/2, bệnh nhân được Bệnh viện Đại học Y Dược lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cùng với các nhân viên y tế của bệnh viện (tổng số 89 mẫu). Kết quả, bệnh nhân dương tính.

Đáng nói là trong 14 ngày trở lại đây, bệnh nhân không đi ra khỏi Hải Phòng, không có triệu chứng bệnh lý hô hấp nào đặc biệt. Hải Phòng đã phong toả Bệnh viện Giao thông Vận tải và đang rà soát tất cả những người có liên quan.

Nhiều cơ sở y tế không phát hiện COVID-19 dù bệnh nhân tới khám 2 lần - 2

Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng vừa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2.

Đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc sớm

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trong đợt dịch thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều cơ sở y tế phải đóng cửa, phong toả tạm thời do để lọt các ca COVID-19. Nguy hiểm hơn, đợt dịch này có 83% số ca không có biểu hiện lâm sàng cụ thể, rất khó phát hiện; 14,2% trường hợp gặp biểu hiện nhẹ. Do đó, Bộ Y tế đã điều chỉnh hướng dẫn về phân luồng, cách ly, biện pháp điều trị, phát hiện bệnh trong khu vực khám chữa bệnh.

Để tránh bỏ lọt những trường hợp mắc COVID-19, theo ông Khuê, các cơ sở y tế tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, cập nhật vào phần mềm bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế đẩy mạnh xét nghiệm trong bệnh viện, sàng lọc sớm các ca bệnh. Bệnh viện cũng cần cảnh giác với tất cả các ca bệnh có ho, sốt, khó thở, dù không có yếu tố dịch tễ cũng xét nghiệm ngay hoặc đưa về điều trị tập trung ở các bệnh viện có thể cấp cứu được.

Liên quan tới việc ca COVID-19 tới cơ sở y tế khám 2, 3 lần những không được phát hiện, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết có thể do liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí an toàn bệnh viện. Do đó, ngoài các tiêu chí chấm điểm bệnh viện, các cơ sở y tế phải kích hoạt thêm hệ thống báo động viêm viêm đường hô hấp tại tất cả 63 tỉnh/thành phố thông qua các chương trình trước đây đã có nhằm phát hiện sớm các ca nghi ngờ, phân luồng bệnh nhân.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn